06:16 03/06/2012

Hà Giang: Phấn đấu 70% dân số vùng cao núi đá được dùng nước sạch

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Hà Giang đến năm 2015 là giải quyết cơ bản vấn đề nước sạch phục vụ sinh hoạt cho 70% dân số ở 4 huyện vùng cao núi đá.


Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Hà Giang đến năm 2015 là giải quyết cơ bản vấn đề nước sạch phục vụ sinh hoạt cho 70% dân số ở 4 huyện vùng cao núi đá.


Bốn huyện vùng cao núi đá là Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh của Hà Giang luôn được gọi là vùng “khát đất” và “khát nước”. Những năm qua, một số dự án từ nguồn vốn của Chính phủ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt đã phần nào giải quyết được tình trạng “khát nước” cho bà con các dân tộc vùng cao núi đá, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của đồng bào.

Các huyện đã ưu tiên xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt với nhiều hình thức như: khoan giếng, cấp nước tự chảy, xây dựng “hồ treo”, xây bể chứa nước… Trên toàn khu vực 4 huyện vùng cao núi đá đến nay đã được đầu tư 397 công trình cấp nước tập trung; trong đó có 319 công trình cấp nước tự chảy và 76 “hồ treo”. Ước có khoảng trên 30% dân số được hưởng lợi từ các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.


Những phụ nữ Mông ở Hà Giang gùi những thùng chứa nước về nhà dự trữ nước ngọt cho mùa khô. Ảnh: Danviet


Tại Hội nghị thẩm định qui hoạch nước sinh hoạt cho 4 huyện vùng cao phía Bắc giai đoạn 2011-2020 diễn ra tại Hà Giang vào cuối tháng năm vừa qua, nhiều vấn đề về xây dựng điểm chứa nước, quản lý hồ chứa nước cũng như khai thác nguồn nước… đã được đưa ra thảo luận. Các giải pháp tiếp tục triển khai thời gian tới là: cấp nước tập trung tự chảy; sử dụng lu, bể chứa nước mưa; cấp nước bằng “hồ treo”. Nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh qui mô “hồ treo” (hồ xây trên núi đá để chứa nước) phù hợp với địa hình và nhu cầu sử dụng nước.

Hiện tại, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, khai thác, có 198 công trình tự chảy và 10 “hồ treo” đã bị hư hỏng nặng, không đảm bảo hiệu quả cấp nước. Nguyên nhân do sự khắc nghiệt của thời tiết; công tác quản lý, bảo vệ công trình của con người chưa cao; chất lượng công trình khi xây dựng chưa đảm bảo; chậm khắc phục, sửa chữa khi phát hiện những hư hỏng nhỏ…

Để ngày càng nhiều người dân vùng cao núi đá có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đảm bảo các nhà trẻ, trường học, trạm xá, chợ, trụ sở cơ quan chính quyền xã và các công trình công cộng nông thôn có đủ nước sạch sinh hoạt, chính quyền và người dân địa phương còn rất nhiều việc phải làm trong xây dựng các công trình chứa nước cũng như quản lý, khai thác nguồn nước.

Công Hải