05:14 16/05/2025

Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Từng bước thực hiện tốt mục tiêu 'dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'

Sáng 16/5, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các tầng lớp trí thức; chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận Đổng Hoàn nêu rõ: Hiến pháp là Luật cơ bản của nước ta, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 có ý nghĩa, tầm quan trọng có tính lịch sử, yêu cầu đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương… nhằm từng bước thực hiện tốt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã thông tin sâu rộng Nghị quyết 194 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Qua thông tin được cập nhật, nghiên cứu sâu kỹ từ nghị quyết, các đại biểu đều đồng tình và thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Ông Trượng Thống, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ninh Phước, góp ý tại Hội nghị. 

Ông Trượng Thống, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ninh Phước cho biết, nghị quyết nêu ra cần làm rõ vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam. Ông cho rằng cần duy trì quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Toà án Nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân trong Hiến pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp; điều chỉnh, bổ sung các cụm từ ở một số điều khoản cho phù hợp với thực tiễn và hiệu quả khi thực hiện.

Về nội dung kinh tế tư nhân và vai trò của doanh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận bày tỏ thống nhất và đồng thuận với định hướng tiếp tục khẳng định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong dự thảo. Ông Nguyễn Thanh Hồng cũng mong muốn Hiến pháp cần xác lập một cách rõ ràng hơn nguyên tắc bình đẳng thực chất giữa các thành phần kinh tế; đặc biệt là quyền tiếp cận nguồn lực như đất đai, tín dụng, công nghệ, thông tin, vốn… những yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển bền vững và đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế quốc dân.

Chú thích ảnh
Đại biểu chức sắc tôn giáo tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm góp ý tại Hội nghị. 

Bên cạnh đó, cần làm rõ cam kết của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tài sản hợp pháp, quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều này không chỉ tạo niềm tin cho doanh nghiệp mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hiến pháp sửa đổi cần thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng hệ sinh thái pháp lý thuận lợi, minh bạch và ổn định để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có thể phát huy tối đa vai trò kiến tạo tăng trưởng, tạo việc làm và thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý sâu sắc và đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị. Tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp, báo cáo về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển đến Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp thu và hoàn thiện, đảm bảo Hiến pháp sửa đổi thực sự là kết tinh của trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn dân.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)