02:18 04/02/2015

Hà Nội cải tạo cây xanh trước mùa mưa bão

Để đảm bảo cây xanh đô thị đồng nhất, an toàn mùa mưa bão, Hà Nội đang triển khai thay thế cây không phải cây xanh đô thị.

Để đảm bảo cây xanh đô thị đồng nhất, an toàn mùa mưa bão, Hà Nội đang triển khai thay thế cây không phải cây xanh đô thị.

Thay thế nhiều cây xanh

Chị Đặng Hà Linh (ngõ 328 Nguyễn Trãi, Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 này, cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) – Trần Phú (Hà Đông) bị chặt rất nhiều. Cả quãng đường trông như đại công trường không có cây xanh, khiến bầu không khí nhiều lúc thấy bí bách. Chúng tôi rất lo lắng là đến mùa hè nắng, sẽ không có bóng cây xanh rợp mát trước đây”.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Đơn vị đã chặt hạ hơn 250 cây trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông), nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Theo đó, có trên 120 cây có đường kính >50cm và chiều cao từ 14 - 20m, trong khi khoảng cách từ tim cây tới tim đường sắt đô thị chỉ có 14m và nhiều cây nghiêng về phía đường sắt, gây nguy hiểm cho việc thi công, cũng như vận hành sau này. Tuy nhiên, song song với việc đốn hạ dịch chuyển, công ty trồng thay thế hơn 80 cây lát hoa ở hai bên đường.

Cũng theo Công ty công viên cây xanh Hà Nội, trong năm 2015, trên tuyến đường Kim Mã – Cầu Giấy sẽ chặt hạ khoảng 120 cây xanh để phục vụ cho việc thi công đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Dự kiến khi nào các hạng mục của tuyến đường này khởi công, thì sẽ chặt hạ cây.

Chặt hạ cây xanh tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú.


Theo Sở Xây dựng, việc chặt hạ cây xanh trên tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú nằm trong Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường giai đoạn 2014 - 2015. Tuy nhiên, việc chặt hạ này diễn ra đồng loạt và chưa trồng cây xanh thay thế khiến dư luận quan tâm. “Việc chặt hạ cây xanh để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt và chỉnh trang, nâng cao chất lượng hệ thống bóng mát nội đô; từng bước thay thế dần cây xanh để chuẩn hóa cây đô thị”, ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Kêu gọi xã hội hóa trồng cây đô thị

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng số cây xanh bóng mát trồng hai bên hè các tuyến phố có khoảng 50.000 cây với các loại chủ yếu như xà cừ (5.000 cây), muồng (5.500 cây), bằng lăng (5.500 cây), phượng 3.800 cây), bàng (2.800 cây), sấu (2.200 cây)...

Trong số đó có nhiều cây cổ thụ có đường kính lớn, lâu năm được trồng từ thời Pháp thuộc đã xuất hiện sâu mục ở gốc thân, rễ bị thối dễ gây đổ trong mùa mưa bão, nhất là loại xã cừ rễ nông, tán rộng nhưng dễ bị đổ gãy trong mưa, đe dọa tính mạng người qua đường. Vì thế, cần phải thay thế những chủng loại cây phù hợp và có độ an toàn cao hơn.



Thống kê của Sở Xây dựng, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố và có tới hơn 100 chủng loại. Trong số này có nhiều loại không có trong danh mục cây đô thị như dâu da, bông gòn, dướng, vống, muồng, nhội... Những loại cây này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn có nguy cơ không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đây là hệ quả của tình trạng người dân tự phát trồng trước đây và thiếu quy hoạch.

Do đó, trên cơ sở quy hoạch hệ thống cây xanh Hà Nội đến năm 2030, Sở Xây dựng Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường giai đoạn 2014 - 2015, với nội dung là cải tạo cây xanh trên 190 tuyến phố của 10 quận nội thành, tổng kinh phí hơn 73 tỷ đồng. “Trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế, việc trồng cây theo phương thức xã hội hóa thúc sẽ được đẩy mạnh. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã lập kế hoạch thay thế cây xanh không đúng chủng loại trên 17 tuyến phố thuộc 4 quận nội thành Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm với số lượng hơn 840 cây và kêu gọi xã hội hóa. Đến nay đã có 8 đơn vị đăng ký với số lượng khoảng 600 cây. Số lượng còn lại, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tổng hợp báo cáo UBND thành phố kêu gọi xã hội hóa”, ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Trong năm 2014, việc cải tạo cây xanh đô thị đã triển khai trên từng đoạn phố như trên tuyến vành đai I Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu và Kim Liên – Ô Chợ Dừa đã thay thế được 139 cây sấu; đồng thời trồng thay thế nhiều cây sấu trên tuyến Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thái Học.

