05:21 30/05/2012

Gốc phượng già

Khi sắp kết thúc chiến tranh cũng là lúc Thăng bị thương nặng.... Lúc anh về ngang khu vực cũ thì mọi việc đã thay đổi. Anh hỏi thì chẳng ai biết Hoài Mai là ai. Anh đành tìm đến gốc phượng già, nhét cẩn thận vào đó một phong thư...

Trước mặt nhau, chẳng ai nói với ai được đến nửa lời. Họ nhìn sững trong giây lát, thảng thốt im lặng, cái im lặng hàm ý trách móc. Hai người vụt nhớ về tuổi xuân bên nhau đã vuột mất tự lúc nào. Mấy mươi năm rồi còn gì? Chị ở lại với đứa con gái và cứ vậy đợi anh. Còn anh thì bặt vô âm tín để đến bây giờ xuất hiện trong bộ vécton thẳng tắp này đây, với đôi giày nhẵn bóng, lại thêm khuôn mặt hồng hào đầy đặn của hạng người có đời sống sung túc, thuộc tầng lớp thượng lưu. Có đâu như chị, từ bấy đến nay... Ôi, biết thế thì chẳng héo hon mong ngóng làm gì?

Minh họa: Trần Thắng


Cuối cùng thì một trong hai người lên tiếng trước. Nhưng người đó lại là chị:


- Kìa con, mời giám đốc vào nhà đi chứ!


Lệ Tín, con gái chị, chẳng hiểu chuyện gì, rối rít mời khách, vị khách mà ở công ty xuất nhập khẩu ai cũng phải nể, nơi mà cô vừa mới vào làm được vài tuần nay.


Người khách lại một phen bối rối:


- Ơ, chị... có phải là...


- Không, không, có lẽ ông nhầm - giọng chị như sắp khóc.


Nếu chị nói “phải” thì ông chả tin, nhưng sự phủ nhận ngay lập tức cùng với thái độ bối rối kìm nén của chủ nhà đã làm tăng quyết tâm của khách. Ông phải tìm hiểu cho “ra nhẽ”:


- Đừng, Hoài Mai...


- Trời, anh còn nhớ tên tôi nữa sao? - Bất ngờ chị òa khóc.


Cô con gái đã láng máng hiểu ra mọi chuyện với độ nhạy cảm của một cô gái thông minh. Cô vội lỉnh ngay xuống bếp, mắt đã cay cay, sống mũi ửng đỏ, hăng hăng.


Cánh rừng năm ấy chỉ có Thăng và anh Kim nằm lại trông coi đàn gia súc. Đơn vị nuôi bò được khoảng vài ba chục con. Công việc hàng ngày là thả bò đi ăn, tối tối dồn về không có địch phát hiện. Cỏ ở đây xanh bạt ngàn, chỉ có cái ăn cho người thì rất hiếm. Khu rừng này không phải nơi chú ý của địch, vì vậy máy bay ít khi qua đây. Ngày ngày chỉ có tiếng rìu chặt cây của đồng bào dân tộc, tiếng suối róc rách chảy. Vẻ ngoài khu rừng trông rất tĩnh lặng thâm u. Đâu ai hiểu rằng tâm hồn Thăng chẳng tĩnh lặng chút nào, chỉ có anh Kim bên cạnh là hiểu rõ nhất.


“Mẹ ơi, con nhớ mẹ


Nhớ dòng sông con đò miền Bắc. Biết bao giờ thống nhất mẹ ơi!”.


Dòng nhật ký ngắn ngủi đó lọt vào mắt anh Kim, anh hỏi:


- Có nhớ người yêu không?


- Dạ, có đâu mà nhớ!


Anh Kim cười:


- Để tao làm mai em gái tao cho, mày chịu không?


- Chịu liền. Ủa, mà em gái anh thế nào chứ?


- Xinh lắm. Nó đang đi học, cả làng chỉ mình nó học tới tú tài thôi.


- Còn em thì đang học dở đại học...


- Cũng tại số cả thôi!


- Số gì mà số, em chả tin! Anh bảo số là số thế nào?


- Thì nước nhà lận đận, mình cũng phải khổ. Đến khi ca khúc khải hoàn thì mình sướng. Mày có học mà kém.


