12:03 06/12/2018

Gỗ nhập lậu- mối nguy 'khó lường' với uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam (bài 1)

Nếu không bảo đảm được tất cả nguyên liệu sản xuất đều là gỗ hợp pháp, thì ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta sẽ vi phạm Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vừa được ký kết giữa Việt Nam và EU.​​​​​​​ 

Bài 1: Mối lo lớn từ khâu "đầu vào"

Thận trọng với gỗ nhập khẩu

Theo nội dung Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) mà Việt Nam và EU vừa ký kết, thì Chính phủ phải đảm bảo toàn bộ các sản phẩm gỗ xuất khẩu, cũng như tiêu thụ tại thị trường trong nước, được làm từ gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp.  

Cùng với đó, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ tháng 1/1/2019 cũng quy định: Để đảm bảo tính hợp pháp trong các sản phẩm gỗ, Chính phủ nghiêm cấm việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu được khai thác bất hợp pháp vào Việt Nam.

Do vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sẽ phải rất thận trọng khi sử dụng nguyên liệu ngoại nhập, không được sử dụng gỗ không có “lý lịch” rõ ràng.

Chú thích ảnh
Số liệu gỗ nhập khẩu từ Campuchia theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Ảnh: H.V

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Việt Nam đang nhập gỗ nguyên liệu từ hai nguồn: Nhập khẩu từ 23 nước châu Phi và nhập từ Campuchia. Trong hai nguồn gỗ này, gỗ nhập khẩu từ Campuchia có tính rủi ro cao hơn.

Từ sau khi Chính phủ Lào tuyên bố cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ (năm 2016) thì gỗ nguyên liệu vào Việt Nam theo nguồn từ Campuchia tăng lên. Trong đó, chủ yếu là gỗ quý hiếm ở các cánh rừng tự nhiên. Đặc biệt, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài trên 1.200 km, là điều kiện cho gỗ xâm nhập thị trường Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai), một trong những "lối vào" chính của gỗ nguyên liệu từ Campuchia. Ảnh: H.V

Giai đoạn 2015-2016, chỉ tính riêng tại tỉnh Gia Lai, đã có 300.000m3 gỗ từ Campuchia được nhập khẩu qua đường mòn, lối mở. Còn theo con đường “chính ngạch”, theo tìm hiểu của phóng viên Tin tức tại Gia Lai,  gỗ từ Campuchia được nhập về Việt Nam chủ yếu thông qua hai cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) và Hoa Lư (Bình Phước). 

Một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ lớn ở Lệ Thanh cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ của Việt Nam không liên quan, tác động tới chính sách khai thác gỗ của Campuchia, toàn bộ giấy tờ xuất khẩu bên phía Campuchia do các doanh nghiệp đối tác tự lo liệu. Doanh nghiệp  Việt Nam chỉ làm thủ tục nhập hàng tại cửa khẩu. Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Campuchia cũng không cấm nhập khẩu gỗ, miễn là doanh nghiệp nhập khẩu có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu hợp lệ.

Chú thích ảnh
Xưởng chế biến gỗ của một doanh nghiệp ở vùng biên giới. Ảnh: H.V

Như vậy, gỗ nhập về từ Campuchia theo đường “chính ngạch” qua các cửa khẩu, hay gỗ nhập theo “tiểu ngạch” đường mòn lối mở, thì đều không thể dùng làm nguyên liệu để xuất khẩu đi EU, nếu là gỗ từ rừng tự nhiên. Thực tế, những loại gỗ này chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa. Các loại gỗ xuất chính là: gỗ Hương và gỗ Chiêu liêu. Còn dùng trong nội địa là các loại gỗ: Căm xe, Gõ mật.  

Lỗ hổng trong kiểm soát 

Về thủ tục nhập khẩu gỗ từ Campuchia, bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum cho biết, chính sách nhập khẩu gỗ dựa trên Nghị định 69 của Chính phủ thực hiện chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Về thủ tục hải quan, thực hiện theo Luật Hải quan và các Nghị định 08, Nghị định 59, Thông tư 38 và thông tư sửa đổi thông tư 38.

“Chúng tôi quản lý theo quy định về hồ sơ nguồn gốc gỗ, khi kiểm tra gồm: tờ khai hải quan, bảng kê lâm sản, giấy phép CITES (do Cơ quan quản lý CITES cấp theo Công ước CITES) nếu hàng buộc phải có thì phải xuất trình. Ngoài ra, có văn bản nước ngoài (nếu có) thì phải xuất trình. Đó là quy định hồ sơ lâm sản nhập khẩu hợp pháp” bà Lê Thị Thanh Huyền cho biết thêm.

