08:13 12/08/2020

Hà Nội công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ hữu sông Hồng

Sự cố sạt lở bờ sông trên địa bàn các xã: Chu Minh, Sơn Đà, Minh Quang, huyện Ba Vì; xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang rất nghiêm trọng và có diễn biến khó lường.

Xét Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt 3 quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Hồng trên địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì; sạt lở bờ hữu sông Đà trên địa bàn các xã: Sơn Đà, Minh Quang, huyện Ba Vì; sạt lở bờ tả sông Đáy trên địa bàn xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai.

Tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì, vị trí xảy ra sự cố tại bờ hữu sông Hồng (kè Chu Minh) với chiều dài khoảng 250m và đê hữu Hồng với chiều dài khoảng 300m. Các cung sạt tạo thành vách đứng, gây nứt, lún sụt tường và công trình phụ của các hộ dân, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của hơn 10 hộ dân thôn Chu Quyến, xã Chu Minh.

Chú thích ảnh
Sạt lở ven sông Hồng đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh minh hoạ: Trọng Tùng.

Tại các xã Sơn Đà, Minh Quang, huyện Ba Vì, vị trí xảy ra sự cố tại tuyến kè Khê Thượng, tương ứng từ K4+100 đến K4+700, với chiều dài khoảng 600m, thuộc địa bàn xã Sơn Đà. Phần chân kè bị sạt lở mạnh, vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm nhất bị sụt toàn bộ phần chân kè và sát chân đê, khu vực này mái kè là mái đê đã uy hiếp trực tiếp đến an toàn của tuyến đê hữu Đà.

Vị trị xảy ra sự cố sạt lở tại khu vực trạm bơm Đồng Tiến trong phạm vi kè Minh Quang, chiều dài khoảng 500m, chân kè bị sạt lở mạnh, khu vực sạt lở mạnh nhất khoảng 30m, cung sạt sát vào chân đê do mái kè là mái đê, sát trạm bơm Đồng Tiến ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của tuyến đê Khánh Minh, an toàn của trạm bơm Đồng Tiến.

Vị trí sự cố sạt lở đoạn từ cuối thôn Liên Bu, chiều dài khoảng 450m về phía cầu Đồng Quang (kè Minh Quang) chân kè sạt lở mạnh, khu vực sạt lở mạnh nhất khoảng 30m gần sát chân đê Khánh Minh, khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tuyến đê Khánh Minh.

Tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, vị trí xảy ra sự cố tại bờ tả sông Đáy khoảng 600m tương ứng từ K29+600 đến K30+200 đê tả Đáy. Trên tuyến bờ sông xuất hiện 6 vị trí sạt lở, các cung sạt có chiều dài (từ 5 đến 10)m, chiều cao (từ 3 đến 3,5)m, trong đó có 1 cung sạt xói sâu vào lòng đường (từ 2 đến 3m) tạo hàm ếch. Các cung sạt có xu hướng phát triển thêm và diễn biến phức tạp, uy hiếp đến ổn định bờ sông, nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến người và tài sản của nhân dân trong khu vực.

Để tăng cường các biện pháp bảo vệ đảm bảo công trình đê kè và an toàn về người, tài sản của nhân dân, UBND TP yêu cầu UBND các huyện ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở; kịp thời tuyên truyền, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng phạm vi nguy cơ sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố để người dân biết chủ động phòng tránh; hạn chế tàu thuyền qua lại khu vực sạt lở và bố trí cán bộ ứng trực theo quy định.

Về các biện pháp khắc phục sự cố khẩn cấp, UBND huyện Ba Vì được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư, thực hiện dự án Xử lý cấp bách chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tương ứng từ K20+700 đến K20+950 và từ K21+200 đến K21+500 đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư, thực hiện dự án Xử lý cấp bách chống sạt lở khu vực kè Khê Thượng tương ứng từ K4+100 đến K4+700 đê hữu Đà; khu vực trạm bơm Đồng Tiến với chiều dài khoảng 500m và đoạn từ cuối thôn Liên Bu với chiều dài khoảng 450m về phía cầu Đồng Quang thuộc bờ hữu sông Đà; dự án Xử lý cấp bách chống sạt lở bờ tả sông Đáy đoạn qua địa bàn thôn Thanh Giang, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tương ứng từ K29+600 đến K30+200 đê tả Đáy (chiều dài sẽ được xác định chính xác sau khi có tài liệu khảo sát) bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu về nguồn vốn, cân đối bố trí vốn để thực hiện dự án khi đủ điều kiện bố trí vốn.

TN/Báo Tin tức