09:08 05/09/2013

Góp phần nâng cao đời sống đồng bào Tây Bắc

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư và phát triển vùng đồng bào dân tộc khó khăn, trong đó có các tỉnh Tây Bắc. Để nâng cao nhận thức, hiểu biết và đời sống của nhân dân, chương trình “đưa thông tin về cơ sở” là một nhiệm vụ quan trọng.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư và phát triển vùng đồng bào dân tộc khó khăn, trong đó có các tỉnh Tây Bắc. Để nâng cao nhận thức, hiểu biết và đời sống của nhân dân, chương trình “đưa thông tin về cơ sở” là một nhiệm vụ quan trọng.


Khun Há là xã khó khăn của huyện Tam Đường (Lai Châu), nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Mông chiếm 96% dân số. Còn nhớ tháng 4/2011, do nghe lời kẻ xấu xúi giục, Khun Há có tới 10 hộ với 85 khẩu di cư ồ ạt sang huyện Mường Nhé (Điện Biên). Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, cả xã có hơn 10 phụ nữ bỏ nhà qua bên kia biên giới lấy chồng, trong đó đã có 2 người bỏ trốn trở về nhà.


Các ban ngành, đoàn thể tỉnh triển khai buổi tuyên truyền cho bà con dân tộc Mông không nghe theo lời kẻ xấu di cư ở xã Hố Mít (huyện Tân Uyên) .


Theo ông Chang A Dua, một người dân ở Khun Há thì năm 2011, vì thiếu hiểu biết nên gia đình ông đã nghe theo lời người ta rủ rê, chuẩn bị ba xe máy đưa cả gia đình bỏ nhà đi lúc 10 giờ đêm. Đến nơi, người ta cho ở chen chúc trong một nhà của dân, bữa ăn bữa nhịn, thiếu thốn đủ bề. Khi ấy, gia đình mới biết mình bị lừa, muốn quay về cũng khó, đành phó mặc đến đâu thì đến. Được sự quan tâm của chính quyền, nên gia đình ông Dua đã trở về được quê nhà và ổn định đời sống… Ông Đào Xuân Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Khun Há cho biết: “Do trình độ của bà con còn thấp nên dễ bị kẻ xấu lừa gạt, tuyên truyền, bỏ nhà đi. Giờ các gia đình đã về và rút ra bài học cho bản thân không nghe, không làm theo lời kẻ xấu…”.


Văn hóa về, sáng bản làng…


Để nâng cao trình độ nhận thức, đời sống văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số, các sở ban ngành, đoàn thể tỉnh Lai Châu đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đưa văn hóa về cơ sở. Được tiếp cận với thông tin, văn hóa mới, người dân sẽ nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mở mang hiểu biết để tránh xa những thói hư, tật xấu, những hủ tục lạc hậu, không nghe theo lời kẻ xấu, chăm lo xây dựng gia đình, bản làng.

Bà con đã chủ động cập nhật thông tin, văn hóa, phương pháp trồng trọt… thường xuyên qua các ấn phẩm báo chí tại các điểm văn hóa xã.


Việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc và phát triển vùng Tây Bắc như: Chương trình 30a, chương trình 135 và nhiều chương trình khác đã mang lại hiệu quả bước đầu. Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu đã phối hợp với UBND các huyện, thị trong tỉnh và các ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ về cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015. Tổng số đầu báo, tạp chí được cấp phát 6 tháng đầu năm 2013 là 1.106.306 tờ, cuốn. Việc đưa báo chí về với đồng bào đã góp phần giúp nhân dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nâng cao trình độ dân trí, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống gia đình...

Các em học sinh bán trú xã Ta Gia (Than Uyên) buổi tối được xem ti vi tiếp cận với văn hóa bên ngoài.


Tỉnh Lai Châu cũng chủ động triển khai đưa văn hóa về cơ sở để tuyên truyền và nâng cao sự hiểu biết cho người dân vùng khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm chiếu bóng của tỉnh đã đi phục vụ được 478 điểm và 756 buổi chiếu thu hút hàng vạn người xem. Đoàn nghệ thuật và Trung tâm Văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đã đi phục vụ bà con gần 100 buổi, thu hút hàng nghìn lượt người. Các xe tuyên truyền lưu động cũng được triển khai rộng rãi về cơ sở giúp bà con nắm được các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của nhà nước. Tại các đồn biên phòng, các chiến sĩ quân hàm xanh thường xuyên bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc để tuyên truyền cái hay cho bà con, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, cầm tay chỉ việc dạy bà con làm kinh tế. Đặc biệt, 10 đồn biên phòng đã có loa phát thanh nói tiếng dân tộc để tuyên truyền thường xuyên chủ trương, chính sách và nêu gương người tốt việc tốt, đề phòng với kẻ xấu âm mưu xuyên tạc nói xấu cách mạng rất có hiệu quả. Tháng 7/2013 Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và Sở Thông tin – Truyền thông cũng ký kết phối hợp tuyên truyền thông tin đối ngoại trên biên giới.


Xây bản làng giàu đẹp


Nhờ có các chương trình, đề án và chính sách đưa thông tin về cơ sở nên đời sống đồng bào vùng cao, vùng dân tộc và miền núi dần được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ thoát nghèo đã nâng lên. Học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường ngày một nhiều, trường lớp được mở rộng và xây dựng khang trang. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn giảm dần… Nhiều gia đình đã sắm sửa được tiện nghi đắt tiền như ti vi, xe máy… góp phần xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.


Bà Sùng Thị Súa, dân tộc Mông, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Khun Há cho biết: Trong những năm gần đây đời sống của người dân ở Khun Há đã được nâng lên rất nhiều, số hộ nghèo đói đã giảm, những hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ dần. Bản thân mình là cán bộ phụ nữ, thường xuyên gần gũi chị em để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giúp mọi người làm kinh tế. Nhờ tiếp cận và đọc sách báo, xem truyền hình, nghe cán bộ cấp trên nói chuyện, mình có nhiều kiến thức để tuyên truyền, vận động chị em xây dựng gia đình, xây dựng bản làng vươn lên xóa đi cảnh đói nghèo…

Bài và ảnh:Việt Hoàng