07:21 27/07/2025

GS.BS, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ: Người thầy thuốc sáng ngời đạo đức cách mạng

GS.BS, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ là biểu tượng của trí tuệ, đạo đức cách mạng, là nhà khoa học sẵn sàng xả thân trong cuộc chiến giành độc lập của dân tộc, dành trọn cuộc đời cho các công trình nghiên cứu về bệnh sốt rét, xây dựng nền móng cho ngành ký sinh trùng...

Chú thích ảnh
GS. Đặng Văn Ngữ và những ngày nghiên cứu khoa học. Ảnh: VSRKSTTW

Sự khốc liệt của bom đạn và sốt rét 

Một ngày tháng 7/2025, về thăm Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, BS. Trịnh Thị Lịch xúc động đứng lặng hồi lâu trước bức tượng người thầy cao quý của mình – GS.BS, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ.

Mỗi lần về đây, bao nhiêu kỷ niệm trong những ngày được theo thầy vào chiến trường, xông pha vào nơi bom đạn chỉ để tìm ra vaccine phòng bệnh sốt rét cứu bộ đội, cứu người dân lại ùa về. Bà vẫn nhớ rõ từng chi tiết về những ngày tháng gian khổ ấy, dù tuổi đã cao, chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm.

Với những cán bộ lão thành của Viện như BS. Trịnh Thị Lịch và các đồng nghiệp, GS.BS Đặng Văn Ngữ không chỉ là người thầy, mà còn là nhà khoa học lỗi lạc, hết lòng vì ngành Y và là người đặt nền móng cho ngành ký sinh trùng Việt Nam.

Mở đầu câu chuyện bằng thảm họa dịch sốt rét giai đoạn năm 1966, BS Trịnh Thị Lịch như sống lại những ngày còn là cô nhân viên ngành Y mới vào nghề, được vinh dự làm việc, dìu dắt bởi thầy Đặng Văn Ngữ, khi đó là Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng.

“Năm 1966, trong lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt, bệnh sốt rét đã trở thành “kẻ thù không súng đạn” đáng sợ. Bộ đội ta hy sinh không chỉ vì bom đạn mà còn vì căn bệnh sốt rét ác tính. Chứng kiến tình hình đó, thầy Ngữ vô cùng trăn trở; lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ làm sao có thể tìm ra được biện pháp bảo vệ bộ đội khỏi sốt rét. Thời điểm đó, thầy Ngữ đã nghĩ đến việc sản xuất vaccine phòng sốt rét, một vấn đề quá xa vời, chưa ai dám nghĩ tới," bà Trịnh Thị Lịch nhớ lại.

Nghĩ là làm, cuối tháng 4/1966, đoàn nghiên cứu sốt rét nhanh chóng được thành lập do GS Đặng Văn Ngữ chủ trì, bà Trần Thị Lịch là một thành viên trong đoàn. Đoàn nghiên cứu đã thảo luận kỹ về sốt rét Trường Sơn do muỗi An. Balabacensis (sau này định danh là A. dirus) truyền bệnh. Bộ đội ta chủ yếu nằm rừng, ngủ võng, nên cần phải có biện pháp hữu hiệu phòng chống sốt rét Trường Sơn bằng “vaccine thoa trùng sốt rét” thiên nhiên tại các vùng sốt rét lưu hành nặng. Nhiệm vụ của đoàn nghiên cứu là bắt muỗi, định loại và mổ lấy tuyến nước bọt tìm thoa trùng để đánh giá số lượng muỗi tại điểm sốt rét; điều chế vaccine từ tuyến nước bọt có thoa trùng và đánh giá hiệu quả.

“Đoàn nghiên cứu chúng tôi lên đường vào chiến trường Vĩnh Linh, Quảng Trị đúng lúc máy bay địch đánh phá khốc liệt. Tại đây, GS. Đặng Văn Ngữ đã chọn địa điểm nghiên cứu là Quân y viện 43, thuộc xã Vĩnh Khê, khu vực Vĩnh Linh, có nhiệm vụ điều trị cho bộ đội từ miền Nam ra. Bệnh nhân là bộ đội nằm điều trị tại các lán được làm bằng gỗ rừng, mái lợp bằng lá tranh, xung quanh vách lán ken các lán được che kín bằng phên lá. Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc bắt muỗi nghiên cứu bằng cách dùng đèn pin soi, lấy ống nghiệm to chụp bắt; phải ngồi canh gần lán bệnh nhân 2–4 m vào mỗi buổi tối. Tôi được phân công mổ muỗi và soi tuyến nước bọt tìm thoa trùng. Muỗi bắt về chủ yếu là An. balabacensis, sau đó được phân loại rồi gây mê từng con bằng cete; rồi tiến hành mổ muỗi trên kính lúp hai mắt đèn. Mỗi quy trình tôi làm đều được thầy Đặng Văn Ngữ quan sát kỹ lưỡng và nhận xét tỉ mỉ. Thầy luôn dặn tôi phải cẩn thận từng ly, chú ý từng chi tiết...”, bà Trịnh Thị Lịch nhớ lại.

Chú thích ảnh
Bà Trịnh Thị Lịch cùng những người học trò cũ của GS. Đặng Văn Ngữ ôn lại kỷ niệm về người thầy của mình. 

Sau nhiều lần quan sát thất bại, cố gắng mãi cô nhân viên Trịnh Thị Lịch mới có thể phát hiện ra thoa trùng trong bộ tuyến nước bọt muỗi. Tất cả các bộ tuyến nước bọt muỗi có thoa trùng đều được giữ lại, bảo quản trong lọ dung dịch phenol 1% để phục vụ điều chế vaccine.

Khi số lượng vaccine đã đủ, việc tiêm thử vaccine sốt rét đã có thể triển khai, xác định mỗi liều tiêm cho người là 0,5 ml/người (tương ứng mỗi người nhận 1 bộ tuyến nước bọt muỗi/1 lần tiêm); GS. Đặng Văn Ngữ đã quyết định tiêm thử vaccine cho người.

Chiến tranh quá ác liệt, vaccine lại là biện pháp cấp bách, trong điều kiện đều vô cùng thiếu thốn, không có điều kiện để nghiên cứu đánh giá tính an toàn của vaccine; GS. Đặng Văn Ngữ buộc phải tiến hành đánh giá ngay trên các cán bộ nghiên cứu.

“Thầy tôi nói: “Tôi phải tiêm trước, sau đó mới đến người khác”, mặc dù chúng tôi xin thầy “chúng em còn trẻ, khỏe, thầy lớn tuổi rồi, thầy để chúng em tiêm trước”, nhưng thầy nhất định không đồng ý… Hôm đó mọi người hồi hộp, lo lắng chứng kiến mũi tiêm vaccine sốt rét đầu tiên trên người và tiêm chính cho GS. Đặng Văn Ngữ. Cho đến khi mũi tiêm hoàn thành an toàn, thầy đứng dậy khẳng định: “Tôi bình thường”, mọi người mới vỡ òa niềm vui, nắm chặt tay nhau và càng khâm phục, kính trọng thầy, một người hết lòng vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học, chấp nhận mọi rủi ro để mang lại những giá trị cho y học”, bà Trịnh Thị Lịch xúc động nhớ lại.

Sau GS. Đặng Văn Ngữ, lần lượt các thành viên trong đoàn nghiên cứu cũng xung phong tiêm thử nghiệm. Dù đã chuẩn bị kỹ lượng cho các tình huống phản ứng có thể xảy ra, nhưng tất cả đều an toàn. Quá trình nghiên cứu sau đó đã cho kết quả tốt, đối chứng nhóm người được tiêm và không được tiêm cho thấy, những người được tiêm vaccine đều có miễn dịch tốt với trùng sốt rét, trong máu không có ký sinh trùng sốt rét. GS. Đặng Văn Ngữ lại càng có niềm tin vào vaccine phòng bệnh sốt rét. Vì thế, ông đã quyết định xin phép Bộ Y tế và Chính phủ để vào chiến trường miền Nam tiếp tục nghiên cứu và sản xuất vaccine tiêm trực tiếp cho bộ đội.

Hết mình cho y học

“Hoàn thành đợt nghiên cứu trở về, đến cuối năm 1966, thầy Ngữ gọi tôi lên vào bảo: Tôi chuẩn bị vào chiến trường để tiếp tục mổ muỗi làm vaccine, công việc cần cô”. Chỉ thế thôi, nhưng với tất cả sự khâm phục trí tuệ, đạo đức của thầy Ngữ, tôi thu xếp công việc gia đình và cùng đoàn, theo thầy vào chiến trường năm 1967. Ngày lên đường, chúng tôi tập trung, thầy và cả đoàn mặc quần áo giải phóng, đầu đội mũ, chân đi dép cao su, bỗng thấy trong lòng tự hào và đầy quyết tâm với nhiệm vụ cao cả”, bà Trịnh Thị Lịch xúc động.