Theo bà Lê Thị Thanh Huyền, gỗ nhập về từ Campuchia chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi triển khai hiệp định VPA vừa ký kết với EU, Chính phủ Việt Nam phải sửa đổi chính sách về lâm sản để thực thi hiệp định này. Ví dụ,  trước năm 2013, nhập khẩu gỗ từ Campuchia phải theo giấy phép của Bộ Công Thương. Theo đó, dựa vào văn bản từ phía Bộ Thương mại Campuchia mà Bộ Công Thương cấp giấy phép này. Đó là một cơ sở chứng minh nguồn gốc gỗ.

Chú thích ảnh
Bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum trong buổi làm việc với phóng viên. Ảnh: H.V

Còn như quy định hiện nay, các hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu gỗ của Việt Nam từ Campuchia chưa đủ cơ sở để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Cần thay đổi từ cấp bộ, cấp chính phủ, để chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp. Ví dụ bắt buộc bên phía nước xuất khẩu gỗ phải có giấy chứng nhận, quy định rõ cơ quan nào được quyền cấp giấy phép.

Về việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nhập khẩu lưu thông trong nội địa, ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết: Chi cục Kiểm Lâm chỉ quản lý nguồn cung gỗ nội địa. Do vậy, không nắm được số liệu nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu qua đường chính thức. Việc kiểm soát nguồn cung nhập khẩu do cơ quan hải quan phụ trách.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai trao đổi về các cơ chế kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu. Ảnh: H.V

Theo ông Nguyễn Nhĩ, với 300.000 m3 khối gỗ nhập theo đường mòn lối mở, kiểm lâm chỉ là đơn vị giám sát xem có trà trộn gỗ nhập lậu với nguồn gỗ nội địa hay không. Từ năm 2017 nhập khẩu qua đường mòn lối mở đã bị dừng hẳn. Gia Lai hiện chỉ nhập qua cửa khẩu chính, theo cách nhập bình thường.

Còn về nguồn nhập qua cửa khẩu chính, ông Nguyễn Nhĩ cho biết, theo quy định, kiểm lâm không được kiểm soát. Do vậy, đang thiếu cơ chế để kiểm lâm có vai trò trong kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu từ bên kia biên giới. Và trên thực tế, khi gỗ về tới Việt Nam, kiểm lâm lại được giao nhiệm vụ xác nhận tính hợp pháp khi gỗ được vận chuyển giữa các địa bàn, nếu gỗ có giấy tờ nhập khẩu. Như vậy, nếu gỗ nhập khẩu có nguồn không hợp pháp từ bên kia biên giới, thì vô hình chung khi cho phép vận chuyển trong nước, lực lượng kiểm lâm đã hợp pháp hóa cho chúng. 

Ông Nguyễn Nhĩ cho biết thêm: “Thực tế, khi kiểm tra chúng tôi chỉ dựa trên hồ sơ của doanh nghiệp xuất hàng đi, dựa vào tài liệu của Hải quan để tiến hành các bước. Còn nếu doanh nghiệp nhập về nhưng chuyên chở đi luôn thì chúng tôi cũng không có quyền quản lý”.  

Chú thích ảnh
Nhà máy gỗ Hàm Rồng, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Pleiku, Gia Lai). Ảnh: H.V

Ông Nguyễn Nhĩ cho biết, đây là lỗ hổng trong quản lý lâm sản trong nội địa hiện nay. Theo quy định trong Thông tư 01 của Bộ NN&PTTN trước đây, có quy định với gỗ nhập khẩu, gỗ thanh lý nội địa, doanh nghiệp mua về tự kinh doanh và chế biến thì không phải báo cho hạt kiểm lâm quản lý địa bàn quản lý, theo dõi. Do vậy, lượng lâm sản nhập vào trong tỉnh, DN vận chuyển đi luôn hoặc đưa vào chế biến, kiểm lâm không nắm được. 

“Chúng tôi đã có kiến nghị rất nhiều lần về các vấn đề quản lý, sự thay đổi khuôn khổ pháp luật nhưng chưa được đáp ứng. Hơn nữa, lâm sản khi đã qua chế biến càng khó kiểm soát vì chất lượng gần như nhau”, ông Nhĩ cho biết thêm.

Bài cuối: Đồng lòng thiết lập cơ chế quản lý theo toàn bộ chuỗi cung

H.V/Báo Tin tức