05:09 26/05/2011

GS Tô Ngọc Thanh và “Bách khoa thư” văn hóa dân gian

“Chúng tôi đã có tiêu chí riêng của mình, cách tổ chức khảo sát của mình, để “tổng kiểm kê” các di sản văn hóa văn nghệ dân gian của 46/54 dân tộc Việt Nam”, GS Tô Ngọc Thanh (ảnh), Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói.

“Chúng tôi đã có tiêu chí riêng của mình, cách tổ chức khảo sát của mình, để “tổng kiểm kê” các di sản văn hóa văn nghệ dân gian của 46/54 dân tộc Việt Nam”, GS Tô Ngọc Thanh (ảnh), Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói. Trên tay ông là tập sách dày gần 300 trang bìa màu nâu xám nhạt - tập 1 của bộ sách thống kê di sản văn hóa các dân tộc.


Tầm nhìn của Hội Văn nghệ dân gian


“Tôi luôn kính trọng thầy tôi- GS Tô Ngọc Thanh bởi tầm nhìn, sự hiểu biết về những vấn đề của di sản văn hóa dân tộc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trầm ngâm. Ông Hiền là người đã ghi lại thang âm của cồng chiêng Tây Nguyên, góp phần không nhỏ vào việc làm hồ sơ đưa không gian cồng chiêng trở thành di sản văn hóa thế giới. Ông cũng cho biết, cách thức ghi lại thang âm này chính là do GS Tô Ngọc Thanh gợi ý cho ông để tôn vinh âm nhạc cồng chiêng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh


Không dễ gì có được tầm nhìn, sự am hiểu về di sản văn hóa như GS Tô Ngọc Thanh. Thời gian ông sống với người dân các dân tộc thiểu số chạy dài suốt những năm tháng tuổi trẻ, thời trung niên và bây giờ ngay cả khi đã ở tuổi xưa nay hiếm. Giáo sư chính là người đã làm việc với tư cách chuyên gia của UNESCO từ những năm 90 của thế kỷ trước. Chính vì thế, ông hiểu rất rõ sự mong manh của các di sản văn hóa dân gian trước sức tấn công của đời sống đương đại, và dòng chảy nặng trĩu của thời gian.


“Ngay từ những năm 2000, chúng tôi đã nhận thấy kho di sản dân gian đứng trước nguy cơ lớn. Một số không thể cứu vãn được nữa. Số khác tuy vẫn còn nhưng đã mai một đáng kể”, GS nói giọng trầm ngâm. “Những nghệ nhân từng thực hành và lưu giữ di sản ngày một già đi. Nhiều người trong số họ đã mất. Những người còn sống, mắt đã mờ, chân đã chậm ở độ tuổi 70 - 80 rồi. Trí nhớ của họ giảm sút, khả năng truyền dạy cũng không còn được như xưa”.


Bởi vậy, Hội Văn nghệ dân gian, đã đưa ra kế hoạch mang tên “Tầm nhìn 2010”. “Chúng tôi đã phát động toàn thể 1.200 hội viên trong 78 chi hội để điều tra di sản văn hóa. Đó là các chi hội nằm ở tất cả các tỉnh, thành trong nước, cộng với một số chi hội tại các trường, viện nghiên cứu. Tất cả chỉ để trả lời câu hỏi tại địa phương mình có di sản nào, hiện trạng ra sao?”, ông nói.


Bên cạnh đó, kế hoạch “Tầm nhìn 2010” còn cùng nhân dân khôi phục hơn 100 di sản. Hội đã phong tặng 150 nghệ nhân dân gian.“Chúng tôi đã phân loại thành nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống văn hóa như: Văn hóa sản xuất, văn hóa xã hội, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật... Kết quả là 46/ 54 dân tộc đã được kiểm kê xong. Tám dân tộc còn lại là các dân tộc có dân số ít, lại cư trú ở địa bàn quá hẻo lánh, nhưng chúng tôi sẽ làm trong những năm tới. Kết quả tổng kiêm kê này đã được chúng tôi công bố trong 2 tập sách để tiện việc tra cứu”, GS Tô Ngọc Thanh cho biết.


Sờ tận tay vào di sản


“Liệt kê thông thường một di sản chỉ để đưa ra con số không khó. Cái khó và cũng là yêu cầu của Hội là phải mô tả được thực trạng di sản”, GS Thanh vừa nói vừa chỉ tay vào những cột thông số di sản sau khi thống kê. Ứng với mỗi di sản là 12 cột thông tin, trả lời 8 vấn đề lớn. Đó là: Di sản của dân tộc nào, tên loại của di sản, nơi tồn tại di sản, phạm vi tác động và thời điểm diễn ra, người lưu giữ, thực trạng, tình hình nghiên cứu sưu tầm, cuối cùng là kiến nghị phương pháp bảo tồn.


