07:13 22/07/2022

Hà Nội công nhận 595 sản phẩm OCOP năm 2021

Ngày 22/7, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Quyết định chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021 với 595 sản phẩm của 171 chủ thể.

Chú thích ảnh
Hà Nội trao chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP 2021.

Theo đó, 595 sản phẩm của 171 chủ thể tại 26 quận, huyện, thị xã được Hội đồng đánh giá, phân hàng sản phẩm OCOP của thành phố đánh giá, phân hạng đủ điều kiện trình UBND thành phố quyết định công nhận, trong đó có 367 sản phẩm đạt 4 sao, 228 sản phẩm đạt 3 sao.

Như vậy, lũy kế từ năm 2019 đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Song song việc tập trung chỉ đạo đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội cũng đã đặc biệt quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Thủ đô với các tỉnh thành trong cả nước và bạn bè khách quốc tế; chỉ đạo triển khai xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: UBND thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.

Bên cạnh việc ‘gắn sao’ cho sản phẩm OCOP, để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, ông Chu Phú Mỹ cũng đề nghị, các chủ thể cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Đồng thời, các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Chú thích ảnh
Giới thiệu các sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn OCOP.

Trong khuôn khổ lễ công bố, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cũng tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố trong thời gian từ ngày 22-24/7/2022 được trưng bày trong khuôn viên Trung tâm thương mại khu đô thị Royal City (Thanh Xuân, Hà Nội).

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 24/5/2022 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) thành phố Hà Nội năm 2022, theo đó số lượng sản phẩm đánh giá năm 2022 khoảng 400 sản phẩm. Tuy nhiên, theo số liệu đăng ký đến nay là 488 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó, ngành thực phẩm 301 sản phẩm, ngành đồ uống 20 sản phẩm, ngành thảo dược 20 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 129 sản phẩm, ngành vải và may mặc 14 sản phẩm, ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng 4 sản phẩm.

 Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội.

Bài, ảnh, clip: XM/Báo Tin tức