Cả đoàn lại hành quân vào chiến trường miền Nam, công việc nghiên cứu lại tiếp tục. Tuy nhiên, trong lúc công trình nghiên cứu vaccine đang vào giai đoạn quan trọng thì tai họa ập đến. Ngày 1/4/1967, đợt bom B52 của Mỹ dội trúng căn cứ thuộc địa phận phía Tây Thừa Thiên-Huế, GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh. Sự ra đi đột ngột của ông là cú sốc lớn với ngành Y học Việt Nam lúc bấy giờ. Người đầu tàu của công trình nghiên cứu vaccine sốt rét cứu bộ đội, cứu người dân khỏi dịch bệnh nguy hiểm đã ngã xuống.

GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh, công trình nghiên cứu vaccine sốt rét khi đó tuy vẫn trong quá trình thử nghiệm, nhưng bước đầu đã mang đến kết quả tốt. Tuy nhiên, ngay sau đó, căn phòng làm việc của GS. Đặng Văn Ngữ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (ở Hà Nội) cũng bị bom Mỹ đánh sập, các tài liệu nghiên cứu của ông cũng bị hủy hoại. Công việc nghiên cứu vaccine chống sốt rét đành phải ngừng lại...

Chú thích ảnh
Các thế hệ cán bộ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tri ân, tưởng nhớ GS. Đặng Văn Ngữ. 

“GS. Đặng Văn Ngữ là người đi tiên phong, đi trước thời đại. Thời điểm ấy, ngay cả trên thế giới cũng chưa có nghiên cứu vaccine sốt rét nào được triển khai thực nghiệm như vậy. Phải mấy chục năm sau, thế giới mới bắt đầu đi theo hướng nghiên cứu vaccine thoa trùng sốt rét như thầy Ngữ đã từng làm", bà Trịnh Thị Lịch cho biết.

Không chỉ hết mình với công trình nghiên cứu vaccine sốt rét, tìm hướng điều trị bệnh, GS. Đặng Văn Ngữ còn nổi tiếng với nhiều công trình khoa học. Ông còn là người đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh “nước lọc Penicillin”, được nghiên cứu từ giống nấm ông đem từ Nhật Bản về. Nhờ thuốc kháng sinh này, đã có 80% thương binh được điều trị nhiễm trùng, không bị cưa chân tay, có thể hồi phục trở về đơn vị chiến đấu. GS. Đặng Văn Ngữ cũng cùng với GS. Hồ Đắc Di và GS. Tôn Thất Tùng sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc và là người đầu tiên xây dựng ngành ký sinh trùng học Việt Nam…

GS. Đặng Văn Ngữ cũng là một nhà cách mạng lỗi lạc, khi đã từ bỏ cuộc sống và công việc như mơ ở Nhật Bản để trở về Việt Nam theo lời động viên của Bác Hồ, hòa mình vào cuộc chiến của dân tộc, không quản ngại gian khổ, xả thân vì nền y học nước nhà và cuối cùng đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường.

Bởi vậy, với những người học trò của GS. Đặng Văn Ngữ, ông là một tấm gương sáng ngời để tự hào, để học tập và noi theo.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định: "GS. Đặng Văn Ngữ đã trở thành biểu tượng của trí tuệ, lòng yêu nước và sự cống hiến trọn đời cho y học và sức khỏe cộng đồng. Ông đã được Đảng và nhà nước truy tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lao động; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ… Các thế hệ của ngành Ký sinh trùng mãi mãi nhớ ơn, khâm phục, ngưỡng mộ GS. Đặng Văn Ngữ, một nhà khoa học chân chính, lỗi lạc, đã hy sinh, cống hiến hết mình ngành y, cho nhân dân, đất nước  Những kết quả mà các thế hệ cán bộ trong lĩnh vực Ký sinh trùng ngày nay đạt được là một phần trong những đóng góp to lớn trong lĩnh vực phòng chống sốt rét mà thầy đã để lại, là di sản khoa học quý báu cho nền y học Việt Nam".

"GS. Đặng Văn Ngữ không chỉ dạy chúng tôi kiến thức thầy còn dạy cả cách làm người, cách dấn thân làm khoa học. Với thầy, một nhà khoa học không chỉ cần có trí tuệ, mà còn phải có cả trái tim”, bà Trịnh Thị Lịch chia sẻ.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc