10:10 10/10/2017

Gỡ khó cho công tác phát triển Đảng viên nữ dân tộc - Bài 1: Khơi dậy khả năng nữ đảng viên dân tộc

Việc phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số trong thời gian qua ở vùng miền núi là một nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển đảng viên nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn.

Đảng viên trẻ Vì Thị Thắm (bên phải ảnh), Bí thư chi bộ bản Na Tông 1, hội ý với đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) về chủ trương bồi dưỡng phát triển đảng viên nữ của bản Na Tông 1.

Hoàng hôn buông xuống, bóng đêm bắt đầu phủ choàng lên dãy núi xa xa, bản làng lung linh trong ánh điện quốc gia cũng là lúc Vì Thị Thắm xinh xắn trong bộ áo cóm của đồng bào dân tộc Thái, tay cầm sổ sách đến nhà văn hóa bản sinh hoạt chi bộ. Tuổi đời vừa tròn đôi tám (cô sinh năm 1989) là đảng viên trẻ nhất chi bộ bản Na Tông 1, xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) và cũng là hạt nhân lãnh đạo - Bí thư Chi bộ bản Na Tông 1.

Học xong lớp 12 trường THPT Mường Nhà, Thắm xây dựng gia đình riêng với anh Lò Văn Tuôn, người cùng xã hơn mình 4 tuổi. Cô bắt đầu tham gia công tác hội phụ nữ của bản khi mới ra trường. Tham gia công tác xã hội, Thắm luôn là hạt nhân của mọi phong trào trong xã. Tính tình vui vẻ, hoạt bát trong công việc và hòa đồng nên cô đã được già làng Lò Văn É, năm nay đã ngoài 80 tuổi và cũng là đảng viên cao tuổi nhất bản Na Tông 1 quan tâm giới thiệu, bồi dưỡng phát triển Đảng.

Vì Thị Thắm cho biết: “Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình không nghĩ có ngày mình vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bởi ở vùng dân tộc, miền núi này, trình độ người dân còn hạn chế, ít ai có điều kiện theo học hết trung học phổ thông. Với lại, mình là con gái, được cha mẹ nuôi ăn học đầy đủ nhưng không thi được lên cao, ở nhà chỉ quanh quẩn ruộng nương rồi lấy chồng, an phận vậy thôi”.

Điều Thắm nói cũng thật dễ hiểu bởi từ tháng 7/2013 khi xã Na Tông được chia tách từ xã Mường Nhà, kinh tế - xã hội của xã chậm phát triển. Xã có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm dân tộc Mông, Khơ Mú, Tày, Lào và Kinh; hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn tới 521/938 hộ, chiếm 53,6%, trong đó đối tượng hộ nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Vì Thị Thắm, Bí thư chi bộ bản Na Tông 1, xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) không những là đảng viên xuất sắc mà còn là phụ nữ sản xuất giỏi.

Từ chỗ kinh tế của xã chậm phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng không đồng bộ, nhất là đồng bào dân tộc Mông không có ruộng nước, chủ yếu sản xuất lúa nương là chính; khi cái nghèo còn chưa xóa được thì nói gì đến việc khác. Từ đó, công tác bồi dưỡng kiến thức cho người dân, nhất là phụ nữ, việc tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, Thắm càng có điều kiện hơn khi được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, học hỏi kinh nghiệm người đi trước để giúp đỡ chị em trong bản. Vì Thị Thắm cho biết, khi chưa vào Đảng, cô chỉ loanh quanh ở nhà chăm con, lo cơm nước cho gia đình. Từ khi được kết nạp Đảng (năm 2015) cô mạnh dạn hơn khi tham gia công tác xã hội, hướng dẫn bà con dân bản phát triển kinh tế. Bằng việc làm thiết thực như trao đổi cách làm ăn, hướng dẫn bà con cách che chắn chuồng trại cho vật nuôi khi mùa đông giá, hay tiêm phòng dịch cho gia súc… đó là những công việc cụ thể mà không phải ai biết cũng làm được.

“Ngày trước gia đình mình và bà con dân bản thường thả rông gia súc trên rừng. Mỗi lần mắc dịch trâu, bò chết hàng loạt, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Từ khi được tập huấn công tác thú y phòng chống dịch, đảng viên đi trước hướng dẫn cho bà con làm theo. Đến nay, bản Na Tông 1 nhiều gia đình đã biết chăm sóc gia súc, làm chuồng trại xa nhà để giữ vệ sinh môi trường thôn bản”, Vì Thị Thắm bộc bạch.

Thắm kể, những lúc lên nương, cấy hái, thu hoạch mùa màng xong, tôi tranh thủ ghé qua thăm hỏi, trao đổi với các đồng chí đảng viên trong chi bộ bàn cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn bà con cách thâm canh lúa nước… Nhờ đó mà tình cảm bà con trong thôn bản gắt kết nhau hơn, công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú cũng được đẩy mạnh.

Nói về sự phấn đấu của đảng viên trẻ Vì Thị Thắm, đồng chí Lò Văn Phóng, Bí thư Đảng ủy xã Na Tông khẳng định: “Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, những đảng viên nữ luôn là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên trong Chị bộ, trong xã noi theo. Tuy là nữ nhưng đồng chí Thắm rất hăng say lao động, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, vận động tuyên truyền để bà con các dân tộc trong bản không nghe kẻ xấu xúi giục, tập trung phát triển kinh tế xây dựng bản làng no ấm”.

Song, không phải hoàn cảnh của đảng viên nào cũng như Thắm và ở chi bộ nào cũng như Na Tông 1. Bởi công tác phát triển Đảng nữ ở tỉnh Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều nữ giới lớn tuổi ngại phấn đấu, số khác có nguyện vọng và năng nổ với phong trào lại không đáp ứng yêu cầu trình độ văn hóa. Cùng với đó, còn số ít cấp ủy chưa nhìn nhận đúng vai trò, khả năng của phụ nữ. Một số cơ sở hội, đoàn thể chưa có nhiều hoạt động lôi cuốn hội viên.

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điên Biên, Phan Bá Hùng thừa nhận: Trước đây, công tác phát triển đảng viên nữ là người dân tộc thiểu số rất khó khăn, hiếm hoi. Đảng viên nữ chủ yếu là giáo viên hoặc cán bộ xã. Trong khi đó, giáo viên hay thuyên chuyển công tác nên số lượng đảng viên nữ không ổn định, thường xuyên biến động.

Xem đồ họa về công tác phát triển Đảng và xóa bản "trắng'' đảng viên của tỉnh Điện Biên 9 tháng năm 2017.



Những năm trở lại đây, Đảng bộ các xã vùng cao biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số tích cực quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, kết hợp tuyên truyền, vận động chị em nâng cao nhận thức, tham gia công tác xã hội, đoàn thể tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, quan tâm phát triển Đảng, nhất là những quần chúng ưu tú là đoàn viên thanh niên, người dân tộc.


Bài và ảnh: Viết Tôn-Trọng Thủy/Báo Tin Tức