02:07 06/02/2015

Góc tối của Thung lũng Silicon

Vòng xoáy phát triển và biến đổi mạnh mẽ từ công nghệ tại Thung lũng Silicon, bang California đã hình thành một trong những khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn nhất nước Mỹ trong khoảng thời gian qua.

Vòng xoáy phát triển và biến đổi mạnh mẽ từ công nghệ tại Thung lũng Silicon, bang California đã hình thành một trong những khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lớn nhất nước Mỹ trong khoảng thời gian qua.

Ông Jimmy (47 tuổi) trao 2 USD tiền lẻ cho tài xế xe buýt và lặng lẽ đến ghế ngồi ở góc khuất, nơi ông sẽ ngả lưng trong cả đêm dài. Tháo bỏ chiếc giày da, Jimmy thẫn thờ tựa đầu vào cửa kính mờ đục.

Một người vô gia cư trên tuyến xe buýt số 22.


Jimmy đã theo lộ trình này được 3 năm, kể từ thời điểm thất nghiệp mặc dù trước đó ông đảm nhận một vị trí lãnh đạo tại “gã khổng lồ công nghệ” Microsoft. Jimmy sẽ ở trên chiếc xe trong suốt chặng đường dài 56km giữa San Jose và Palo Alto, California từ giữa đêm cho đến bình minh.

Xe buýt số 22 được người vô gia cư gọi với cái tên mỹ miều “khách sạn 22”, là tuyến xe duy nhất chạy 24/24 giờ tại Thung lũng Silicon và đã trở thành một “địa điểm cư trú” không chính thức của người vô gia cư. Đây thực sự là ví dụ điển hình cho thấy khoảng cách giữa những người có tiền và rỗng túi tại thung lũng công nghệ danh tiếng này.

Theo thống kê năm 2013 của Bộ Gia cư và Phát triển đô thị Hoa Kỳ, hạt Santa Clara, nơi Thung lũng Silicon tọa lạc, có tỉ lệ người vô gia cư lớn nhất nước Mỹ với 19.063 người. Tuy nhiên đây cũng là nơi có thu nhập trung bình hộ gia đình cao nhất đồng thời cũng là một trong những khu vực có giá nhà đắt đỏ nhất đất nước Cờ hoa.

Toàn cảnh thung lũng Silicon.


Trong những năm gần đây, giá thuê nhà tại Thung lũng Silicon đã tăng lên mức chóng mặt, ở một vài trường hợp tăng 300% so với bình quân quốc gia, việc này bắt nguồn từ thu nhập cao ngất ngưởng của những nhân viên công nghệ làm việc tại đây.

Tuyến xe số 22 đi qua công ty cũ của Jimmy là Microsoft cũng như trụ sở của các ông lớn ngành công nghệ khác như eBay, Google, Facebook và Apple. Khi một chiếc xe buýt của Google chuyên chở các nhân viên của công ty này lướt qua, Jimmy liền nói: “Điều những nhân viên công nghệ ở đây không biết là chúng tôi không khác họ là mấy. Họ chỉ cách chúng tôi một bước sảy chân, một hóa đơn trả lương”.

Jimmy, người đã chuyển từ Chicago đến California vào đầu những năm 1990 đã gửi đi hàng chục đơn xin việc nhưng ông hiếm khi nhận được phản hồi.

Phần lớn những người vô gia cư ở Thung lũng Silicon đều sống lay lắt tại khu vực được biết đến với cái tên là “Rừng”, nơi cư ngụ thường xuyên của khoảng 350 người vô gia cư... Trong khu vực rộng hàng km chỉ cách Google, Facebook một đoạn đường ngắn này là hàng trăm lều và nhà cây mọc lên ngổn ngang.

Nơi ở của một người vô gia cư ở trong "Rừng".


Cảnh sát San Jose bắt đầu chiến dịch dọn "Rừng". Ảnh: AP


Từ tháng 12/2014, cảnh sát và nhân viên xã hội đã bắt đầu thực hiện chiến dịch dọn “Rừng”. Chính quyền San Jose chi hơn 4 triệu USD trong hơn 1 năm rưỡi để giải quyết vấn đề này và chuẩn bị nơi cư ngụ cho 135 người vô gia cư.

Chris Richardson, giám đốc của tổ chức dành cho người vô gia cư Downtown Streets ở San Jose nhận xét: “Các tỉ phú công nghệ đã quyên góp hàng triệu USD cho những việc thiện nguyện nhưng gần như chẳng có đồng nào đến được tới cộng đồng người vô gia cư ở Thung lũng Silicon. Tuy đây hoàn toàn không phải là lỗi của họ nhưng phần nào họ cũng chịu trách nhiệm trong vấn đề vô gia cư. Điều quan trọng là họ có quyền lực cũng như khả năng để thay đổi điều đó”.



Hà Linh (Theo Telegraph)