05:16 30/05/2019

Hà Nội cảnh báo nhiều kẽ hở trong gian lận thi cử

Một tuần qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có 15 đoàn kiểm tra tới 169 điểm thi vào lớp 10. Qua kiểm tra, Sở đưa ra cảnh báo tới những điểm thi chưa đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất. Đồng thời, Sở cũng hướng dẫn tới điểm trưởng, cán bộ coi thi về những thiết bị tinh vi của thí sinh có thể mang vào phòng thi.

Cảnh giác với thiết bị công nghệ cao

“Điểm đen” đầu tiên mà ngành giáo dục Hà Nội muốn nhấn mạnh trong khâu giám sát kỳ thi là các thiết bị thu phát tinh vi từng diễn ra ở các kỳ thi trước.

Làm rõ vấn đề này, Trung tá Nguyễn Khánh Vy, Phòng PA03, Công an TP Hà Nội cho biết: “Trải qua những kỳ thi, chúng tôi phát hiện rất nhiều thiết bị tinh vi của các đối tượng gian lận. Ví dụ, các thiết bị thu phát có dây hoá trang trong áo, tai nghe nhỏ bằng hạt đậu, rất khó nhìn ra. Những thiết bị này đều có kết nối bluetooth. Phương tiện chỉ như đồng hồ đeo tay, cúc áo nhưng thực ra là cái camera giấu kín để chụp đề gửi ra ngoài; Có thiết bị không đây chỉ bằng thẻ ATM nhưng bề dày hơn và thẻ này được hoá trang vào các cổ áo.Thiết bị này có lỗ lắp khe sim, luôn ở chế độ kết nối bluletooth, có cục wifi để trong túi đựng hành trang thí sinh để khu vực bên ngoài trong phòng thi”.

Theo Trung tá Nguyễn Khánh Vy, phương pháp nhận biết thiết bị này quan trọng nhất là phòng ngừa, bắt đầu từ tuyên truyền tới khi thí sinh vào phòng thi: Không được mang các thiết bị thu phát, điện thoại di động vào phòng thi. Phối hợp với lực lượng công an giúp đảm bảo kỳ thi an toàn tuyệt đối kỳ thi.

“Thí sinh có dấu hiệu nghi ngờ: trời nóng mặc quần áo dài, thí sinh có biểu hiện gãi tai (đối với thí sinh đưa thiết bị vào trong tai gây ngứa tai), điều chỉnh khung ảnh: giơ đề thi lên như để chụp ảnh… Cán bộ coi thi lập tức báo điểm trưởng điểm thi ngay để kịp thời xử lý. Thiết bị thu phát siêu nhỏ, siêu hiệu đại là công cụ hỗ trợ trong gian lận thi cử nhưng vận hành lại do con người. Do đó, đòi hỏi cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chống lại gian lận trong thi cử”, Trung tá Nguyễn Khánh Vy cho biết.

  

Chú thích ảnh
Quy trình coi thi mới là áp lực đối với mỗi cán bộ coi thi. Ảnh: TTXVN

 Bên cạnh nhận biết thiết bị công nghệ cao, nhiều trưởng điểm thi quan tâm việc lắp đặt camera giám sát và cách quản lý ra sao. Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nam Trung Yên, Cầu Giấy băn khoăn: “Việc lắp đặt camera đã hoàn thành nhưng không có màn hình thì khó có thể kiểm tra tín hiệu được. Nếu đêm xảy ra chập cháy, tình huống phát sinh thì xử lý thế nào?”.

Còn bà Trần Hồng Hạnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Hai Bà Trưng cho biết, có 2 điểm thi trên địa bàn có điện thoại không dây thì có phải thay đổi không. Hoặc một số điểm thi có camera của trường thì sử dụng camera của trường hay của hội đồng thi.

Trước những vấn đề này, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD - ĐT Hà Nội nhấn mạnh: “Đối với camera, các điểm thi phải đảm bảo có kỹ thuật trực 24/24. Camera không màn hình, không kết nối wifi. Còn với điện thoại của điểm thi phải yêu cầu lắp điện thoại có dây và có loa ngoài".

Những “điểm đen” phải khắc phục trước ngày thi

Cùng với nỗi lo nhận diện thiết bị công nghệ cao, Sở GD - ĐT Hà Nội cảnh báo những kẽ hở trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, quy trình của cán bộ coi thi.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chánh thanh tra Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, từ ngày 20 - 27/5, Sở GD - ĐT Hà Nội có 15 đoàn đi kiểm tra cơ sở vật chất tại 169 điểm thi vào lớp 10 THPT thuộc 37 quận, huyện. Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra nhận thấy những vấn đề mà buộc các điểm thi phải khắc phục trước ngày thi.

