12:15 06/12/2019

Góp ý xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo khoa học giữa Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan và Hội đồng lý luận Trung ương với nhóm đối tác phát triển (DPG) về các văn bản và khuyến nghị chính sách của DPG đóng góp cho xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, sau 1 năm, tổ biên tập cùng với các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu đã làm việc với tinh thần phát huy trí tuệ tập thể để cùng tham gia xây dựng Chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

“ Tổ Biên tập nhận thấy, đây là thời điểm hết sức quan trọng đối với đất nước; là dịp để thực hiện tổng kết, đánh giá một cách tỉ mỉ, thận trọng nhằm đưa ra con đường đi, bước phát triển mới mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản để phát triển nhanh, bền vững hơn, nâng cao tính độc lập, tự chủ nhiều hơn cũng như nâng cao tính chống chịu và thích ứng. Trước yêu cầu và đòi hỏi đặt ra như vậy, việc tham gia ý kiến của các bộ, ngành, địa phương các viện, trường đại học, các cơ quan, các tổ chức và các chuyên gia, nhà khoa học là rất cần thiết.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngài Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, các Bộ, ngành của Việt Nam cũng đã nỗ lực phối hợp với các đối tác phát triển để đưa ra những nội dung, những giải pháp cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng ta cần tiếp tục trao đổi sao cho những kiến nghị được nêu ra trong hội thảo nổi bật và hiệu quả.”, ngài Kamal Malhotra mong muốn.

Ngài Osmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, WB mong muốn song hành cùng Việt Nam để giải quyết những vấn đề chiến lược mà hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt cũng những thách thức mà Việt Nam cần phải tiên liệu. Từ đó, tìm ra những giải pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề đó một cách phù hợp để Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thành công trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến cho những khuyến nghị chính sách về tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn Việt Nam thời kỳ 2021-2030; các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn; các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với bối cảnh của Việt Nam; tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam; vai trò của khu vực kinh tế tư nhân…

Đóng góp ý kiến cho chính sách về tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, ông Albert Lieberg, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải đạt được tiến bộ trong việc thích ứng với tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, tăng cường năng lực quốc gia trong môi trường thương mại biến động khó lường, cải thiện đáng kể và đa dạng hóa nguồn sinh kế và cơ sở thu nhập cho các nông hộ - kèm theo việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về xã hội và một trường một cách bền vững.

Khuyến nghị chính sách về tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng của Việt Nam, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, cần tiếp tục nỗ lực hướng tới việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, bắt đầu với các công ty niệm yết và các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, tần suất và tính kịp thời của thông tin tiền tệ và tài chính như các nghiệp vụ tiền tệ, bảng cân đối tiền tệ toàn ngành, bảng cân đối của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối, nợ xấu và các xu hướng tín dụng theo ngành.

Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) trình Đại hội XIII của Đảng.

Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội có trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra được những phương hướng phát triển của đất nước thông qua những kiến nghị đột phá nhưng không phiêu lưu mà trên nền tảng cơ sở khoa học đặt trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng khi những biến động trên thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ý kiến tham vấn của các đối tác rất sâu sắc, đầy ý nghĩa và thiết thực cho mục tiêu hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện để làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, xây dựng chính sách.

Thúy Hiền (TTXVN)