08:09 25/08/2017

Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết - Bài 3: Trị bệnh 'trên nóng, dưới lạnh'

Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết và dự báo tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng chống dịch đang thực hiện theo kiểu "trên nóng, dưới lạnh".

Thiếu giám sát, tuyến cơ sở dễ "làm liều"

Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn luôn ở mức cao. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong tại. Hiện có 14 quận huyện có dịch sốt xuất huyết ở mức “báo động đỏ”.


Tại nhiều quận huyện, không ít gia đình có đến 2 - 3 người mắc bệnh, thậm chí có tới 437 ổ dịch có 3 - 5 bệnh nhân và 117 ổ dịch có từ 6 bệnh nhân trở lên... Trong khi đó, mật độ bọ gậy/loăng quăng, mật độ muỗi ở tại khu vực ổ dịch vẫn đáng báo động.


Chỉ ra nguyên nhân vấn đề, nhiều chuyên gia y tế cho rằng cơ bản dự báo dịch yếu, thiếu chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị chống dịch. Đặc biệt, công tác phòng chống, xử lý ổ dịch chưa hiệu quả, Sở Y tế đã vào cuộc nhưng chưa thực sự quyết liệt, chưa kiểm tra giám sát để xem cấp cơ sở thực hiện đúng hướng dẫn hay chưa. Đồng thời, chưa tuyên truyền đủ rộng để người dân hiểu, tự ý thức và chuyển đổi hành vi và hợp tác với ngành y tế trong trong công tác phòng chống dịch.

Phun hóa chất chỉ là một trong các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: BMQ

Do đó, ở nhiều nơi, người dân thiếu hợp tác trong phòng chống dịch, không chủ động làm công tác vệ sinh môi trường phá hủy nơi sinh sản của muỗi.


Ở cấp xã, phường đang xảy ra tình trạng phòng chống dịch bệnh kiểu "trên nóng, dưới lạnh". Trong khi Bộ Y tế đốc thúc, lãnh đạo UBND cấp tập chỉ đạo, Sở Y tế cũng đã sốt sắng, ban hành đầy đủ các hướng dẫn cần thiết, nhưng thực tế dưới cơ sở vẫn thực hiện kiểu nửa vời, thực hiện giám sát, phun hóa chất theo những nguyên tắc khó lý giải... Chỉ đến khi có đoàn kiểm tra đến mới rút kinh nghiệm, thực hiện triệt để theo đúng quy định về phòng chống dịch...


Vậy nên, Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế mới phát hiện việc phun hóa chất và diệt bọ gậy tại Hà Nội chưa được triệt để: 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50 - 60%. Nhiều Đội xung kích đã kiểm tra nhưng còn để sót ổ bọ gậy. Nhiều đội viên Đội ngũ đội xung kích diệt bọ gậy sức khỏe chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. Tổ giám sát hoạt động chưa thường xuyên, thiếu cán bộ giám sát...


Ghi nhận là UBND Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác chống dịch. Mới đây, Hà Nội còn mượn các tỉnh nhiều máy phun hóa chất công suất lớn, bổ sung thêm cả máy phun đeo vai, máy phun mù nóng... Song nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ tổ chức phun theo phong trào, mà không chú trọng công tác giám sát diệt bọ gậy, mật độ muỗi thì rất khó "giải" được "bài toán" dập dịch sốt xuất huyết tại Thủ đô.


Đơn cử, máy phun hóa chất công suất lớn đặt trên ô tô có tác dụng diệt muỗi nhưng không mấy hiệu quả với muỗi sốt xuất huyết. Đặc tính của loài muỗi này là thích sống trong nhà quanh giường, tủ, nơi treo quần áo... để dễ hút máu người, chứ không sống ở ngoài đường, trong bụi cây như muỗi truyền bệnh sốt rét, viêm não Nhật Bản. Do vậy, nếu người dân không hợp tác, đóng cửa sổ kín mít hoặc không cho cán bộ y tế dự phòng phun muỗi trong nhà, chỉ phun qua loa bên ngoài thì tất yếu một nhà sẽ có nhiều người mắc bệnh và bệnh dịch tiếp tục lây lan rộng trong cộng đồng.


Hơn nữa, thời gian này, Hà Nội đang mưa nhiều. Nước mưa đọng ở khắp mọi nơi; cộng với những bất cập về môi trường điều kiện nhà ở, sinh hoạt... là điều kiện để muỗi sốt xuất huyết phát triển mạnh hơn và gây bệnh cho người dân.


Cần triển khai các biện pháp tổng thể

Giám sát cơ sở, xử lý nghiêm vi phạm, tuyên truyền để người dân đồng hành diệt muỗi, bọ gậy là giải pháp quan trọng để 'hạ nhiệt' dịch sốt xuất huyết. Ảnh: BMQ

Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm là tại sao đến nay Hà Nội vẫn chưa công bố dịch? Bởi lẽ, nếu căn cứ theo các quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì Hà Nội hoàn toàn có đủ điều kiện để công bố dịch sốt xuất huyết (bệnh truyền nhiễm nhóm B). Đó là khi có từ 2 quận/huyện, trở lên xuất hiện dịch (có số ca mắc vượt quá số mắc trung bình cùng kỳ của 3 năm gàn nhất).


Lý giải về vấn đề này, một chuyên gia đầu ngành về dự phòng khẳng định: Hà Nội là địa phương có đủ khả năng về nguồn lực để chống dịch và cũng do những lý do khác nên chưa công bố dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, trước tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay, Hà Nội cần dồn lực, triển khai đồng loạt các hoạt động phòng chống như đã công bố dịch và đặc biệt cần có sự kiểm tra, giám chặt chẽ để tránh tình trạng chống dịch kiểu "trên nóng, dưới lạnh".


Theo GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ tịch Hội Y học Dự phòng Việt Nam, để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả đòi hỏi Hà Nội phải áp dụng các biện pháp tổng thể. Trọng tâm là ngăn chặn sự phát triển và tiêu diệt muỗi truyền bệnh. Cần lưu ý là có nhiều yếu tố sinh thái liên quan tới sự sinh sản và phát triển của muỗi như: Nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, vệ sinh môi trường, mật độ dân cư, phát triển đô thị, dụng cụ chứa nước mưa và sinh hoạt…


Do đó, một mình ngành y tế không đủ các nguồn lực để phòng chống dịch được, mà phải huy động được cả hệ thống chính trị, gồm đại diện của chính quyền, đoàn thể quần chúng ở tất cả các xã/phường, thôn xóm/tổ đân phố và toàn thể các hộ gia đình và người dân trong cộng đồng cùng với cơ quan y tế, tham gia chủ động và tích cực.


Ban chỉ đạo phòng chống dịch liên ngành cần tổ chức thực hiện phối hợp chặt chẽ, lồng nghép, đồng bộ các biện pháp trong phòng và chống dịch như: Tăng cường công tác truyền thông rộng rãi tới mọi người dân trong cộng đồng; giám sát ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm vi rút, giám sát bọ gậy và muỗi trưởng thành; thành lập đội chống dịch cơ động, phát hiện ca bệnh, theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời; lập bản đồ dịch tễ học dựa trên ca bệnh và mật độ bọ gậy và muỗi trưởng thành; khoanh vùng nguy cơ, áp dụng hệ thống cảnh báo dịch ở các khu vực dân cư (màu xanh, vàng và đỏ theo số ca mắc và nguy bùng phát dịch); phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành ở trong nhà theo đúng kỹ thuật.


Ngoài ra, mạng lưới tình nguyện viên như Đội xung kích, Tổ giám sát... cần đi kiểm tra từng nhà và các nơi công cộng (trụ sở các cơ quan đoàn thể, chợ, các công trình xây dựng…), tuyên truyền và cùng với người dân phát hiện và phá hủy các ở bọ gậy hay thả hóa chất diệt bọ gậy vào nơi/dụng cụ chứa nước (không phải là nước sinh hoạt)... Chất lượng và độ bao phủ của các hoạt động này cần được chú trọng duy trì.


Sở Y tế Hà Nội cũng cần chú trọng giám sát hỗ trợ các xã/phường đang là điểm nóng. Từ đó, xác định được phạm vi xử lý ổ dịch, tổ chức chống dịch các khu vực giáp ranh liên phường, liên quận...Đặc biệt, cần phải có cơ chế giám sát và "mạnh tay" xử lý nghiêm các vi phạm, để đảm bảo mọi cấp, mọi thành viên đều thực hiện đúng trách nhiệm theo như quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Phương Liên/Báo Tin Tức