12:17 19/12/2021

Hà Nội cấp thuốc Molnupiravir cho những F0 thuộc diện nào?

Bạn đọc hỏi: Những đối tượng F0 nào của Hà Nội thuộc diện được cấp thuốc Molnupiravir?

Chú thích ảnh
F0 cách ly tại nhà ở Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.

Theo quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc COVID-19 (F0) thể nhẹ của Sở Y tế Hà Nội, đối tượng sử dụng thuốc là F0 thể nhẹ phải từ 18 tuổi trở lên, có cam kết đồng ý sử dụng Molnupiravir bằng văn bản.

Cụ thể, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; độ tuổi từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc.

Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà phải có văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Theo Sở Y tế Hà Nội, quy trình phát thuốc Molnupiravir gồm 4 bước:

Bước 1: Phân phối thuốc: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa phân phối thuốc Molnupiravir cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.

Bước 2: Sàng lọc bệnh nhân:

Với trạm y tế cấp xã (cả trạm y tế lưu động) lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình, thực hiện việc khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia chương trình gửi trung tâm y tế tuyến huyện.

Với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được phân công tiếp nhận điều trị F0, thực hiện điều trị cho bệnh nhân theo các quy trình tại "Sổ tay hướng dẫn chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 thể nhẹ" do Bệnh viện Phổi Trung ương ban hành.

Bước 3: Trạm y tế liên hệ với Trung tâm y tế huyện lĩnh đủ số lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân theo danh sách và cấp cho mỗi bệnh nhân 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Hàng ngày cơ sở liên hệ với bệnh nhân (trực tiếp hoặc qua điện thoại) ghi nhận các sự cố bất lợi (nếu có) trong vòng 14 ngày, báo cáo trung tâm y tế huyện hàng ngày để nhập liệu theo quy định của chương trình.

Bước 4: Các đơn vị (cơ sở điều trị, Trung tâm y tế cấp huyện) cử cán bộ phụ trách nhập liệu hàng ngày lên phần mềm trực tuyến, thực hiện báo cáo định kỳ và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định.

Trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc vì bất cứ lý do gì thì trả lại thuốc kèm theo "Phiếu xác nhận trả thuốc" ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu.

Trạm y tế tập hợp các "Phiếu xác nhận trả thuốc" gửi trung tâm y tế cấp huyện để lưu hồ sơ. Các viên thuốc đã phát nhưng chưa sử dụng sẽ được trả lại cho Trung tâm tập hợp để gửi về Bệnh viện đa khoa Đống Đa thực hiện thủ tục hủy thuốc theo quy định. Vỏ thuốc sau khi dùng hết thuốc, bệnh nhân gom lại trả cho cán bộ y tế để kiểm soát việc dùng thuốc và hủy theo rác thải y tế.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức