05:11 05/05/2014

Góp phần thúc đẩy du lịch Tây Bắc phát triển

Vào lúc 8 giờ sáng 6/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc năm 2014 và gặp gỡ Ngoại giao Đoàn.

Vào lúc 8 giờ sáng 6/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc năm 2014 và gặp gỡ Ngoại giao Đoàn. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm góp phần nâng cao vị thế, phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc.

 

Sáng 5/5/2014,  giải đua xe đạp toàn quốc mở rộng "Về Điện Biên Phủ 2014 - Cúp Báo Quân đội nhân dân" thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước theo dõi trên đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  

Tham dự hội nghị dự kiến có hơn 200 đại biểu, đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố; các đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan hợp tác phát triển của một số nước, các tổ chức quốc tế; các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trong và ngoài nước.

  

Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, việc tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc năm 2014 và gặp gỡ Ngoại giao Đoàn khẳng định vai trò quan trọng của việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng Tây Bắc với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong phát triển du lịch. Đây cũng là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, Đoàn Ngoại giao, cơ quan quản lý hoạt động du lịch gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư, góp phần đưa vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững.

 

Điểm di tích tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn thu hút du khách mỗi khi lên Điện Biên đều đến đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

 

Hội nghị nhằm hỗ trợ các địa phương vùng Tây Bắc thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, việc trợ phát triển, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Cung cấp thông tin cụ thể về tình hình phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu phát triển của các địa phương vùng Tây Bắc cho các cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế (UNDP, World Bank, ADB, IMF, JICA…) tại Việt Nam; tạo diễn đàn cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp, Đoàn Ngoại giao, cơ quan quản lý hoạt động du lịch gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư phát triển vùng Tây Bắc.

 

 Cũng theo ông Trương Xuân Cừ, Tây Bắc là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rất rộng lớn và phong phú. Những năm gần đây, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc.

 

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

 

Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã tăng cường công tác đối ngoại, tích cực đẩy mạnh các mối liên hệ, trao đổi, tiếp xúc với Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam. Nhiều tỉnh đã chủ động mời, đón các đoàn Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Hà Nội lên thăm, làm việc, tìm hiểu địa phương. Các nỗ lực hợp tác quốc tế đã mang lại những nguồn lực phát triển quan trọng cho Tây Bắc. Nguồn vốn ODA cho khu vực Tây Bắc đến cuối năm 2013 đạt gần 2,6 tỷ USD; FDI đến tháng 3/2014 đạt trên 8,1 triệu USD; viện trợ phi chính phủ nước ngoài tăng đều từng năm trong hơn 10 năm qua, từ chưa đầy 10 triệu USD vào năm 2003 lên 50 triệu USD năm 2013… Các nguồn lực hợp tác này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng Tây Bắc.

  

Đối với vùng Tây Bắc, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia để phát triển du lịch, một số mô hình liên kết đã cho kết quả bước đầu. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương như: Mô hình liên kết giữa ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình du lịch về cội nguồn. Mô hình liên kết giữa sáu tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn) và tám tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) cũng đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án cung đường Tây Bắc, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch.

 

 

Bài và ảnh: Viết Tôn