“Qua công tác kiểm kê này, chúng tôi đã nắm được và có kế họach sưu tầm và bảo tồn về cơ bản toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc VN, phát hiện các nghệ nhân đang sống để tổ chức cho họ truyền dạy lại con cháu...”, ông cho biết.


Chẳng hạn, với văn hóa làng của người Bahnar Kriêm ở Bình Định, kiểm kê chỉ ra rất rõ di sản này tồn tại ở các làng xã của huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Thời điểm diễn ra hàng ngày. Người lưu giữ là các già làng. Thực trạng vẫn còn lưu giữ được ít nhiều song đang mai một dần. Hội viên Yang Danh hoàn thành sưu tầm và viết công trình một số mặt của khối di sản này vào cuối năm 2007 với tài trợ kinh phí thực hiện của Hội. Kiến nghị cần bảo tồn và phát huy di sản.


“Nếu chúng ta cứ nói chung chung về di sản mà không nói đến nghệ nhân thì không đủ. Phải điều tra cụ thể để tổng kiểm kê các di sản có được, phải biết được bao nhiêu vị nghệ nhân, tuổi tác thế nào, tài năng ra làm sao, còn lại là bao nhiêu? Nhưng tổng kiểm kê không chỉ để biết mình còn bao nhiêu di sản, bao nhiêu nghệ nhân... Chúng ta còn cần biết dân tộc nào có những di sản gì và cần khôi phục cái gì trước, cái gì sau”.


Chẳng hạn, với nghề thủ công truyền thống gồm gốm, chạm bạc, thêu thùa của người Bố Y, Hội kiến nghị rất rõ cần thiết phải duy trì trong cộng đồng. Di sản tồn tại ở làng xã của người Bố Y tỉnh Hà Giang với quy mô làng xã. Người còn nắm giữ di sản là cụ Ngũ Khởi Phối nay đã 77 tuổi. Di sản này hiện bị mai một do không có sự truyền lại.


Chính bởi sự kiểm kê phải sờ tận tay này mà GS Tô Ngọc Thanh cùng Hội chủ trương phải phát triển mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở. Cộng tác viên cũng chia nhiều cấp khác nhau, từ cộng tác viên tư liệu đến cộng tác viên nghiên cứu. Hàng năm, GS Thanh và Hội đều tổ chức các lớp tập huấn để mạng lưới của mình có thể biết cách ghi chép tư liệu cũng như phát triển nó thành những công trình nghiên cứu. “Chúng tôi gặp nhau, các cộng tác viên vốn chỉ là những nhà nông yêu văn hóa đưa ra vấn đề mình quan tâm. Chúng tôi hướng dẫn họ cách sưu tầm ghi chép. Sau đó giúp họ lên khung vấn đề nghiên cứu của mình”, Giáo sư cho biết.


Bộ sách phát miễn phí


Từ những “chân rết” như thế, lượng tài liệu sưu tập của Hội tăng lên rất nhanh. Điều này khiến Giáo sư quyết định thời gian tới sẽ phải tập trung vào việc thực hiện dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc VN”. Dự án này nhằm chọn lọc, biên tập, xuất bản khoảng 2.000 công trình. Đây là những công trình sưu tầm nghiên cứu của trên 1.000 hội viên trong 30 năm qua tích tụ lại, hiện đang lưu giữ tại Văn phòng Hội. Kinh phí thực hiện dự án do Đảng và Nhà nước cấp.


Ưu điểm lớn của bộ sách là nó đa dạng, và do chính người ở vùng văn hóa đó sưu tầm, thực hiện. Có thể thấy ở đây nhiều tác phẩm nghiên cứu đồng dao, các thể hát nói, các luật tục. “Khi hoàn thành bộ sách sẽ có tác dụng như một Bộ Bách khoa thư về văn hóa các dân tộc Việt Nam”, GS Thanh tự hào nói.


“Trong năm 2010, chúng tôi đã in được trên 200 đầu sách, trong đó có nhiều công trình song ngữ tiếng các dân tộc thiểu số và bản dịch. Dự kiến 2.000 công trình, bao hàm trong 1.800 - 2.000 cuốn sách, mỗi cuốn 1.000 bản sẽ được xuất bản trong vòng 10 năm từ 2011 đến 2020, để cung cấp một lượng tri thức có tính chất bách khoa về văn hóa - văn nghệ dân gian VN. Các xuất bản phẩm sẽ được phát hành miễn phí tới thư viện các trường ĐH, viện nghiên cứu, các trường sư phạm và trường dân tộc nội trú các tỉnh, hoặc các cơ quan có nhu cầu.... như Ban Tuyên giáo, Hội Văn nghệ các tỉnh thành và các cơ quan trong hệ thống UNESCO, bộ đội biên phòng, một số khoa Việt Nam học tại các trường nước ngoài, GS nhấn mạnh.


Cầm Trang