03:06 08/03/2019

GS. TS. ĐBQH Nguyễn Thị Lan: Người 'truyền lửa' đam mê khoa học

Dù ở bất kỳ cương vị nào, GS.TS.ĐBQH Nguyễn Thị Lan, Giám đốc học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng luôn làm "tròn vai" với những công trình nghiên cứu xuất sắc, nhiều đóng góp to lớn cho xã hội; đó là bởi niềm đam mê, cháy hết mình với nghiên cứu khoa học.

Chú thích ảnh
GS.TS. ĐBQH Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 

Cháy hết mình với đam mê khoa học

Chúng tôi gặp GS.TS Nguyễn Thị Lan trong chuyến thực tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngay sau khi bà vừa giành giải thưởng Kovalevskaia cho nhà khoa học nữ xuất sắc. Vẻ đẹp rạng rỡ, tươi trẻ, cởi mở lại khiến người ta càng ngưỡng mộ nữ giáo sư trẻ tuổi nhất Học viện Nông nghiệp bên cạnh những thành tích, đóng góp lớn lao của bà cho khoa học và xã hội.

Kể về cái duyên với khoa học nông nghiệp, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết: "Xuất phát điểm của tôi chỉ là cô bé yêu thích tìm hiểu về động vật, cây trồng... lớn lên đã quyết tâm thi đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và chọn học khoa Thú y khóa 35".

Như có "đất" để thỏa ước mơ nghiên cứu, suốt những năm trên giảng đường, cô nữ sinh ấy say sưa với các đề tài, ý tưởng và càng tự mày mò học lại càng thấy thú vị. Đó cũng là bước đệm để sau khi tốt nghiệp, là một sinh viên xuất sắc, chị đã được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, tiếp tục được theo đuổi đam mê nghiên cứu.

"Sau 7 năm giảng dạy, tôi được trường cử đi học sau đại học tại Nhật Bản. Đây cũng là thời gian khó khăn nhất đối với tôi, vì nếu đi sẽ có cơ hội phát triển rất tốt nhưng lại phải đắn đo rất nhiều vì đằng sau còn gia đình, con nhỏ, liệu có thể xa nhà trong thời gian dài vài năm hay không? Nhưng tôi đã rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ của gia đình, động viên của đồng nghiệp để quyết định "dứt áo ra di". Những năm tháng xa nhà đi học, tôi đã vùi đầu vào học tập, nghiên cứu để quên đi nỗi nhớ con, nhớ nhà. Đặc biệt, khi sang đến Nhật Bản, được đắm mình trong môi trường nghiên cứu khoa học với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ; tôi càng phải tranh thủ thời gian, tận dụng tất cả mọi cơ hội để có thể nghiên cứu những thứ mình muốn, cứ như vậy tôi lại càng say mê với mong muốn có thể đem những công nghệ mới, tiến bộ về áp dụng ở Việt Nam và truyền đạt cho các em sinh viên", GS.TS Nguyễn Thị Lan trải lòng.

Với tất cả nhiệt huyết ấy, ngay khi về nước, trong khi nhiều người vấp phải sự "hẫng hụt" vì học được nhiều nhưng lại khó áp dụng vì điều kiện nghiên cứu trong nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thì GS. TS Nguyễn Thị Lan đã mạnh dạn viết các đề xuất nghiên cứu.

"Năm 2009, khi tôi về nước thì Việt Nam đang có dịch bệnh tai xanh ở lợn, là chủng bệnh mới phát sinh. Tôi đã đề xuất đề tài nghiên cứu: “Kit chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay bệnh tai xanh ở lợn”, rất may đề tài được duyệt ngay và chúng tôi bắt tay vào làm", GS. TS Nguyễn Thị Lan cho biết.

Cùng với việc thành lập phòng thí nghiệm trọng điểm, công trình đã được thực hiện trong vòng hơn 2 năm (từ 2009-2011) và đã thành công, có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn trong việc phát hiện sớm, tiến tới ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh trong điều kiện diễn biến phức tạp. Công trình đã cho ra phương pháp phát hiện bệnh nhanh, cho phép khoanh vùng dịch bệnh, giúp cho công tác kiểm dịch thú ý, lưu thông gia súc và có biện pháp xử lý kịp thời hạn chế lây lan và thiệt hại…

Với những nỗ lực vượt bậc, GS.TS Nguyễn Thị Lan và các đồng nghiệp còn còn tiếp tục thành công với các công trình nghiên cứu tiếp theo như: Công nghệ chế tạo vắc-xin phòng bệnh tai xanh; Công nghệ chế tạo kháng thể đơn dòng chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó; Công nghệ chế tạo vắc xin phòng bệnh Care ở chó; Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi...

