07:07 11/07/2014

Hà Lan, dở dang một thế hệ

Cậu bé Luka 5 tuổi khóc nức nở trên khán đài sân Arena de Sao Paulo, mặc cho ông bố Arjen Robben đến bên dỗ dành. Đó là hình ảnh xúc động về nỗi thất vọng của người Hà Lan sau trận bán kết thua Argentina ở loạt đá luân lưu cân não.

Cậu bé Luka 5 tuổi khóc nức nở trên khán đài sân Arena de Sao Paulo, mặc cho ông bố Arjen Robben đến bên dỗ dành. Đó là hình ảnh xúc động về nỗi thất vọng của người Hà Lan sau trận bán kết thua Argentina ở loạt đá luân lưu cân não.


Tự hào…


Khác với sự ê chề, tức tưởi, đớn đau và sụp đổ của Brazil, các cầu thủ Hà Lan đón nhận thất bại ở bán kết một cách khá bình thản. Họ đã cùng Argentina tạo nên một trận cầu đỉnh cao đúng nghĩa, ngay cả khi không có bàn thắng nào được ghi trong suốt 120 phút. Điều duy nhất mà họ thiếu ở Sao Paulo, đó có lẽ là một chút chính xác, một chút may mắn so với Argentina trong màn đấu súng.

 

Robben và các đồng đội một lần nữa lỡ hẹn với Cúp vô địch thế giới.


Cho dù kết quả trận tranh hạng ba với chủ nhà Brazil sắp tới có như thế nào, thầy trò Louis van Gaal chắc chắn sẽ trở về nhà trong tư thế ngẩng cao đầu. Họ sẽ lại được chào đón ở quê nhà như những người hùng, giống hệt như khi trở về từ Nam Phi cách đây 4 năm. Họ đã có một giải đấu hay, cống hiến và một lần nữa, đã lỡ hẹn với Nữ thần vàng ở những khoảnh khắc cuối cùng. Từ bàn thắng ở phút thứ 116 của Andres Iniesta cho Tây Ban Nha tại Johannesburg, cho đến cú sút 11m cuối cùng của Maxi Rodriguez cho Argentina tại Sao Paulo, Hà Lan có thể đã thua, nhưng đầu hàng thì không.


Luka đã khóc, có lẽ vì xúc động nhiều hơn là vì thất vọng về việc bố cậu và các đồng đội một lần nữa phải dừng bước ở ngưỡng cửa thiên đường. Cách đây 4 năm, Hà Lan đã trải qua 1 tháng ở Nam Phi trong bầu không khí của gia đình. Tại Brazil bây giờ cũng vậy, bên cạnh Robben luôn có vợ, con. Họ cùng nhau đi thăm thú Salvador, Porto Alegre, Fortaleza, Sao Paulo… những ngày không có trận đấu. Và khi Robben chạy trên sân, thì trên khán đài, Luka là cổ động viên đầu tiên của bố.

Nhờ bầu không khí ngập tràn tình yêu và lạc quan ấy, Hà Lan đã “bay” ở vòng bảng, với điểm nhấn cuộc báo thù ngọt ngào trước Tây Ban Nha (5-1). Họ cũng đã lội ngược dòng ngoạn mục trước Mexico ở vòng 1/8 (2-1) và hạ gục “hiện tượng” Costa Rica ở tứ kết (0-0, 4-3 bằng thi đá 11m) - những kết quả ghi dấu ấn chiến thuật của Van Gaal. Họ cũng đã khóa chặt Lionel Messi và các chân sút khác của Argentina, cho tới khi bước vào cuộc chơi đầy may rủi.


Và tiếc nuối

 

Luka có thể tự hào về bố của cậu và người Hà Lan có thể tự hào về “Cơn lốc màu da cam”. Tuy vậy, với những người như Patrick Kluivert, ngồi bên cạnh Van Gaal trong vai trò trợ lý suốt thời gian ở Brazil, từ tận đáy lòng, anh có lẽ cảm nhận rõ hơn ai hết sự tiếc nuối cho những gì đẹp đẽ nhất của một thế hệ cầu thủ Hà Lan tài năng nữa đang dần đi qua.


Bóng đá Hà Lan từng có một thế hệ vàng đăng quang đầy thuyết phục tại Euro 1988 (Ruud Gullit, Marco van Basten, Frank Rijkaard). Nhưng sau đó, những Kluivert, Dennis Bergkamp, Edgar Davids hay Marc Overmars đã không thể làm được điều tương tự. Đến bây giờ, lứa cầu thủ của Robben, Robin van Persie và Wesley Sneijder cũng chỉ ngấp nghé đỉnh vinh quang. Người Hà Lan đặc biệt không có duyên với World Cup: 3 lần vào chung kết (1974, 1978 và 2010) là 3 lần về nhì, kể cả khi đó là Johan Cruyff vĩ đại hồi những năm 1970.


Robben, Van Persie, Sneijder, Nigel de Jong, Klaas-Jan Huntelaar và Dirk Kuyt, tất cả đều đã 30 tuổi hoặc hơn. Brazil có lẽ là World Cup cuối cùng của họ, hay chính xác hơn là World Cup cuối cùng mà họ còn có thể chơi một cách sung sức nhất. Trong số họ, hơn một người từng vô địch UEFA Champions League và xứng đáng được xem là những ngôi sao lớn của bóng đá thế giới, nhưng cùng với nhau, họ lại không thể (có lẽ vậy) mang một danh hiệu về cho bóng đá Hà Lan.


Nỗi ám ảnh ấy liệu sẽ tiếp tục đeo bám thế hệ Hà Lan tiếp theo, của những Memphis Depay, Stefan de Vrij hay Jordy Clasie, đến bao giờ?


Song Long