04:09 11/04/2020

Gương mẫu chống dịch COVID-19 ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành 

Những ngày gần đây, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Phát huy tinh thần Bộ đội cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế, các cán bộ, nhân viên và gia đình thương, bệnh binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) gương mẫu thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Nâng cao ý thức phòng, chống dịch 

Hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành đang quản lý, chăm sóc và điều trị cho 95 thương, bệnh binh nặng hạng1/4 với tỷ lệ thương tật 81%. Trong đó, một đồng chí bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 58 đồng chí bị thương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, 35 đồng chí bị thương trong thời kỳ bảo vệ, xây dựng đất nước. Do tỷ lệ thương tật nặng, hầu hết các thương, bệnh binh thường xuyên phải chăm sóc y tế. Trong tình hình dịch bệnh diễn ra, lãnh đạo Trung tâm có những chỉ đạo, biện pháp sâu sát để vừa chăm sóc tốt sức khỏe thương bệnh binh vừa góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
 Bác sỹ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đo thân nhiệt cho thương binh đang điều trị bệnh tại Trung tâm. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Ông Nguyễn Khắc Dư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết: Do đặc thù các thương, bệnh binh tại Trung tâm có tỷ lệ thương tật nặng, sức đề kháng kém, nên trung tâm quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tinh thần đó, ngay từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện trong nước, Trung tâm đã thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh như rắc vôi bột, phun thuốc sát khuẩn toàn bộ trung tâm; đồng thời đóng cửa chính, hạn chế sự ra, vào của mọi người và thực hiện nghiêm công tác cách ly xã hội. Cán bộ trong Trung tâm gương mẫu thực hiện trước... Đối với mỗi người ra, vào khu vực làm việc và nơi sinh hoạt của các thương, bệnh binh, Trung tâm cử cán bộ kiểm tra sức khỏe và thực hiện khai báo y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe các thương, bệnh binh cũng được điều chỉnh cho phù hợp.

Anh Ngô Huy Phô, Trưởng phòng Y tế phục hồi chức năng, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành cho biết: Trước đây, khi chưa xuất hiện dịch bệnh, Trung tâm thường tổ chức khám, chữa bệnh cho các thương, bệnh binh tại Phòng Y tế. Đến nay, để tránh tập trung đông người, Trung tâm bố trí cán bộ y tế đến từng phòng các thương, bệnh binh phát khẩu trang, kiểm tra sức khỏe. Đối với những trường hợp bệnh nhân nặng cần tiêm truyền, Trung tâm cử cán bộ hàng ngày đến tận nhà. Đặc biệt, Trung tâm trang bị hệ thống chuông báo tự động tại phòng trực y tế có kết nối đến từng nhà của các thương, bệnh binh để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt của những thương, bệnh binh cũng thay đổi cho phù hợp với tình hình chống dịch. Thương binh Lê Văn Minh, sinh năm 1946, quê tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa), dù thương tật nặng (bị mảnh đạn găm vào cột sống trong trận càn của Mỹ trên chiến trường tỉnh Quảng Trị năm 1967 và được chuyển về điều trị tại Trung tâm), vẫn luôn phát huy tinh thần gương mẫu Bộ đội cụ Hồ. Bản thân ông, gia đình và những đồng đội thường xuyên tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Minh cho biết: Những ngày trước, khi chưa xảy ra dịch, mỗi buổi sáng, ông thường có thói quen tham gia đọc báo, chơi cờ với những thương, bệnh binh khác trong sân. Nhưng những ngày gần đây, khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt từ khi có chủ trương cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, ông đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng, chống dịch. Theo đó, mọi sinh hoạt của gia đình ông xoay quanh ngôi nhà tại Trung tâm; thức ăn và những nhu yếu phẩm cần thiết đều được mua từ khu chợ bên cạnh.

Cũng giống như gia đình ông Minh, để phòng, chống dịch COVID-19, gia đình thương binh Lê Đức Luân, sinh năm 1953, quê tại Vĩnh Phúc, được cán bộ Trung tâm phát khẩu trang. Khi ra khỏi nhà, mọi thành viên trong gia đình ông thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, không tập trung đông người. 

Ông Lê Đức Luân cho biết, trước đây khi chưa có dịch, những thương binh nặng như ông thường tập trung ôn lại những kỷ niệm chiến trường xưa, cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống để vơi đi sự đau đớn về thể xác và mất mát tinh thần. Đến nay, cùng cả nước chung tay chống dịch, các ông cũng tự thay đổi sinh hoạt, nếu không có việc, không ra khỏi cổng, hạn chế tiếp xúc với mọi người. Mỗi ngày, ông đều tạo cho mình thú vui đọc tin tức, xem ti vi. Mặc dù gia đình ông có các con, cháu công tác xa, nhưng thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh, ông đều động viên các con, cháu yên tâm, giữ gìn sức khỏe tốt. "Nếu như trước đây, các con cháu thường xuyên về thăm ông bà, thì nay mỗi khi nhớ con cháu, tôi cũng chỉ gặp bọn chúng qua màn hình điện thoại", ông Luân chia sẻ.

Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước

Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự đồng tâm hợp sức của toàn thể nhân dân, những thương, bệnh binh nặng cũng như các cán bộ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành luôn tin tưởng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi.

Ông Lê Đức Luân cho hay, Việt Nam là đất nước có đường biên giới dài, tiếp giáp Trung Quốc - nơi xảy ra dịch COVID-19 đầu tiên, nhưng đến nay, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Đặc biệt, mỗi khi có diễn biến mới về dịch, Nhà nước nhanh chóng có chủ trương đối phó kịp thời. Ông rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền. "Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, với tinh thần "chống dịch như chống giặc" tôi sẽ gương mẫu thực hiện và vận động con cháu thực hiện nghiêm các quy định, cùng nhân dân chống dịch", ông Luân nhấn mạnh.

Đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, những thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành còn trực tiếp đóng góp về tinh thần và vật chất, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Ông Lê Văn Minh cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông được biết tình hình phòng, chống dịch bệnh trong nước đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Sự phát triển chung của đất nước, điều kiện y tế nước ta còn hạn chế, nhưng đến nay số ca mắc COVID-19 không nhiều, chưa có ca tử vong và những ca điều trị khỏi chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, ông rất lạc quan và tin rằng trong tương lai gần dịch bệnh sẽ kết thúc.

Qua phương tiện thông tin đại chúng, ông Minh được biết tinh thần đồng sức, đồng lòng ủng hộ tuyến đầu chống dịch của người dân rất cao, có những cụ già  80 - 100 tuổi đã lấy tiền trợ cấp hàng tháng, tiền tiết kiệm ủng hộ công tác chống dịch; những người nghèo, tàn tật cũng bằng những việc làm cụ thể của mình góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, bản thân ông mặc dù cơ thể đầy thương tật, không có lương, hàng tháng sống bằng nguồn trợ cấp thương tật, nhưng hưởng ứng cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Minh đã tham gia và vận động con cháu, những người xung quanh nhắn tin qua điện thoại, góp phần nhỏ bé phòng, chống dịch bệnh. “Cả xã hội cùng chung tay thì công cuộc chống dịch sẽ thành công”, ông Minh lạc quan nói.

Thanh Thương (TTXVN)