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thị Lan là nhóm đầu tiên dám "khởi động" công nghệ sản xuất vắc xin phòng bệnh tai xanh. Cũng từ công trình này, các nhóm nghiên cứu mạnh về vắc xin của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ra đời dưới sự chủ trì của nữ nhà khoa học tài năng.

Đầu năm 2019, GS.TS Nguyễn Thị Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện vi rút dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn nuôi ở một số tỉnh phía Bắc. Chị và các cộng sự đã giám sát, khống chế thành công virus khống chế dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vắc xin phòng dịch tả nguy hiểm này với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018, bà trở thành nữ giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của Học viện Nông nghiệp và của ngành Thú y Việt Nam, đồng thời được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

Chú thích ảnh
GS.TS Nguyễn Thị Lan (thứ 2 từ phải sang) vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia.

Chưa bao giờ từ chối khi sinh viên cần

Có một khẩu hiệu mà sinh viên trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam giờ đây đều nằm lòng: "Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học"; đó là thông điệp được truyền đi mạnh mẽ bởi hơn hết người "chèo lái" của ngôi trường này luôn hiểu sức mạnh, giá trị của nghiên cứu khoa học, chú trọng gắn nghiên cứu với thực tiễn, đã trở thành người truyền lửa nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ.

"Tôi rất thích các em sinh viên nghiên cứu khoa học và ngoài việc say sưa cùng các em với những đề tài thì cũng không có lý do gì để từ chối khi sinh viên cần tìm đến mình để học hỏi. Dù công việc lãnh đạo nhiều bận rộn nhưng tôi luôn thu xếp để có thể hỗ trợ các em một cách tốt nhất vì phương châm của Học viện là không dạy lý thuyết suông", GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Nhiều sinh viên dưới sự hướng dẫn của GS. Nguyễn Thị Lan đã đạt giải cao trong các cuộc thi về khoa học công nghệ, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC, Tài năng khoa học trẻ Việt Nam… Với GS.TS Nguyễn Thị Lan, không chỉ khi giảng dạy mới có thể trực tiếp hỗ trợ được sinh viên nghiên cứu khoa học, mà thậm chí ở cương vị lãnh đạo còn có thể hỗ trợ tốt hơn ở tầm cao hơn. Đó là từ việc định hướng cho các em xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, người lãnh đạo còn có thể tạo ra môi trường tốt, đưa ra những chính sách phù hợp cho việc nghiên cứu...

Nhờ sự nỗ lực đó, đến nay Học viện đã có 49 nhóm nghiên cứu mạnh, 82 mô hình khoa học công nghệ phục vụ đào tạo, nghiên cứu chuyển giao và giới thiệu cồng nghệ mới... Cùng với việc định hướng phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về vắc xin động vật, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở nhiều lĩnh vực khác như: Quản lý đất đai, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, cơ khí, chế biến thực phẩm… đã ra đời với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích với xã hội, kết nối được với quốc tế. Và hơn hết đó là thành quả từ việc khơi dậy tiềm năng nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Nhà khoa học nữ phải nỗ lực gấp nhiều lần

Không chỉ là một nhà khoa học, nhà quản lý, GS. Nguyễn Thị Lan còn là một Đại biểu Quốc hội với những đóng góp không nhỏ trên nghị trường. Tưởng như ngần ấy công việc, một người phụ nữ nhỏ bé sao có thể gánh vác nổi nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, GS. Nguyễn Thị Lan vẫn làm "tròn vai" mọi nhiệm vụ. Trong nghiên cứu khoa học, phụ nữ thường phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần nam giới mới có thể vượt qua mọi rào cản để tiến tới thành công.

Theo GS. Nguyễn Thị Lan, khó khăn nhất đối với phụ nữ làm khoa học và quản lý là làm sao để cân bằng trong cuộc sống, phân bổ thời gian hợp lý cho gia đình, công việc và các mối quan hệ khác. Đặc biệt việc nghiên cứu khoa học luôn là con đường rất chông gai, nếu không có đam mê thực sự sẽ khó lòng vượt qua được. Chỉ có đam mê mới là động lực lớn nhất để vượt qua mọi thử thách.

"Phụ nữ làm nghiên cứu khoa học thường phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí gia đình cũng phải hi sinh cho mình làm việc vì thực sự rất khó để có thể chu đáo được tất cả. Ngay như bản thân tôi cũng phải cảm ơn gia đình đã luôn ở bên động viên, thông cảm cho công việc nghiên cứu luôn chiếm rất nhiều thời gian của mình. Nhiều khi phải thức đến 1- 2 giờ đêm làm việc, ngày nghỉ phải đến phòng thí nghiệm, đi cùng các nhóm nghiên cứu là chuyện bình thường. Vì thế, mỗi khi có thể tôi luôn cố gắng tối đa để dành thời gian ở bên gia đình, con cái bù đắp lại những thiệt thòi đó", GS. Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

 

Bài và ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức