10:17 05/10/2022

Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc liên quan đất nông nghiệp

Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách và pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh phối hợp để giải quyết những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển cộng đồng nông thôn phát biểu trong hội thảo Chính sách đất đai trong nông nghiệp – Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 5/10.

Ngày 5/10, tại TP Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách đất đai trong nông nghiệp – Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Đóng góp ý kiến cho Luật Đất đai (sửa đổi) tại TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc CCRD cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách và pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. Cụ thể, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm; việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc; khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường (đặc biệt là khu vực đất ven đô).

“Hiện nay, biên độ giá đất khu vực nông thôn quy định còn rộng, dẫn đến còn nhiều khu vực chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê… chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực hiện và phiền hà cho người sử dụng đất… Ngoài ra, việc miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được triển khai nhiều năm nhưng tình trạng ruộng bị bỏ hoang, không canh tác gây lãng phí nguồn lực, trong khi nhiều chủ đầu tư không thuê được đất để đầu tư canh tác. Điều này cho thấy, cơ chế khuyến khích tài chính đối với đất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả”, ông Phan Văn Ngọc đánh giá.

Theo các đại biểu tham gia hội thảo, theo khoản 2 Điều 46 Luật Đất đai năm 2013, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất chỉ được thực hiện trong 2 trường hợp (có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và có sự thay đổi về khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất), nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật chưa quy định rõ thế nào là thay đổi khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

Mặt khác, việc thu hồi, giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điều 52 Luật Đất đai năm 2013). Do đó, những công trình, dự án không nằm trong kế hoạch sử dụng đất được duyệt sẽ không đủ điều kiện để thực hiện.

Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đất chỉ được thông qua hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các lần họp thường kỳ mỗi năm (vào tháng 6 và tháng 12). Như vậy, những công trình không có trong kế hoạch bắt buộc phải chờ ít nhất sau 6 tháng thì mới được trình xin phê duyệt. Điều này gây chậm trễ xin cấp phép đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút các chủ đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Vì vậy, để phát huy tài nguyên từ đất đai, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, các cơ quan, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh phối hợp để giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất như: đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số…

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cũng cho biết, đối với việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng cũng chưa thống nhất giữa các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường…). Có sự chồng chéo các mục đích sử dụng đất trong một khu vực, chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau (hiện mới chỉ có đánh giá thích hợp đất cho mục đích trồng trọt và đồng cỏ chăn thả).

Mặt khác, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn chưa quy định trường hợp chuyển mục đích đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác nên khó khăn trong thực thi…Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cũng đề nghị cần thống nhất cách phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng, làm rõ chế độ sử dụng đất đối với một số loại đất có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Xem xét, bổ sung thêm khái niệm và cách phân loại đất đai theo chức năng (chức năng sinh thái, chức năng kinh tế, chức năng bảo tồn, bảo vệ, …).

Chú thích ảnh
Một số đại biểu đóng góp ý kiến cho Luật Đất đai (sửa đổi). 

Đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đa số các đại biểu tại khu vực phía Nam đều cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần thực hiện mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp, giải phóng sức lao động, có chính sách bảo hộ, quy hoạch quỹ đất nông nghiệp ổn định lâu dài, giúp người nông dân yên tâm đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; cải thiện chính sách giá đất nông nghiệp, theo đó giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp từng bước được xác định theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hồi đất và đền bù đất nông nghiệp. Ngoài ra, khi điều chỉnh quy hoạch và thực hiện quy hoạch phải bảo đảm cho việc sử dụng đất đai và xây dựng hạ tầng khu dân cư nông thôn được văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét của văn hóa làng, xã của các địa phương....

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức