05:05 31/05/2018

Gợn nhớ chuyến đi Mỹ của Phó nguyên soái Triều Tiên trước thềm hội nghị Mỹ-Triều

Chuyến đi của Tướng tình báo Kim Yong-chol tới Mỹ có thể đem lại kết quả lạc quan, song lịch sử đã cho thấy kế hoạch tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vẫn có thể đổ bể vào phút chót.

24/10/2000 Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, trái, bắt tay với Phó Nguyên soái Jo Myong Rok tại Nhà khách Quốc phòng Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Với lời xác nhận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim Yong-chol - Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên – sẽ là vị quan chức Triều Tiên cấp cao nhất tới Mỹ sau 18 năm.

Hãng tin AP trích nguồn quan chức Mỹ thạo tin cho biết ông Kim Yong-chol bay tới New York vào ngày 30/5 và dự kiến gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31/5. Trước đó một ngày, hãng tin AP cũng quay được hình ảnh ông Kim xuất hiện tại sân bay ở Bắc Kinh, làm dấy lên tin đồn ông sẽ đáp chuyến bay tới Mỹ để chốt kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận việc ông Kim Yong-chol lên đường sang Mỹ.

"Trùm tình báo" Kim Yong-chol trong năm qua đã tham gia rất nhiều hoạt động ngoại giao của Triều Tiên liên quan tới việc đàm phán vấn đề hạt nhân. Ông là một trong số ít quan chức xuất hiện cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham gia các cuộc họp thượng đỉnh gần đây, hai lần với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hai lần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến đi của Tướng Kim Yong-chol tới Mỹ có thể đem lại kết quả lạc quan, song lịch sử đã cho thấy kế hoạch tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vẫn có thể đổ bể vào phút chót.

Tháng 10/2000, cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã cử Phó Nguyên soái Jo Myong Rok - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên – tới Washington để làm nhiệm vụ bày tỏ thiện chí. Phó Nguyên soái Jo, qua đời năm 2010, vẫn là vị quan chức Triều Tiên cấp cao nhất tới Mỹ kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chấm dứt.

Chuyến đi của ông Jo được tiến hành trong bối cảnh hai nước tìm kiếm một mối quan hệ thân thiết hơn sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức vào tháng 6/2000.

Trong chuyến thăm Washington, ông Jo đã gặp cựu Tổng thống Bill Clinton và chuyển bức thư của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Ông Jo cũng có thời gian gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Madeleine Albright và Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen.

Phó Nguyên soái Jo cho rằng mối quan hệ được cải thiện “sẽ có lợi cho cả hai quốc gia và vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng cũng như khu vực Đông Bắc Á nói chung”.

Ba tuần sau, Ngoại trưởng Albright thực hiện chuyến đi lịch sử tới Bình Nhưỡng để tìm cách dàn xếp một chuyến thăm Triều Tiên dành cho Tổng thống Clinton. Một số nhà chỉ trích tại Mỹ khi đó hoài nghi Tổng thống Clinton đang tìm cách có một dấu ấn ngoại giao trong những tháng cuối tại nhiệm.

Trong khoảng thời gian Ngoại trưởng Albright ở Bình Nhưỡng, Chủ tịch Kim Jong-il đã đưa bà tới một buổi triển lãm, trong đó có bức tranh ghép khổng lồ thể hiện một quả tên lửa đang phóng lên trời.

“Đây sẽ là quả tên lửa cuối cùng của chúng tôi”, Chủ tịch Kim Jong-il nói với Ngoại trưởng Albright lúc đó.

Tuy nhiên, mối quan hệ dần ấm lên giữa hai quốc gia lại bị “dội nước lạnh” sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức vào tháng 1/2001 và thể hiện quan điểm cứng rắn với Triều Tiên.

Sự đối đầu hạt nhân thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào năm 2002, khi chính quyền Tổng thống Bush cáo buộc Triều Tiên bí mật thực hiện một chương trình làm giàu urani vi phạm thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân năm 1994.

Cuối cùng, đến năm 2009, ông Clinton khi đó chỉ còn là cựu Tổng thống cũng đã tới được Triều Tiên để đàm phán, giải cứu hai phóng viên Mỹ bị bắt giữ tại đây.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức