08:03 10/08/2019

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

Dù đã trải qua 58 năm kể từ khi xảy ra thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2019) nhưng nỗi đau da cam vẫn hằn lên nỗi đau trong mỗi gia đình nạn nhân. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, cộng đồng luôn chung tay giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Huy động sự hỗ trợ cộng đồng

Là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dù hòa bình lập lại nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn rất nặng nề. Nhất là đối với những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chú thích ảnh
Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin Hà Nội đón nhận điều trị, phục hồi chức năng cho gần 100 người. Ảnh: X.C

Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chính sách, có chế độ cho các nạn nhân nhằm cải thiện đời sống cho họ. Hàng năm, Nhà nước dành khoản chi phí lớn để chăm sóc sức khỏe nạn nhân; riêng tiền trợ cấp mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách người có công với cách mạng; hơn 50% số gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí...

Theo Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VaVa), những năm gần đây công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam được các cấp chính quyền, ngành và cộng đồngquan tâm; song vẫn còn tình trạng tồn đọng chính sách cho người tham gia kháng chiến.

"Tuy vậy, nguồn lực để khắc phục hậu quả chất độc da cam còn hạn chế; hỗ trợ cho nạn nhân hàng tháng không lớn. Hoạt động tuyên truyền, đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và khắc phục hậu quả môi trường chưa thường xuyên", Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho biết.

Cùng với nguồn lực của Nhà nước, công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam cũng được xã hội, nhân dân quan tâm. Đánh giá về nguồn lực cũng như việc thực hiện chính sách cho nạn nhân da cam/dioxin, Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho biết, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, gắn phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” với các phong trào, các ngày kỷ niệm, ngày lễ, tết…

Tính từ năm 2013 đến năm 2018, VaVa đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng quỹ đạt gần 1.140 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề, thăm hỏi, tặng quà, nhằm cải thiện đời sống và sức khỏe của nhiều nạn nhân…

Vượt lên hoàn cảnh

Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhiều gương điển hình của nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vươn lên hoàn cảnh khó khăn.

Điển hình như ông Phạm Chí, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Kim Liên (quận Đống Đa). Ông Chí kể rằng: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông chiến đấu ở khu vực phía Tây dãy Trường Sơn. Khi đất nước thống nhất, ông trở về quê hương, lập gia đình và luôn mơ ước về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Tiếc thay, ước mơ giản dị của ông không thể vẹn tròn bởi bản thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sinh được một người con gái duy nhất cũng bị ảnh hưởng, đau ốm triền miên, trí tuệ không phát triển.

Nén nỗi đau vào lòng, ông Phạm Chí vừa chăm sóc con gái, vừa nhiệt tình tham gia công tác xã hội với tâm nguyện có thể giúp đỡ những nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Bên cạnh đó là nhiều nạn nhân da cam vượt lên số phận để làm chủ cuộc sống. Đó là ông Cao Xuân Oanh, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) với mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng; ông Trần Ngọc Khánh, xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) với mô hình buôn bán thức ăn chăn nuôi…

Còn nữ thương binh Trương Hồng Dân, 71 tuổi, thành phố Cần Thơ trong đợt ra thăm Hà Nội mới đây chia sẻ: "Tôi tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi (năm 1959) và tham gia nhiều trận đánh. Tôi bị thương nặng vào năm 1970".

Sau khi hòa bình lập lại, bà Dân trở về tham gia công tác ở địa phương, làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ. “Hết chiến tranh rồi, tôi cứ tưởng là trở về cuộc sống bình thường là qua hết những cơn đau, đời sẽ là những tháng hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Tôi lấy chồng, đón 2 con lần lượt ra đời nhưng các con đều bị di chứng chất độc hóa học. Mấy chục năm, tôi đã ẵm con đi chạy chữa với nỗi đau thể xác và tâm hồn. Tuy nhiên, nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền, cuộc sống của gia đình cũng dần vươn lên, ngang bằng với bà con lối xóm”, bà Dân tâm sự.

Nỗ lực vươn lên của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin trở thành những tấm gương điển hình, biết vượt lên số phận, giúp ích cho cộng đồng.

Để tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Va Va tiếp tục tổ chức nhắn tin ủng hộ các nạn nhân da cam kéo dài hai tháng, bắt đầu từ ngày 26/7 đến ngày 24/9. Từ năm 2011 đến nay, Trung ương Hội đều phối hợp tổ chức nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam với tổng số tiền thu được trong 8 năm là hơn 19,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền được ủng hộ sử dụng hỗ trợ nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, cấp thuốc, học nghề, tặng sổ tiết kiệm, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nạn nhân da cam/dioxxin.

XM/Báo Tin tức