12:11 07/12/2019

Hà Nội bàn cách thuần dưỡng hoa anh đào Nhật Bản

Sáng 7/12, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm về công tác chăm sóc và quản lý cây hoa anh đào tại Hà Nội.

Các đại biểu đã cùng nhau phân tích về các phương pháp trồng và chăm sóc cây hoa anh đào của Nhật Bản tại Hà Nội, từ đó xây dựng mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Hà Nội - Nhật Bản nói riêng.

Chú thích ảnh
 Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm về công tác chăm sóc và quản lý cây hoa Anh đào tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Hà Nội cho biết, năm 2019, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thiết thực chào mừng 20 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hà Nội “Thành phố Vì hòa bình”. Tọa đàm về “Chăm sóc và quản lý cây hoa anh đào” là một hoạt động quan trọng trong chương trình năm 2019.

“Hoa anh đào Nhật Bản trồng tại Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự tri ân, trân trọng của thành phố Hà Nội đối với tấm lòng của các đơn vị tặng hoa và bạn bè Nhật Bản, đồng thời là dấu ấn hữu nghị của hai nước Việt Nam - Nhật Bản, tạo cảnh quan đẹp, hình thành các địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn tại Hà Nội”, ông Vũ Văn Viện cho biết thêm.

Nhấn mạnh về mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay, ông Matsuda Yuuki - Bí thư thứ hai Ban Văn hóa và báo chí - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ sự cảm kích trước những sự yêu mến hoa anh đào của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng.

Ông Matsuda Yuuki mong muốn tình hữu nghị giữa hai quốc gia Nhật Bản - Việt Nam sẽ ngày càng được phát triển thông qua nhiều lĩnh vực, trong đó có việc sinh trưởng, phát triển và nở hoa của cây hoa anh đào - biểu tượng lâu đời của đất nước Nhật Bản - tại các địa phương trên khắp đất nước Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm hơn 15 năm trồng cây hoa anh đào tại Việt Nam, Tiến sĩ Trần Lệ cho biết, sau nhiều lần chứng kiến sự thất bại trong việc trồng hoa anh đào tại một số địa phương ở Việt Nam, ông nhận ra rằng, cây hoa anh đào phần lớn bị chết do úng nước. Do đó, bên cạnh các yếu tố về giống cây, phương pháp mà ông cho rằng tối ưu chính là phương pháp trồng “nổi bầu”. Ngoài ra, cần có phương pháp thuần dưỡng để hoa có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt của Hà Nội như làm cho đài hoa ngắn đi, tránh việc nắng nóng làm hoa héo và rũ xuống.

Theo ông Phạm Đình Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Vườn thú Hà Nội, từ năm 2012 đến năm 2019, Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội đã triển khai tiếp nhận và trồng cây hoa anh đào Nhật Bản tại Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nguồn cây hoa anh đào do Hội hữu nghị Việt - Nhật khu vực Chukyo (Nhật Bản), Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Aeon Mall Việt Nam trao tặng thành phố Hà Nội.

Toàn bộ hơn 2.700 cây hoa anh đào trên được trồng vào mùa xuân hàng năm, tập trung vào các khu đường trục chính trong Công viên Hòa Bình, các khu quảng trường, ven hồ. Đồng thời mỗi loại cây hoa anh đào do từng đơn vị tặng cũng được bố trí trồng theo từng khu vực riêng với mục đích tạo điểm nhấn cảnh quan khi cây ra hoa. Số lượng cây hoa anh đào đã được trồng trên mặt bằng chiếm ba phần tư diện tích Công viên Hòa Bình. Ngay sau khi trồng, cây bén rễ, bật mầm, ra lá mới rất nhanh. Tuy nhiên, đến mùa hè, điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài hoặc mưa nhiều ở Hà Nội hoàn toàn không phù hợp với cây hoa anh đào vốn là loài cây ở vùng ôn đới. Do đó, nhiều cây bị chết héo hoặc rụng lá, khô cành, không nảy mầm lại được phải đánh bỏ.

Chú thích ảnh
Hoa anh đào được xem là biểu tượng hợp tác giữa Nhật Bản và thành phố Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho biết qua quá trình chăm sóc nhận thấy, các cây hoa anh đào được trồng theo các phương pháp trồng khác nhau thì tỷ lệ cây bị chết sau trồng một năm cũng khác nhau. Trong các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa anh đào tại Công viên Hòa Bình như: phương pháp đào hố, phương pháp trồng “nổi bầu” thì phương pháp trồng “nổi bầu” có tỷ lệ cây sống cao nhất.

Theo đó, để cây hoa anh đào sinh trưởng, phát triển tốt và ra hoa khi được đem về trồng tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vườn thú Hà Nội cho rằng, đối với những cây hoa anh đào có quy cách cao khoảng 1m, đường kính thân khoảng 1,5 cm được các nhà tài trợ tặng, UBND thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội nên tiếp nhận những cây giống đã được ươm trồng và thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nhà tài trợ nên cung cấp các thông tin liên quan như tên khoa học, vùng phân bố, đặc điểm sinh trưởng phát triển, sâu bệnh, đồng thời chọn những giống cây hoa anh đào sinh trưởng phát triển được ở những vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng hoặc đã được ươm trồng, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam…

Nguyễn Cúc (TTXVN)