08:09 27/08/2017

Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài cuối: Bộ Y tế 'hứa' dồn lực hỗ trợ

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội chưa được kiểm soát toàn diện, thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ bùng phát mạnh hơn.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm giúp Hà Nội từng bước khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội chưa được kiểm soát toàn diện. Ảnh: PL


Vấn đề đáng lo ngại nhất đối với diễn biến dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện nay là gì, thưa ông?


Lo ngại nhất là tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội chưa được kiểm soát tổng thể, toàn diện, đặc biệt còn chứa đựng yếu tố nguy cơ gia tăng bệnh dịch.


Cụ thể, gần đây các ca bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng ở khu vực ngoại thành Hà Nội như: Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Thanh Oai. Những người lao động mắc bệnh do khó khăn về tài chính, hoặc do đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu, từ nội thành về quê điều trị sẽ vô tình hình thành ổ dịch tại địa phương, mà nếu không quản lý tốt sẽ lây lan bệnh ra cộng đồng.


Hiện tại, cũng chưa phải lo lắng quá về lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở khu vực ngoại thành. Nhưng các khu ven đô thường có mật độ xây dựng lớn, nhiều bãi phế thải, nghĩa trang... nên việc kiểm soát dịch bệnh ở những khu vực này rất khó khăn. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo Hà Nội tập trung giải quyết dịch bệnh trong nội thành nhưng phải tiếp tục triển khai ngay công tác phòng chống dịch các quận, huyện ngoại thành. Nếu để gia tăng bệnh nhân ở khu vực này thì dịch bệnh sẽ càng diễn biến phức tạp và khó khống chế hơn.


Sắp tới lại là mùa tựu trường, học sinh, sinh viên các tỉnh sẽ dồn về Hà Nội nhập học, nếu các trường học không làm tốt công tác diệt bọ gậy, diệt muỗi thì sẽ tình hình sẽ rất đáng ngại.


Vì lẽ đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Hà Nội cần chạy đua với thời gian để kiểm tra, đôn đốc các trường chủ động trong việc diệt bọ gậy, diệt muỗi. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo phải chịu trách nhiệm chỉ đạo, giao các hiệu trưởng trường học huy động lực lượng giáo viên, học sinh tham gia phòng chống dịch. Nếu để xảy ra ổ dịch tại các trường học và lây lan cho học sinh, sinh viên thì rất nguy hiểm.

Hà Nội đang ráo riết kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các trường học. Ảnh: SYT

Vậy Bộ Y tế sẽ có những hỗ trợ gì để giúp Hà Nội dần "hạ nhiệt" dịch sốt xuất huyết, thưa ông?


Trước tình hình sốt xuất huyết tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Y tế thường xuyên đôn đốc thành phố triển khai công tác phòng chống dịch một cách tổng thể. Chủ trương là hỗ trợ tối đa về mọi mặt cho Hà Nội.


Chúng tôi cũng tham gia họp giao ban tại UBND thành phố Hà Nội cùng các Sở, ngành, UBND các quận huyện về công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.


Về lực lượng, Bộ Y tế đã "tung" 120 giáo viên, sinh viên từ trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng về cùng tham gia các hoạt động giám sát, phòng chống sốt xuất huyết, diệt muỗi diệt bọ gậy tại các địa bàn "nóng".


Ngoài ra, còn tăng cường 6 đội cơ động của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để hỗ trợ Hà Nội trong công tác giám sát, kỹ thuật, đặc biệt trong việc phun hóa chất diệt muỗi và giảm mật độ bọ gậy. Kết quả giám sát, đánh giá hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội từ các chuyên gia của Bộ Y tế thực tế đã đưa ra những khuyến cáo quan trọng đối với công tác chống dịch sốt xuất huyết tại Thủ đô.


Về trang thiết bị, Bộ Y tế đã quyết định cấp bổ sung cho Hà Nội 30 máy phun ULV, đồng thời cấp hóa chất, huy động các tỉnh cho Hà Nội mượn máy phun công suất lớn...


Đặc biệt, tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tục mời các chuyên gia quốc tế đến để đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế, giúp Hà Nội tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khống chế dịch sốt xuất huyết.


Hà Nội tuy đã thành lập hơn 30.000 Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát, song thực tế các tổ, đội này vẫn hoạt động kém hiệu quả. Vậy tới đây, Bộ Y tế có hỗ trợ Hà Nội nâng cao năng lực giám sát hoạt động cơ sở, kịp thời phát hiện vướng mắc không?


Theo đánh giá của Hà Nội thì mới có 60% Đội xung kích hoạt động hiệu quả, chúng tôi cho như vậy là chưa đạt. Nhất là với báo cáo chưa triển khai biện pháp diệt bọ gậy thì tỷ lệ này ở hộ gia đình là 30%, sau khi triển khai vẫn còn ở mức rất cao là 20%.


Tuy nhiên, thành viên Đội xung kích không cần phải là những người có chuyên môn. Hà Nội đã tiến hành tập huấn và tiếp tục tập huấn cho các Đội xung kích, bên cạnh đó còn có cán bộ chuyên môn thuộc Tổ giám sát thường xuyên hỗ trợ. Việc Bộ Y tế tăng cường một lực lượng giáo viên, sinh viên đã được tập huấn như nêu trên cũng sẽ giúp hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn nhưng cũng đồng thời sẽ giám sát hoạt động của tổ viên Đội xung kích.


Chúng tôi dự kiến việc hỗ trợ này sẽ triển khai thành 2 đợt, đợt 1 là từ nay đến ngày 4/9, tức là trước thời điểm học sinh, sinh viên tựu trường. Sau đó, nếu các Tổ xung kích đã triển khai diệt muỗi, bọ gậy hiệu quả, sẽ giảm dần số giáo viên, sinh viên làm công tác giám sát. Nhưng nếu chưa tốt, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng này.


Mặt khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử chuyên gia giám sát, đánh giá xem các cấp chính quyền đã vào cuộc hay chưa, các Đội xung kích có hoạt động hiệu quả không, hay việc phun hóa chất và sự chấp nhận của người dân như thế nào... Từ đó, sẽ có cái nhìn tổng thể và đưa ra những chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với công tác phòng chống dịch Hà Nội.

Khu xây dựng, bãi đất xen kẹt, nghĩa trang... thường có nhiều muỗi, bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: BMQ

Theo ông, Hà Nội có đủ lực lượng để tham gia chống dịch, xử lý các vấn đề vướng mắc không, bởi nhiều phản ánh vướng mắc về công tác phun hóa chất hay xử lý bọ gậy của người dân được triển khai rất chậm?


Về nhân lực, theo tôi Hà Nội không thiếu. Việc thành lập hơn 26.000 Đội xung kích (2 - 3 người/đội) và 4.000 Tổ giám sát (2 người/tổ) đã huy động một lực lượng lớn tham gia, đó chưa kể các lực lượng hỗ trợ của các ban, ngành...


Tuy nhiên, đúng là Hà Nội cần sự tương tác mạnh hơn đối với việc thu nhận thông tin từ người dân, để có thể xử lý ngay những tình huống phòng chống dịch cụ thể.


Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần mạnh tay hơn với các vi phạm và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm theo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ, đặc biệt phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra sai phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên/Báo Tin Tức