- Ôi! Ông anh yêu quí của em, thằng em đã thuộc lòng điều ấy từ khi còn để chỏm rồi! Nhưng...


- Nhưng sao?


- Nhưng đến khi ấy liệu em có còn không, anh có còn không? Mà nếu còn thì tuổi trẻ của em cũng đã qua rồi.


- Mày muốn đào ngũ phải không?


- Dạ không, em chỉ nói thế thôi.


Tết Nguyên đán đã gần kề. Cái Tết năm Dần phấp phỏng. Khắp nơi người ta rậm rịch vào tết. Nhưng không biết cái Tết ở rừng sẽ được đón như thế nào. Anh Kim lo lắng hỏi:


- Mày biết cây phượng ngoài bìa núi không?


- Biết chứ.


- Bây giờ mày ra đó, hàng năm gia đình tao đều đem quà Tết giấu ở đấy, cỏ tranh um tùm, bọc quà được giấu vào hốc đá, tao cứ ra nậy đá lên là mang được về. Năm nay mày đi cho tao một chuyến, nhớ mang theo cây A.K.


- Được rồi, em sẽ đi.


Thăng dò dẫm từng bước ra bìa rừng, loanh quanh mất hơn một giờ. Trời tối đặc. Chỉ sợ hổ phục thì toi đời. Mới đây một con bò bị mất vì hổ, khi phát hiện chỉ còn lại cặp sừng! Càng ra gần bìa rừng trời càng sáng ra chút đỉnh. Cây phượng đây rồi. Cây không cao nhưng gốc to lắm, hai vòng tay người ôm chứ không ít. Anh dè dặt nhìn khắp xung quanh. Chẳng có ai cả. Anh rón rén từng bước. Trời đầy sao, nhấp nháy.


Khi ì ạch nậy được tảng đá lên thì bỗng nghe sột soạt phía sau, bất ngờ Thăng chộp lấy súng lăn một vòng sang bên, nòng chĩa lên trời. Ồ, một người con gái! Mái tóc dài phủ xuống vai kia mà! Đã định thần lại được, Thăng quát khẽ:


- Ai?


Cô gái như hụt hẫng, kêu lên:


- Ôi, anh Kim đâu rồi!


Và cô bước lùi lại định chạy. Thăng đứng dậy sấn tới, nói gấp:


- Không sao đâu. Tôi được anh Kim phân công đến đây, cô là gì với anh ấy?


- Anh là ai?


- Tôi là bộ đội cùng ăn cùng ở với anh ấy. Cô không tin sao?


- Vậy tên anh là gì?


- Là Thăng, cô ạ. Thế còn cô?


- Tên Mai, Hoài Mai.


Vóc dáng cô gái in vào nền đêm những đường nét nổi bật. Tuy không nhìn rõ mặt lắm, nhưng dù người nào có tính đa nghi đến đâu cũng phải tin rằng đây là một cô gái đẹp, mang nét duyên dáng của một nữ sinh. Cô hỏi:


- Anh thấy gói quà chưa?


- Chưa thấy gì cả. Đang dò tìm thì nghe tiếng động của em đến.


- Anh có bực không?


- Sao lại hỏi anh câu ấy? Đón Tết gặp Mai thì vui quá còn gì, mà lại còn Hoài Mai nữa kia đấy! - Anh nói rất khẽ.


- Ở đây tương đối an toàn, nhưng anh cũng nên cẩn thận, lo rút đi thì vừa. Gói quà em bỏ vào đấy từ xẩm tối. Chúc anh ăn tết vui vẻ và em gửi lời chúc sức khỏe anh Kim. Tạm biệt.


Thăng chưa kịp nói gì thì Hoài Mai đã biến vào bóng đêm, mất hút. Anh loay hoay một lúc cũng đưa được gói quà nặng hơn mười ký về khu trại. Anh Kim vui vẻ hỏi:


- Có gặp địch không?


- Không gặp địch, mà gặp... Hoài Mai!


- Ồ, em gái của mình đấy. Đâu, đưa mình xem thử nó gửi món gì.


