03:23 06/03/2012

“Hạ nhiệt” giá gas

Quyết định mới đây của Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 0% kể từ ngày 2/3; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas phải giảm giá đã giúp giá gas bán lẻ trong nước phần nào “hạ nhiệt”.

Quyết định mới đây của Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 0% kể từ ngày 2/3; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas phải giảm giá đã giúp giá gas bán lẻ trong nước phần nào “hạ nhiệt”.

Kiểm kê hàng nhập theo mức giá mới tại một cửa hàng đại lý gas trên đường Trường Chinh (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN


Theo ý kiến một số khách hàng, mặc dù mức giảm từ 16.000 - 18.000 đồng/bình gas 12 kg chưa phải nhiều so với các đợt tăng giá liên miên với tổng số tiền tăng từ đầu năm tới nay là 10.000 đồng/bình gas 12 kg nhưng cũng đã ghi nhận nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bình ổn giá gas, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Thuế nhập khẩu giảm mạnh

Lý giải việc giảm thuế nhập khẩu gas lần này, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Từ ngày 1/3, giá gas trên thị trường thế giới tăng cao đã tác động đẩy giá bán trong nước tăng, vì vậy, một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas trong nước đã tăng giá bán gas trong nước thêm 52.000 đồng/bình 12 kg. Do vậy, việc giảm thuế nhập khẩu gas xuống 0% sẽ giảm bớt tác động của giá thị trường thế giới đến giá thị trường trong nước; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Kèm theo đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối giảm giá bán gas trong nước và chỉ đạo các tổng đại lý, các đại lý, các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phải giảm giá tương ứng với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu gas đã được giảm. Thời gian thực hiện ngay từ ngày 2/3/2012. Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm soát thực hiện yêu cầu trên. Nếu các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas không thực hiện, yêu cầu Sở Tài chính xử lý và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp kinh doanh gas vẫn trăn trở về thời điểm áp dụng mức thuế nhập khẩu mới này. Theo lãnh đạo của Hiệp hội Gas Việt Nam, vào ngày 1/3, có không ít lô hàng của các doanh nghiệp cập bến và vẫn phải chịu mức thuế suất nhập khẩu cũ là 5%. Trong khi đó, đặc thù của mặt hàng gas là tháng nào nhập về là tiêu thụ hết tháng đó nên với những lô hàng nhập về từ đầu tháng vẫn chịu mức thuế nhập khẩu cũ là 5% sẽ khiến doanh nghiệp phải tính toán giá bán lẻ sao cho hợp lý.

Giá gas trong nước đồng loạt giảm

Nếu như ngày 1/3, với lý do giá gas thế giới tăng 180 USD/tấn so với tháng trước, lên mức 1.205 USD/tấn, nhiều hãng gas đã liên tục thông báo tăng giá gas thêm 52.000 đồng/bình 12 kg thì ngay sau khi áp mức thuế suất mới là 0%, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã thực hiện ngay việc giảm giá.

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, đại diện hãng Petrovietnam Gas cho biết: Do đến chiều 2/3, công ty mới nhận thông tin từ phía Bộ Tài chính về mức thuế suất mới nên vào ngày 3/3, Công ty mới thực hiện việc giảm giá 18.000 đồng/bình 12 kg tại khu vực Hà Nội. Theo đó, giá bán một bình gas 12 kg dao động ở mức 467.000 đồng (giảm 18.000 đồng so với trước), trong khi đó tại một số vùng khác, giá gas chỉ giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Theo vị cán bộ này, giá gas giảm khá sâu tại Hà Nội lần này là chủ trương của Công ty trong việc chia sẻ khó khăn với nguời tiêu dùng; đồng thời khuyến khích người dân tiếp tục sử dụng gas, thay vì chuyển sang sử dụng các loại bếp điện, bếp từ. “Với mức giảm trên, Công ty chỉ bán hòa vốn, không có lợi nhuận trong tháng này”, phía Petrovietnam chia sẻ.

Theo thông báo của Saigon Petro, kể từ ngày 3/3, giá gas đã giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ tối đa gas đến tay người tiêu dùng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ hạ từ 477.000 đồng xuống còn 461.000 đồng/bình 12 kg. Tương tự, Đại Việt Gas, Vinagas, MT Gas, Thủ Đức Gas, Petrovietnam Gas… hay những nhãn hiệu gas ngoại như Total, Shell, Elf… cũng có mức giảm tương tự như Saigon Petro. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã trải qua 4 lần tăng và 1 lần giảm chính thức, với tổng số tiền tăng so với cuối năm ngoái là 110.000 đồng/bình gas 12 kg.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng: Giảm giá gas lần này khiến người dân chưa thực sự thỏa mãn do mức giảm chưa nhiều so với các đợt tăng giá ồ ạt từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, do giá gas trong nước phải phụ thuộc vào sự tăng, giảm của giá gas thế giới nên người dân hy vọng: Nhà nước luôn có những chính sách điều hành kịp thời để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần kiểm soát việc niêm yết giá cũng như chất lượng gas của các doanh nghiệp để người dân được an tâm hơn.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cuờng kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu và gas, giải quyết dứt điểm các trường hợp bán lẻ xăng không đúng quy định. Kết quả đã kiểm tra 3.421 trường hợp, trong đó phát hiện xử lý 769 vụ vi phạm (bao gồm 501 vụ vi phạm hành chính xăng dầu, 268 vụ vi phạm hành chính về gas) với tổng số tiền xử phạt gần 3,6 tỷ đồng.

Trước tình hình bất ổn của giá gas, Sở Công Thương TP.HCM đang tìm giải pháp bình ổn cho mặt hàng này. Theo dự thảo kế hoạch bình ổn giá gas của Sở Công Thương mới đây, việc bình ổn mặt hàng gas sẽ kéo dài trong một năm (từ đầu tháng 4/2012 đến hết tháng 3/2013). Theo đó, giá bán được các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng và đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ cơ cấu giá thành theo các yếu tố hình thành giá, đảm bảo tính hợp lý, ổn định (từ 3 – 6 tháng) và dẫn dắt thị trường. Nếu giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng từ 5 – 10% so với đăng ký ban đầu, các đơn vị chủ động thực hiện lại việc đăng ký giá bán và được điều chỉnh giá sau khi Sở Tài chính thẩm định và chấp thuận.

Phía Sở Công Thương cho rằng: Tham gia chương trình này doanh nghiệp có thể hòa vốn nhưng được hưởng những ưu đãi khác như quảng bá thương hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư hạ tầng, kho bãi và giới thiệu những mặt bằng tốt tại các khu dân cư để mở cửa hàng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh gas tỏ ra không mấy mặn mà với kế hoạch này vì có ý kiến cho rằng: Chi phí nguyên liệu hiện chiếm đến 90% giá thành sản phẩm gas bán ra thị trường. Trong khi đó, lượng gas sản xuất trong nước từ 2 nhà máy Dinh Cố và Dung Quất không đủ, nên phần lớn các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu. Giá gas tại thị trường trong nước luôn phải lên xuống phụ thuộc thị trường thế giới.

Minh Phương