“Thứ nhất, hệ thống camera giám sát cần được lắp đặt xong. Có những nơi chưa có điện thoại như THPT Phan Đình Giót, THPT Thái Thịnh, THPT Trần Hưng Đạo; Phòng làm việc của điểm thi không đảm bảo như: THCS Chu Văn An không có tường, THPT Bắc Từ Liêm có nhiều máy tính lắp trong phòng. THPT Chương Mỹ B sử dụng phòng thực hành làm phòng thi. Khi đoàn kiểm tra đến phòng có nhiều mùi hoá chất. Một số phòng học bị xuống cấp như THPT Trương Định, THPT Phúc Thọ không đảm bảo được điều kiện cho học sinh thi. Những điểm thi không có máy phát điện dự phòng như: THPT Nam Trung Yên, THPT Chúc Động, THPT Chương Mỹ, THPT Thanh Oai, THPT Bắc Thăng Long, THPT Đông Anh, THPT Vân Nội, THPT Hoàn Kiếm…”, ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết, tại thời điểm kiểm tra có những điểm thi bàn ghế vẫn chưa theo quy định như quạt trần, bóng điện hỏng chưa thay. Hoặc những điểm thi có khoảng trống chưa có tường bảo vệ: THPT Chúc Động, THCS Lương Yên. THPT Bắc Thăng Long có tường rào bị đổ. Phòng thi còn tiếp giáp với các hộ dân như: THPT Phan Đình Phùng, THPT Nguyễn Công Trứ, THPT Nguyễn Minh Khai, THPT Đoàn Kết, THPT Lương Yên, THCS Văn Khê, THCS Trần Đăng Ninh, THCS Nguyễn Trãi, THPT Đống Đa, THCS Thái Thịnh. THPT Ba Đình, THCS Lê Quý Đôn, THPT Mỹ Đức A, THPT Mỹ Đức B là điểm thi có hộ dân trong điểm thi. Đây chính là những kẽ hở để việc gian lận thi có thể diễn ra.

Theo quy định, các điểm thi phải có cổng ra vào, tường rào bao quanh. Đồng thời, điểm thi phải có phương án phân công bảo vệ để đảm bảo an toàn trong thời gian diễn ra kỳ thi. Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD - ĐT Hà Nội nhấn mạnh: “Đoàn thanh tra của Sở yêu cầu các điểm thi tiếp tục khắc phục những tồn tại, sửa chữa đảm bảo đúng yêu cầu theo văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, những điểm thi tiếp giáp nhà dân, phải có rèm hoặc bằng cách dán giấy lên cửa kính. Đối với nhà dân trong điểm thi, yêu cầu đối với hộ dân ở lại nhà trong thời điểm diễn ra kỳ thi. Sở sẽ kiểm tra xác xuất những cơ sở vừa nêu trên trong những ngày tới”.

Điểm trưởng điểm thi trường THCS Tây Đằng, Ba Vì lại băn khoăn: “Đối với buổi thi ngày 3/6 có môn ngoại ngữ và lịch sử. Sau khi kết thúc môn ngoại ngữ, bài được cán bộ coi thi thu, trong đó có đề thi tự luận, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. Thời điểm này, cán bộ coi thi vẫn lưu giữ, nếu thu lên chưa nộp bài, chưa niêm phong thì học sinh có được ra không? Kẽ hở đấy, nếu giám thị làm sai ở điểm đấy giải quyết thế nào”.

Ông Phạm Quốc Toản cho biết: Năm nay với những điều chỉnh về tổ chức thi THPT quốc gia dẫn đến kỹ thuật cán bộ coi thi trong phòng thi sẽ phức tạp hơn. Cụ thể, kết thúc một môn thi có những nhóm thí sinh ngồi chờ ở một phòng bên ngoài, đến thời điểm vào mới được vào. Có nhóm thí sinh không thi môn thành phần trong bài tổ hợp nhưng ngồi chờ ngay tại phòng thi. Cán bộ coi thi vừa phải trông thí sinh làm bài, vừa phải trông thí sinh không làm bài đang ngồi chờ. Trong nội dung kỹ thuật THPT quốc gia có điểm mới như vậy. Sở sẽ mô tả rõ hơn về kỹ thuật để hướng dẫn cán bộ chốt tại các điểm thi.

“Về bài thi có bài tự luận và phiếu trả lời trắc nghiệm , có đầy đủ mã đề trong các phiếu, phần tự luận để tự luận, phần trắc nghiệm để trắc nghiệm. Bảo quản là trách nhiệm của cán bộ thi, trưởng điểm thi bố trí cán bộ giám sát, chặt chữ tại thời điểm này. Thí sinh thời điểm này thí sinh vẫn ngồi trong phòng thi, trường hợp bất khả kháng, phải từng thí sinh ra khỏi phòng, có cán bộ giám sát dẫn thí sinh đi. Đây là kỹ thuật mới, là sự đối mặt lớn đối với cán bộ coi thi. Do đó, các trưởng điểm thi cũng như cán bộ coi thi phải lường trước được những tình huống này để xử lý”, ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết: "Rút kinh nghiệm kỳ thi năm trước, yêu cầu các điểm thi phải báo cáo kịp thời nếu có sự việc xảy ra. Tuyệt đối không có tư tưởng giấu giếm. Điểm mới của kỳ thi năm nay không chỉ có thanh tra mà còn giám sát. Ngoài đội ngũ giám sát tại điểm thi, chúng tôi có những đoàn giám sát lưu động tất cả các điểm thi".

"Theo quy định trước đây, thí sinh được mang thiết bị quay vào phòng thi để giám sát chính giám thị. Nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ thì bằng mắt thường khó phân biệt được. Trong khi, giám thị không có quyền khám học sinh, động đến nhân quyền. Nhưng nếu có dấu hiệu bất thường cán bộ coi thi được kiểm tra, kịp thời nhờ công an xử lý", ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh. 

Lê Vân/ Báo Tin tức