12:06 23/12/2016

Gỡ khó cho trường ngoài công lập

Trong 15 năm qua, có 43 trường đại học ngoài công lập và 111 trường công lập ra đời. Cứ một trường đại học tư thành lập thì có 2,6 trường đại học công ra đời. Đây là vấn đề đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập” tổ chức ngày 22/12.

Ngày càng siết chặt chính sách

Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, trong 20 năm qua hệ thống trường này không chỉ có những đóng góp đáng kể vào việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn tạo ra mô hình trường mới mẻ, hiện đại, quản trị năng động hiệu quả, có uy tín về chất lượng đào tạo. Nhưng đến nay hệ thống trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã và đang phải chật vật trước những khó khăn, vướng mắc từ cơ chế. Do vậy, đã cản trở sự phát triển đi lên của nhiều trường ngoài công lập, quy mô sinh viên giảm sút.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng - trường đại học đầu tiên của cả nước thành công với mô hình tự chủ về tài chính- thực hành tại phòng thí nghiệm của sinh viên khoa Kỹ thuật hóa học. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Luật Giáo dục 2005, lần đầu tiên thừa nhận quyền sở hữu với giáo dục đại học tư thục, với quy định “tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn”. Sau đó là Quyết định 14/QĐ-TTg về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, số sinh viên tăng từ 135/vạn dân lên 450/vạn dân - tức hơn 3 lần - trong đó sinh viên ngoài công lập chiếm 40%. Việt Nam tham gia WTO vào năm 2006, với cam kết thừa nhận giáo dục đại học là một ngành dịch vụ và cam kết mở cửa cho dịch vụ giáo dục đại học.

TS Lê Trường Tùng, ĐH FPT khẳng định, từ 2006 đến nay, chính sách với giáo dục đại học ngoài công lập dường như ngày càng siết chặt. Nguyên nhân chính là lo lắng của xã hội về chất lượng giáo dục đại học, sự bất an của xã hội khi báo chí đưa tin về những bất cập trong tuyển sinh đào tạo và trong quản trị của một loạt các trường ngoài công lập như ĐH Hà Hoa Tiên, Chu Văn An, Hữu Nghị, Hùng Vương, ĐH Tân Tạo, Hoa Sen, Phan Châu Trinh… Nguyên nhân chính là diễn đàn Quốc hội nêu vấn đề ai chịu trách nhiệm về việc các trường ngoài công lập mọc lên như nấm sau mưa - mà bỏ qua việc các trường công đang tăng với tốc độ nhiều hơn.

Chia sẻ về thực tế này, GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Thăng Long cho biết, sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập đi xin việc sẽ gặp những phản ứng khắt khe của các doanh nghiệp là không muốn tuyển người tốt nghiệp trường ngoài công lập. Nếu liên tục không tuyển sinh được trường sẽ bị phá sản.

“Quy chế đại học dân lập đã đưa “Tổ chức bảo trợ” vào, gây khó khăn cho rất nhiều trường. Về thực chất các tổ chức đó không giúp được các trường, mà còn gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm các nguồn lực. Chủ trương chuyển các trường đại học dân lập sang tư thục là đúng, nhưng việc đưa ra khái niệm “tài sản thuộc sở hữu chung" đã làm nhiều trường không thể chuyển từ dân lập sang tư thục được”, GS Hoàng Xuân Sính nhấn mạnh.

GS Hoàng Xuân Sính cũng khẳng định: “Các văn bản: Luật Giáo dục đại học, Nghị định 141, Điều lệ trường đại học đều vẫn chưa tạo ra sự thông thoáng cho các trường phát triển. Nổi bật nhất là các điều quy định: “tài sản chung hợp nhất không phân chia”, các điều khoản quy định khi chuyển đổi từ trường đại học tư thục sang đại học tư không vì lợi nhuận không có cơ sở thuyết phục, thiếu các điều khoản pháp lý cho các trường giải thể”.

Thu hẹp hệ thống trường công

Để tháo gỡ những thực tế này theo GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì Nhà nước cần có chính sách đất đai với trường ngoài công lập. Cụ thể, đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục, Nhà nước giao đất để xây trường, không thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, GS Trần Phương đề nghị Bộ nên thiết kế lại chương trình đào tạo. Cụ thể, hầu hết các nước đều áp dụng khung kiến thức 130 tín chỉ cho 4 năm đào tạo ĐH. Bộ GD - ĐT cũng quy định khung kiến thức 120 tín chỉ. Nhưng nội dung của khung kiến thức thì lại không giống nhau. 130 tín chỉ của các nước chỉ hướng vào kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Còn 120 tín chỉ của ta, ngoài kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, còn bao gồm nhiều môn. Đặc biệt, trường phải mất gần 1 năm để đào tạo ngoại ngữ của các em theo chuẩn B1 của Bộ.

TS Lê Trường Tùng khẳng định, nếu theo hướng tư nhân hóa trường công, cần nhanh chóng tăng số trường và mức độ tự chủ của các trường công. Trong đó trừ một số trường trọng điểm ưu tiên phát triển, các trường còn lại thì Nhà nước nên có lộ trình giảm dần chi từ phía Nhà nước hàng năm để các trường thích nghi dần. Cũng cần có chính sách ưu tiên cho các trường tự chủ sớm như đang làm hiện nay, và một chính sách nữa cần thực hiện sớm là Nhà nước hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho sinh viên, trước mắt cho một số ngành quan trọng để thêm khuyến khích các trường tự chủ và định hướng nghề nghiệp.

“Còn nếu như vẫn có ý định phát triển trường đại học tư, thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công, có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu các trường công mỗi năm 5% trong 7 năm để tạo thị trường (và qua đó là chất lượng) cho các trường tư. Cũng cần gỡ bỏ các quy định tài sản chung bất hợp lý và quy định trích quỹ tối thiểu 25%. Và theo kinh nghiệm của ĐH FPT, để tránh xung đột nội bộ, các trường tư nên quản lý theo mô hình một thành viên, tức là có một công ty hoặc một quỹ quản lý toàn bộ vốn của trường”, TS Lê Trường Tùng nói.

Lê Vân