Chiếc túi được xổ ra. Mấy cặp bánh chưng, vài gói mứt, lại có cả một bình đông rượu nữa! Để chuyển được bấy nhiêu thứ đến nơi an toàn, chắc hẳn Hoài Mai vất vả và hồi hộp lắm. Thăng cảm động thật sự. Anh vội ghi thêm vào quyển nhật ký mấy dòng:


“Mẹ ơi, nhớ miền Bắc quê nhà nhưng ăn Tết miền Nam cũng khá ấm cúng mẹ ạ. Không biết mình có còn gặp lại Hoài Mai nữa không?”.


Bỗng nhiên Thăng quả quyết:


- Anh Kim, tết này phải gặp Mai mới được.


- Bằng cách nào?


- Bằng thư.


- Tưởng gì chứ bằng thư thì dễ thôi. Mày cứ nhét vào bọng cây phượng sẽ có lúc nó nhận được.


Thế là cây phượng lại trở thành hộp thư quan trọng, giúp hai người tìm hiểu nhau một thời gian dài. Bỗng một hôm cũng tại gốc phượng, Thăng nói với giọng khác thường khi gặp lại Mai:


- Anh chuyển rồi. Chỉ vài hôm nữa là đi, anh sợ rồi không gặp em nữa.


- Anh không muốn gặp à?


- Sao em lại hỏi vậy? Anh sợ là không biết sống chết lúc nào. Anh, anh thực sự yêu em. Ở miền Nam, cuộc chiến đấu trước kia là vì xứ sở, bây giờ còn là vì em...
- Em mong đến ngày sum họp.


- Ôi, đến ngày đó thì còn gì bằng. Nhưng anh chỉ sợ có ngày chiến thắng mà không có ngày sum họp. Gia đình chỉ có mỗi mình anh là trai, nếu có bề gì thì không ai hương hỏa ông bà, cụ kỵ. Em thực lòng yêu anh không?


- Sao lại không, anh nhỉ? Em đã nói với anh bao lần còn gì. Với em, anh là tất cả.


Vòng tay bổi hổi của hai người lại siết chặt nhau, vội vã.


Niềm tin là như thế, hứa hẹn là như thế, mà sao khi chiến thắng rồi vẫn chẳng gặp Thăng ở đâu cả. Anh Kim đã hy sinh ngay trên đường công tác, còn biết ai nắm được tin tức mà hỏi thăm. Một ý nghĩ u ám trong đầu Mai: Anh Thăng ơi, hay là anh đã chết rồi? Con chúng mình đây, con Lệ Tín cứ bi bô đợi ba về đây, anh có biết không?
Suốt ba năm chờ đợi. Chị vẫn thường xuyên hồi hộp chờ đón một phong thư có đầy đủ tin tức của anh. Hay nếu may mắn hơn thì anh hiện ra ào ngay đến với chị, hai người cứ nhìn nhau mừng mừng tủi tủi...


Nhưng đó chỉ là những tưởng tượng của sự nhớ mong. Anh vẫn không quay về. Chị đinh ninh rằng anh đã chết. Chị lập bàn thờ cúng anh và hình ảnh cây phượng già cũng không còn là nơi mong đợi anh về nữa. Thời gian lâu quá còn gì!


Chuyện tưởng lùi vào dĩ vãng. Vậy mà hôm nay nó lại theo anh về đây với một tư thế khác. Anh bệ vệ, sang trọng như ông hoàng, còn chị lại héo hon thế này đây. Con Tín từ Sài Gòn gửi thư ra báo sẽ đi cùng với ông sếp của nó nhân chuyến ổng muốn thăm lại người quen. Và thế là nó về đây với người ấy, người mà bao nhiêu năm chị tưởng không còn nữa.

Câu chuyện giữa chị và người ấy, chị đã kể rõ cho Lệ Tín nghe rồi. Nhưng chắc nó chưa bao giờ nghĩ ông giám đốc của một công ty lớn ở thành phố lại là cha nó!


- Hoài Mai! Em hãy bình tĩnh lại...


Giọng người ấy dịu dàng với đôi mắt van lơn làm cho chị càng khó lòng kìm nén xúc động, chị nói:


- Thời gian đối với anh chẳng nghĩa lý gì, chứ với tôi nó dài lắm!


- Bao giờ anh cũng nghĩ đến em. Đừng trách móc nữa. Em có biết đâu...


