Khởi công từ tháng 4/2024, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2026, sau khoảng 5 tháng triển khai, các nhà thầu, đơn vị thi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đang huy động tối đa thiết bị máy móc, nhân lực, tập trung thi công các đoạn tuyến có mặt bằng, đảm bảo mục tiêu đề ra. Song, việc vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng (GPMB) ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của các nhà thầu.
Video Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng:
Dự án xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là công trình trọng điểm Quốc gia, dài 59,87 km, có diện tích đất thu hồi hơn 536 ha đi qua các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).
Cao tốc được xây dựng theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, điểm đầu dự án tại Quốc lộ (QL)1 kết nối đường vào cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối kết nối cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng.
Giai đoạn I, cao tốc được đầu tư 4 làn xe, nền đường 17 m; giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được nâng lên 6 làn xe, rộng 32 m. Dự án do liên danh nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) – Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568 - Cổ phần Lizen thực hiện. Đây là những nhà đầu tư từng "giải cứu" cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm qua.
Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, những ngày trung tuần tháng 10/2024, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường thi công cao tốc, ghi nhận các nhà thầu, đơn vị thi công và hàng trăm kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động dự án, trải dài trên toàn tuyến tại những vị trí đã được bàn giao mặt bằng sạch, tập trung thi công, đảm bảo tiến độ theo mục tiêu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Lạng Sơn đề ra.
Theo đại diện nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả, cao tốc gồm 4 gói thầu EC01, EC02, EC03, EC04, hiện nay, các đơn vị thi công đang huy động gần 200 đầu máy móc thiết bị chuyên dụng, với 15 mũi thi công các hạng mục: Dọn dẹp mặt bằng; đào đắp, lu lèn, san nền đường; thi công kết cấu bê tông, đúc dầm; thảm cấp phối; gia công thép cống hộp, trụ cầu cạn... với tinh thần 3 ca 4 kíp/ngày đêm, có mặt bằng đến đâu, thi công cuốn chiếu đến đó, đảm bảo trước mùa mưa năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản nền đường cao tốc.
Tuy nhiên, đại diện các nhà thầu đều phản ánh, việc vừa thi công vừa GPMB, máy móc thiết bị và nhân lực chờ việc để triển khai đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc điều hành thi công gói thầu của nhà thầu Lizen chia sẻ, tới thời điểm này, nhà thầu đang huy động 40 đầu máy móc thiết bị, hơn 70 cán bộ công nhân viên trên công trường tập trung thi công các hạng mục xây lắp. Khó khăn nhất hiện nay của nhà thầu là công tác GPMB, mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, những công tác bàn giao chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công của nhà thầu. Hy vọng, công tác GPMB thời gian tới được địa phương đẩy nhanh hơn nữa, để nhà thầu hoàn thành kế hoạch thi công trước mùa mưa năm 2025.
Qua tìm hiểu, sau gần 6 tháng triển khai, đến đầu tháng 10/2024, dự án mới được địa phương bàn giao mặt bằng 30,55/59,87 km (tương đương 239,49/557,82 ha, đạt gần 43%, nhưng mặt bằng nhiều vị trí còn tình trạng xôi đỗ, đáng chú ý là hàng trăm hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện 110Kv, 35Kv, đường dây viễn thông, diện tích đất nông nghiệp, mộ phần, nhà dân... trong khu vực dự án nằm trên chính tuyến vẫn “án binh bất động”, cộng với công tác đền bù tái định cư tại các địa phương chậm, gây khó khăn cho công tác thi công.
Trước thực tế trên, theo kế hoạch của UBND các huyện, thành phố có dự án đi qua, trong quý IV/2024, các địa phương dự kiến sẽ hoàn thành công tác kiểm đếm, trích đo đất đai, thực hiện xong công tác xây dựng giá đất để lập phương án bồi thường cho các hộ dân, phấn đấu bàn giao mặt bằng sạch khoảng 81% tổng chiều dài tuyến cao tốc cho doanh nghiệp dự án xây lắp.
Theo ông Lương Văn Hiệp, Tổng Giám đốc CTCP Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan để xác định các vị trí thuận lợi trong trong GPMB, làm cơ sở để ưu tiên thi công các phân đoạn đã có mặt bằng sạch. Doanh nghiệp dự án kiến nghị UBND các huyện, thành phố xác lập kế hoạch chi tiết bàn giao mặt bằng phù hợp kế hoạch đề xuất của doanh nghiệp, để đôn đốc, kiểm đếm, thúc đẩy tiến độ GPMB, có giải pháp phê duyệt, tạm duyệt phương án bồi thường GPMB để giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí. Theo kế hoạch, cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng phải hoàn thành tuyến chính vào cuối năm 2025 và hoàn thành dự án trong năm 2026, nhưng nếu không có sự cải thiện mạnh mẽ về công tác GPMB, khả năng hoàn thành các mốc tiến độ đề ra khó đảm bảo.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của "cao tốc cụt" Bắc Giang - Chi Lăng. Đây cũng là dự án cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, kết nối 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng với Hà Nội, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương.
Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn), hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị, tuyến đường phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Nam -Trung Quốc và phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh Đông Bắc, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, tăng thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Để thực hiện mục tiêu năm 2025 thông tuyến cao tốc Bắc Nam, thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành với Lạng Sơn, Cao Bằng, tháo gỡ vướng mắc của dự án theo thẩm quyền, không đùn đẩy né tránh làm kéo dài thời gian thi công. Các địa phương cũng cần phát huy tính tự lực để cao tốc đảm bảo cao tốc cán đích đúng tiến độ.