09:15 28/09/2014

Gruzia sẽ là Ukraine tiếp theo?-Kỳ 1

Những căng thẳng chính trị, vốn bị trầm trọng thêm bởi sự mở rộng của phương Tây, đang đặt ra nguy cơ bùng phát bạo lực tại Gruzia.

Những căng thẳng chính trị, vốn bị trầm trọng thêm bởi sự mở rộng của phương Tây tới khu vực, đang đặt ra nguy cơ bùng phát bạo lực tại Gruzia.

Kỳ 1: Nỗi ‘ám ảnh’ về Nga và sự can thiệp của phương Tây

Trong khi thế giới theo dõi cuộc “đụng độ” giữa Nga và phương Tây ở Ukraine, những căng thẳng đang ngày càng gia tăng ở xa hơn về phía nam, tại Cộng hòa Gruzia, một nước thuộc Liên bang Xô-viết cũ. Giống như Ukraine, các cuộc đối đầu giữa những nhân tố chính trị và nhóm sắc tộc ở Gruzia “hội tụ” lại với nhau một cách nguy hiểm cùng với sự mở rộng ảnh hưởng của cả Nga và phương Tây trong không gian hậu Xô-viết. Nếu không có các cuộc đối thoại hòa bình cần thiết, một cuộc xung đột nghiêm trọng rất có thể sẽ nổ ra ở đây, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với an ninh của khu vực và thế giới. Tình huống này thực sự không thể xem thường.

Một binh sĩ Georgia trên đường phố ở Nam Ossetia năm 2008. Ảnh: Reuters


Nằm tại nơi giao nhau chiến lược giữa Đông và Tây, Gruzia đã trở thành một “chiến trường” xung đột lớn trong nhiều năm. Là một quốc gia có lịch sử lâu đời và thân thiện, Gruzia được Mỹ coi như là một “cầu nối” để tiếp cận nguồn năng lượng ở Trung Á và là nơi để mở rộng ảnh hưởng của mình tới không gian hậu Xô-viết. Trong khi đó, Moskva coi đây như một thành tố quan trọng trong cấu trúc an ninh truyền thống của mình, vốn được củng cố thông qua quá trình lịch sử lầu dài.

Năm 2003, cuộc Cách mạng Hoa hồng do Washington hậu thuẫn ở Tbilisi đã khiến cho nhà lãnh đạo lâu năm của Gruzia, ông Eduard Shevardnadze phải từ bỏ quyền lực. Sau đó, Mikheil Saakashvili, người có quan hệ thân phương Tây lên nắm quyền và tuyên bố đưa Gruzia ra khỏi cái bóng của Nga. Kể từ đó, mối quan hệ với Moskva nhanh chóng trở nên tồi tệ và đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2008, khi ông Saakashvili thực hiện một chiến dịch quân sự tấn công Nam Ossetia để tái chiếm lại tỉnh này khỏi tay quân ly khai, vốn được bảo vệ bởi những người nói tiếng Nga.

Vụ tấn công đã dẫn đến một cuộc chiến 5 ngày với Moskva, với kết cục quân đội Nga dễ dàng đánh bật lực lượng Gruzia ra khỏi Nam Ossetia và khu vực ly khai khác là Abkhazia, và sau đó chính thức thừa nhận cả hai khu vực này là những quốc gia độc lập. Đáp lại, ông Saakashvili cắt đứt mối quan hệ với Moskva.

Xét trên nhiều khía cạnh, cuộc xung đột năm 2008 dường như là một khúc dạo đầu cho những sự kiện tiếp theo giống như những gì hiện đang diễn ra ở Ukraine. Trong cả hai cuộc xung đột (Gruzia và Ukraine), sự mở rộng của NATO và những nỗ lực của Washington nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực đã đóng vai trò chính. Những chính phủ thân phương Tây – xa rời Nga – thực sự đã làm bùng lên những ngọn lửa giận dữ. Và trong cả hai trường hợp, Moskva đã có những hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích của mình.

Sau cuộc xung đột năm 2008, chính quyền Saakashvili đã từng bước sụp đổ. Tháng 10/2012, đảng của ông, Phong trào Quốc gia Thống nhất (UNM), thất bại trước đảng Liên minh Giấc mơ Gruzia do tỷ phú Bidzina Ivanishvili đứng đầu. Chiến thắng của ông Ivanishvili dường như đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Gruzia khi có thiên hướng cân bằng và thực dụng hơn so với xu hướng nghiêng về phương Tây của ông Saakashvili.

Trong cả hai cuộc xung đột (Gruzia và Ukraine), sự mở rộng của NATO và những nỗ lực của Washington nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực đã đóng vai trò chính.


Khi lên nắm quyền, ông Ivanishvili đã không chọn hướng về Nga hay phương Tây hoàn toàn. Ông hiểu được những lợi ích trong mối quan hệ với Moskva và tuyên bố sẽ sửa chữa với hy vọng phục hồi hoàn toàn mối quan hệ ngoại giao này. Ông Ivanishvili cũng củng cố mối quan hệ với Abkhazia và Nam Ossetia cũng như chủ trương mở lại tuyến đường sắt Abkhaz, từng nối liền Armenia tới Nga trong thời kỳ Xô-viết. Ông cũng có tham vọng đưa Gruzia gia nhập EU và trở thành một thành viên của NATO và khả năng sẽ đàm phán với Moskva để giúp đảm bảo một thỏa thuận hòa bình với Abkhazia và Ossetia. Trong khi đó, ông cũng để ngỏ việc xem xét gia nhập Liên minh Á-Âu do Nga sáng lập.

Mặc dù có quan điểm tiến bộ hơn trong việc tạo ra thế trận chiến lược và ngoại giao, nhưng ông Ivanishvili vẫn bị hạn chế trong việc thay đổi cơ bản tình hình, bởi vì trên danh nghĩa ông Saakashvili vẫn là người đứng đầu nhà nước theo một hiệp ước chia sẻ quyền lực. Sau khi ông Saakashvili bị thất bại hoàn toàn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013 và ông Ivanishvili quyết định giã từ sự nghiệp chính trị, 2 nhân vật mới thuộc liên minh của ông Ivanishvili lên thay thế là Giorgi Margvelashvili trên cương vị Tổng thống và Irakli Garibashvili là thủ tướng của Gruzia.

Khi ông Saakashvili rời khỏi nhiệm sở, một hy vọng mới đã nổi lên với việc mối quan hệ Gruzia-Nga cuối cùng sẽ được phục hồi. Triển vọng này ngày càng tăng lên khi Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014 diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin với tư cách cá nhân đã mời ông Margvelashvili dự một cuộc gặp song phương.

Tuy nhiên, khi tất cả các con mắt hướng về Maidan (Kiev), cuộc gặp trên vẫn chưa biết khi nào sẽ diễn ra. Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, Mỹ và Liên minh châu Âu đã tăng cường những nỗ lực nhằm củng cố vị trí địa chính trị của họ trong không gian hậu Xô-viết. Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng tương lai của Gruzia trong NATO và Mỹ hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia.

Trong khi đó, EU đã xúc tiến việc ký kết thỏa thuận liên minh với Tbilisi, tài trợ nhiều tiền hơn cho Tbilisi và thuyết phục nhà lãnh đạo của Gruzia ủng hộ việc trở thành thành viên của EU. Vì không có mối quan hệ ngoại giao toàn diện với Tblisi nên Nga đã “bất lực” trong việc đối phó với những hành động trên của phương Tây.


Công Thuận


(Còn tiếp)