05:07 03/05/2011

Gỡ khó để hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển

Ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) phía Việt Nam đang còn nhiều bất cập, cần Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ để thúc đẩy EWEC phát triển như mục đích xây dựng ban đầu.

Ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) phía Việt Nam đang còn nhiều bất cập, cần Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ để thúc đẩy EWEC phát triển như mục đích xây dựng ban đầu.

Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới

EWEC ra đời trên cơ sở thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng Khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), được tổ chức tại Manila (Philíppin) tháng 10/1998. Tuyến hành lang này đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (Mianma) qua Thái Lan, Lào rồi tới Việt Nam. EWEC vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) đến Huế và kết thúc tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Đến nay, các công trình hạ tầng nòng cốt cho tuyến hành lang này đã được hoàn thiện như tuyến đường bộ dài 1.450 km, một số cảng biển, cơ sở cung cấp năng lượng, du lịch,…

Sự ra đời của EWEC đã tạo điều kiện phát triển một hệ thống giao thông đạt hiệu quả cao, cho phép hàng hóa và hành khách lưu thông trong Khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng nói chung và khu vực miền Trung Việt Nam nói riêng mà không gặp trở ngại hay chi phí cao.

Những chuyến xe chở hàng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép theo Hiệp định GMS qua Cửa khẩu Lao Bảo vào nước CHDCND Lào.


Kể từ khi Dự án hợp tác EWEC được thông qua đến nay, đặc biệt, sau sự kiện thông xe cầu Hữu Nghị II, tháng 12/2006, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được Chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Nhật Bản triển khai để hiện thực hóa những ý tưởng và mục tiêu tốt đẹp của dự án. Một số cơ chế hợp tác đã được hình thành, một số dự án hỗ trợ đã được triển khai và nhiều sự kiện liên quan đến EWEC đã được tổ chức, như: Tuần lễ EWEC 2007 tại Đà Nẵng, Diễn đàn hợp tác EWEC do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tháng 6/2010… Các sự kiện trên đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các nhà tài trợ quốc tế, của Chính phủ các nước, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên hành lang về những cơ hội phát triển, góp phần đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và hàng chục triệu người dân trong vùng dự án.

Còn nhiều bất cập

Theo ông Lê Hữu Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, bên cạnh những kết quả đã đạt được, để EWEC thực sự trở thành một hành lang kinh tế như tên gọi của nó, thực tế còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do các yếu tố chủ quan, khách quan.

Bất cập chủ yếu tập trung ở thủ tục qua lại cửa khẩu, giao thông trên tuyến và cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Từ ngày 11/6/2009, tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ thông xe thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và người qua biên giới (GMS - CBTA). Như vậy trên lý thuyết, kể từ đó, các phương tiện được cấp phép vận tải đường bộ GMS của Việt Nam, Lào, Thái Lan (cả xe tay lái thuận và xe tay lái nghịch) được qua lại ba nước trên tuyến EWEC mà không cần phải chuyển tải. Sự kiện này đánh dấu một thời kỳ mới cho hoạt động giao thông vận tải giữa ba nước tiên phong mở đường cho việc thực hiện Hiệp định GMS-CBTA là Việt Nam, Lào, Thái Lan. Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay, lượng xe tay lái nghịch qua lại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo rất ít, chỉ có vài chiếc xe vận tải hàng hóa của Thái Lan về Việt Nam, còn Việt Nam chưa có chiếc xe nào vào Thái Lan. Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có hướng dẫn thực hiện Nghị định 80/2009/NĐ-CP một cách rõ ràng.

Thủ tục kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” được triển khai thí điểm giai đoạn 1 giữa Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) và Hải quan Cửa khẩu Densavanh (Lào) từ năm 2005. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thí điểm đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. “Một cửa, một điểm dừng” mới chỉ áp dụng cho hàng hóa. Người, kiểm dịch y tế, động thực vật đều còn phải kiểm tra cả hai bên, trong khi người, hàng, phương tiện luôn đi cùng nhau. Cũng tại cặp cửa khẩu này, hiện có quá nhiều loại phí. Tuy mức thu lệ phí không lớn, nhưng có nhiều cơ quan thu nên tốn nhiều thời gian làm thủ tục và chưa công khai mức thu các loại phí tại các cửa khẩu. Theo ông Lê Hữu Thăng, đây là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao một số doanh nghiệp của Lào và vùng đông - bắc Thái Lan phải lên cảng Băngcốc (Thái Lan) để xuất, nhập hàng hóa đi các nước Đông - Bắc Á, kể cả một số hàng hóa xuất, nhập khẩu về miền Bắc và miền Trung Việt Nam, cho dù quãng đường đi tới cảng Tiên Sa ngắn hơn rất nhiều.

Một bất cập khác là hiện tại, có nhiều trạm kiểm soát giao thông và trạm thu phí trên EWEC nên mất quá nhiều thời gian trong quá trình lưu thông. Hơn nữa, trên quốc lộ 9, đoạn từ Khe Sanh đi thị trấn Cam Lộ đường còn hẹp và ngoằn ngoèo.

Gỡ khó để EWEC phát triển

Ông Lê Hữu Thăng cho biết, chính quyền ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ. Tuy nhiên, có một số bất cập mặc dù trong phạm vi điều chỉnh của các hiệp định đã ký kết lại không nằm trong thẩm quyền của các địa phương. Do vậy, mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản với 10 kiến nghị, đề xuất gửi Chính phủ và các bộ, ngành trung ương liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển trên EWEC.

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Bộ GTVT sớm thống nhất hướng dẫn các ngành, các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu giải quyết cho phương tiện vận tải chở người và hàng hóa, đặc biệt là phương tiện tay lái nghịch được qua lại một cách dễ dàng theo Hiệp định GMS-CBTA; đề nghị Bộ GTVT thành lập Tổ đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, hoặc thí điểm ủy quyền cho Sở GTVT tỉnh Quảng Trị được cấp giấy phép cho xe tay lái nghịch lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để rút ngắn thời gian cấp phép; đề nghị kiểm tra, sửa chữa và bổ sung biển báo trên tuyến quốc lộ 9, thay cho dải phân cách hiện nay. UBND tỉnh Quảng Trị cũng kiến nghị với Chính phủ tiếp tục có chính sách giảm phí trọng tải, phí luồng lạch từ 30-50% so với hiện nay cho các cảng duyên hải miền Trung Việt Nam để khuyến khích các hãng tàu và các nhà sản xuất đưa tàu và hàng hóa qua cảng; đề nghị xây dựng thí điểm mô hình “Trưởng cửa khẩu” để điều hòa, quản lý chung hoạt động tại nhà ga của cửa khẩu, thay cho việc có 4 cơ quan cùng hoạt động như hiện nay, nhưng lại hoạt động riêng rẽ theo chức năng,…

Theo ông Lê Hữu Thăng, nếu những vấn đề khó khăn vướng mắc được giải quyết, chắc chắn EWEC sẽ được phát huy một cách tích cực nhất, tác động mạnh mẽ cho quá trình phát triển không chỉ của Quảng Trị mà đối với cả các địa phương khác trên tuyến hành lang này.

Dương Vương Lợi