*
* *


Khi sắp kết thúc chiến tranh cũng là lúc Thăng bị thương nặng. Những mảnh đạn găm vào làm nhức nhối cơ thể, anh phải điều trị ở quân y viện mãi đến hơn ba năm mới lành hẳn. Lúc anh về ngang khu vực cũ thì mọi việc đã thay đổi. Anh hỏi thì chẳng ai biết Hoài Mai là ai. Anh đành tìm đến gốc phượng già, nhét cẩn thận vào đó một phong thư với bốn chỉ vàng anh dành dụm được, trong đó anh ghi rõ địa chỉ của mình để liên lạc. Thế mà mười mấy năm trôi qua không có tin tức gì, anh lại đinh ninh rằng chị đã đi lấy chồng nên không còn lui tới gốc phượng ngày xưa nữa. Thế là anh lao đầu vào học tiếp đại học và gây dựng gia đình. Làm giám đốc một công ty lớn ở thành phố, anh bỗng nhận ra Lệ Tín, cô bé tròn hai mươi tuổi sao giống Mai ngày xưa quá. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, anh quyết định cùng Lệ Tín trở lại vùng quê xưa, nhưng không cho biết ý định của mình.


Chị hỏi:


- Vậy anh có quả quyết là bức thư còn ở gốc phượng không?


- Nếu không ai đốn cây phượng thì vẫn còn. Anh tin chắc như vậy.


- Chúng ta hãy đến đó, cả con Tín cùng đi.


Mắt chị sáng lên một tia chớp. Cả ba người bắt đầu cuộc hành trình.


Cỏ tranh vẫn um tùm xung quanh gốc phượng. Mùa này nắng đã làm cỏ cháy xém đọt lá. Chị và Lệ Tín đứng nhìn anh tìm kiếm. Thấy chẳng có dấu hiệu gì, vậy nhưng anh đã quen thuộc từ hai mươi năm trước nên nhận ra ngay vị trí của lá thư. Anh cậy cục một lúc vào bọng cây, lớp vỏ bên ngoài đã bọc kín cả lại khá dày, mất một lúc lâu anh mới đột ngột reo lên:


- Đây rồi!


Đó là một vỏ đạn đại liên. Anh cạy chiếc nút bằng cây ra, từ từ rút trong đó ra một mảnh giấy đã ố vàng bằng tờ giấy vở học trò. Bốn chỉ vàng vẫn còn nguyên: Một chiếc nhẫn và một sợi dây chuyền, những vật mà anh mong sẽ có dịp được tận tay đính vào cho chị, mặt dây chuyền và vòng nhẫn đều có khắc hai chữ tắt: H.M.

Không kìm được lòng, chị thổn thức:


- Ba con đó, người mà mẹ đã từng kể cho con nghe bao nhiêu năm trước.


- Ba con thật sao? - Cô gái thốt lên.


- Đúng rồi, ba đã gặp con rồi - Anh nghẹn ngào xúc động - Con hãy đọc lá thư của ba cho mẹ nghe đi.


Nét chữ trong thư đã ngả màu mực. Từ màu xanh, có nét đã chuyển sang màu vàng hoe, Lệ Tín lẩm nhẩm đọc:


“Hoài Mai, em!


Ngày chiến tranh kết thúc mà tìm không gặp em, anh buồn biết chừng nào! Anh còn mẹ già ở ngoài Bắc cũng chưa biết tin tức ra sao, anh rất nóng lòng. Anh gửi lại đây một bức thư, một chiếc nhẫn và một sợi dây chuyền. Anh tin có ngày em sẽ tìm lại đây và gặp những vật này, hãy gửi thư gấp cho anh theo địa chỉ ... và cho biết em hiện đang làm gì, ở đâu để anh đi tìm. Nếu chúng mình đã có con, em nhớ giao cho con những kỷ vật này rồi có ngày gặp lại. Anh rất nóng lòng chờ tin tức của em”.


Bao nhiêu năm! Vậy mà dấu ấn của tình yêu ngày ấy vẫn còn sâu đậm biết bao.


Gốc phượng vẫn còn đó, cành lá vẫn xanh dưới nắng vàng, duy chỉ có những vết đạn của địch và “hộp thư” của hai người vẫn còn, như dấu tích của một thời gian khó và ác liệt.

Huỳnh Văn Quốc