“Việc thay thế cây xanh không phải là cây đô thị không có nghĩa là phải đốn hạ toàn bộ, mà cây nào không đúng chủng loại cây đô thị thì sẽ thay thế, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão và cảnh quan. Các loại cây dùng để thay thế gồm cây gỗ lát, tản mát, bằng lăng, cây sấu”, ông Hoàng Nam Sơn cho biết.

“Dù là xã hội hóa, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị khi tham gia trồng cây theo đúng chủng loại, kích cỡ theo quy định và sẽ kiểm tra trước khi đưa về trồng”, ông Hoàng Nam Sơn khẳng định.

Trong quý I/2015, Sở Xây dựng và Công ty công viên cây xanh Hà Nội thực hiện trồng thay thế cây xanh có chủng loại, kích thước không phù hợp cảnh quan trên tuyến phố Huế - Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh với kinh phí xã hội hóa của tập đoàn Vincom và công ty cổ phần Him Lam. Theo đó, trên phố Huế chặt hạ 117 cây, chuyển 11 cây và trồng 117 cây giáng hương thay thế; phố Hàng Bài chặt 12 cây, dịch chuyển 1 cây và trồng 13 cây sấu thay thế; phố Nguyễn Chí Thanh chặt 96 cây, trồng 92 cây thay thế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thành phố đang tiến hành loại bỏ cây tạp, cây sâu mục, cây không đúng chủng loại để đảm bảo hệ thống cây xanh trong thành phố đồng đều tạo cảnh quan xanh sạch đẹp. Song song với việc chặt hạ, thành phố Hà Nội cũng có kế hoạch trồng bổ xung cây xanh để đảm bảo mật độ cây xanh vẫn giữ nguyên. Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng rà soát, phân loại cụ thể từng tuyến phố để xử lý cây xanh hợp lý. Những cây đúng chủng loại, cây cổ thụ có giá trị thì được giữ lại, đánh chuyển đến công viên Hòa Bình, công viên Yên Sở...

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy: Thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội trên một số tuyến phố nhưng không phải cây nào cũng đốn hạ, chỉ đốn cây không khuyến khích trồng như cây xà cừ. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, việc trồng cây xanh đô thị Hà Nội thực hiện theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp là việc đáng hoan nghênh để Thủ đô có không gian xanh sạch đẹp. Cùng với việc trồng cây xanh, các địa phương sẽ kết hợp tuyên truyền để người dân các tuyến phố hiểu việc quy hoạch và tham gia cùng bảo vệ cây xanh.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội: Việc chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố phải tránh giờ cao điểm để không bị ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông. Đối với tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú, sau khi các cây bị chặt, đơn vị giao thông của ngành thông vận tải đã xử lý cơ bản quanh khu vực cây chặt để đảm bảo êm thuận. Sau khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đưa vào sử dụng, tuyến đường Nguyễn Trãi – Hà Đông sẽ được quy hoạch tổng thể từ việc trồng cây xanh đến, điểm đỗ xe buýt, phân làn xe để thành tuyến giao thông hiện đại.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội: Việc đánh chuyển cây xanh đô thị dưới 20 cm thì dễ và đã thí điểm chuyển hơn 10 cây về Bảo tàng Hà Nội khi thi công nhà Quốc hội. Tuy nhiên, việc đánh chuyển cây to sẽ mất thời gian, do cây cần khoảng 1 năm để kích thích rễ và nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Thời gian qua, loại cây gãy đổ nhiều dịp mưa bão thường là cây xà cừ do rễ đi ngang, nông. Bên cạnh đó, do việc cải tạo hè đường, công trình ngầm khiến dễ cây bị chặt nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đối với nhiều tuyến phố trồng cây xà cừ, đơn vị được thành phố giao cắt tỉa, hạ tán, hạ chiều cao để đảm bảo an toàn. Cây xà cừ không được xếp là cây đô thị.



Xuân Minh - Bích Ngọc