05:07 03/05/2011

Góp ý “Dự thảo Luật giáo dục đại học”

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về xây dựng Luật giáo dục ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng Luật Giáo dục ĐH cần cụ thể hơn nữa, giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại trong giáo dục ĐH hiện nay.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về xây dựng Luật giáo dục ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng Luật Giáo dục ĐH cần cụ thể hơn nữa, giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại trong giáo dục ĐH hiện nay.

Chờ xóa bỏ rào cản quyền tự chủ ĐH

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Thành Tây đề nghị cần đề ra một cơ chế “khoán 10” trong giáo dục ĐH. Và muốn làm được, cần xóa bỏ ngay 3 rào cản quyền tự chủ của ĐH, đó là: Bỏ kỳ thi ĐH, bỏ chỉ tiêu tuyển sinh và bỏ quy định về xin mở mã ngành, chuyên ngành.

GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng Bộ nên thống nhất lấy kỳ thi THPT làm chuẩn, bỏ kỳ thi 3 chung như hiện nay. “Những thí sinh ở vùng núi, vùng sâu vùng xa thì làm sao đạt được tới điểm sàn. Mà họ không được vào học ĐH thì sau này, ai sẽ về làm việc tại miền núi thay họ?” – GS. Phương đặt câu hỏi. Hơn nữa, một kỳ thi tuyển sinh ĐH như hiện nay quá tốn kém và thực sự không cần thiết.

Quang cảnh hội nghị.


GS.Trần Phương chỉ ra bất hợp lý trong việc xin mở trường. Ông cho rằng việc đặt ra các tiêu chuẩn như phải có bao nhiêu tỷ đồng, bao nhiêu giảng viên, bao nhiêu GS, PGS… mới được mở trường thực chất là “con trâu đặt trước cái cày”. Bộ nên quy định lại khái niệm chính quy và không chính quy. Hơn nữa, trong dự thảo luật đưa ra lần này, những quy định đối với trường ĐH do nước ngoài đầu tư còn rất mơ hồ.

Theo PGS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Luật Giáo dục ĐH phải là công cụ để điều tiết các hoạt động trong giáo dục ĐH hiện nay. Đây là luật chuyên ngành nên không thể chung chung mà phải rõ ràng. Nguyên tắc là phải giải quyết các bức xúc đang cần sự trợ giúp của pháp lý như vấn đề tự chủ. Nên có một điều nói về quyền tự chủ của các trường. Cụ thể, tuyển sinh như thế nào? Cách thức tuyển sinh hiện nay là chưa tiên tiến vì chỉ kiểm tra kiến thức của người học chứ không phải đánh giá năng lực người học. Tiến tới không nên thi cử nặng nề nữa.

Tôn trọng quyền tự quyết của các trường

Trao đổi với báo chí, GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ ý kiến về việc xóa bỏ rào cản quyền tự chủ của ĐH. Ông Thi khẳng định: “Tiến tới việc giao tự chủ cho các trường, có trường không tự ra đề thi nhưng có thể dùng đề thi của những trường khác và Bộ cũng không quyết định việc các trường phải lấy đề thi ở đâu. Hay như việc soạn giáo trình, giao cho các trường tự soạn giáo trình, tự làm giáo trình. Có những trường không có giáo sư giỏi để làm giáo trình ấy, nhưng ở các trường khác lại có giáo sư giỏi để viết. Vì vậy các trường có quyền lựa chọn giáo trình. Bộ tôn trọng quyền tự quyết của các trường và sử dụng lực lượng trên tinh thần tự nguyện”.

Trong tương lai có thể cho các trường tự chọn thời gian tuyển sinh nhưng trước mắt chưa nên sử dụng hình thức xét hồ sơ- GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm. Cần xem xét cụ thể, ví dụ sau khi thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, phải có khâu lựa chọn hồ sơ, tổ chức, chấm thi, tuyển, khai giảng. Sự xê dịch không phải lớn nhưng cũng không nhất thiết cùng một ngày vài trăm ngàn học sinh kéo về thủ đô dự thi ĐH, CĐ. Và có thể nghiên cứu thêm một đợt thi nữa nhưng cần phải tính toán kỹ.

Nhấn mạnh về quyền tự chủ của các trường, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc tự chủ không đơn giản. Có trường bề dày hàng trăm năm nhưng có trường mới thành lập nên việc tự chủ phải có lộ trình. Bộ sẽ phân cấp tự chủ cho các trường nhưng tự chủ phải có điều kiện, ràng buộc.

Chấp nhận chất lượng đào tạo có sự phân cấp

GS Đào Trọng Thi cho rằng đây là luật chuyên ngành. Sắp tới Bộ GD - ĐT cần phải hoàn thiện văn bản này để trình Chính phủ sau đó trình Quốc hội. Thời gian chỉ còn khoảng 6 tháng, nên cần đi vào những vấn đề nội dung cụ thể. Trước kia ta chỉ có Luật Giáo dục chung, nếu hiện nay cần ban hành một luật riêng cho giáo dục đại học thôi thì luật này phải rất cụ thể để làm sao không cần tới văn bản dưới luật nữa. Những nội dung trong các văn bản dưới luật trước đây đã được kiểm nghiệm trong thực tế, ứng dụng cụ thể trong nhiều năm thì cần đưa vào luật chính thức, sẽ có giá trị pháp lý cao hơn.

GS Đào Trọng Thi vạch rõ hai vấn đề mà Luật Giáo dục ĐH cần làm rõ như: Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và vấn đề tự chủ của các trường. Về đào tạo nguồn nhân lực, không thể áp dụng một cách máy móc và có lẽ phải chấp nhận chất lượng đào tạo ĐH phải có sự phân cấp. Về vấn đề “tự chủ và tự chịu trách nhiệm” của các trường, không thể đồng loạt như nhau mà cần căn cứ vào khả năng của từng trường. Giữa trường công lập và tư thục có sự khác nhau. Ví dụ chủ đầu tư của các trường tư thục là tư nhân còn công lập là Nhà nước thì phải khác nhau.

Có thể việc tự chủ về chuyên môn là giống nhau nhưng trong tự chủ về tài chính và nhân sự thì phụ thuộc rất nhiều vào chủ đầu tư. Nếu vấn đề tự chủ được đưa ra cần có một quyết định cụ thể có hiệu quả thì bắt buộc phải phân loại các trường. Cần mở rộng tự chủ cho ĐH vùng, nhất là về vấn đề tài chính. Dự thảo Luật Giáo dục ĐH chưa đáp ứng được yêu cầu trên. Không thể có cơ chế chung cho tất cả các trường mà phải phân chia năng lực và đánh giá năng lực, xây dựng hành lang pháp lý và sự tự chủ sẽ trong khuôn khổ pháp lý. Chưa làm được thì nói “tự chủ” chỉ là khẩu hiệu.

Lê Vân