10:13 23/10/2014

Gỡ khó cho cây hồ tiêu Tây Nguyên - Tìm thuốc đặc trị cứu cây tiêu

Tình trạng sâu bệnh đang đe dọa trực tiếp năng suất, sản lượng của hồ tiêu cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Tình trạng sâu bệnh đang đe dọa trực tiếp năng suất, sản lượng của hồ tiêu cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Vùng Tây Nguyên có tổng diện tích hồ tiêu hơn 40.000 ha, chủ yếu nằm ở địa bàn 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông - chiếm đến 51,6% diện tích trong cả nước. Năng suất và sản lượng hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên cũng đạt cao nhất, bình quân là 29 tạ/ha, riêng ở địa bàn Gia Lai đạt đến 45 tạ/ha. Đây được coi là một trong những loại cây kinh tế hàng đầu có giá trị cao ở vùng Tây Nguyên, góp phần không nhỏ trong công cuộc "xóa đói - giảm nghèo" cho người dân địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiểm tra tiêu bị chết tại Gia Lai.

Tiêu bệnh - tiêu chết ngày càng nhiều

Cũng chính do nguồn thu từ cây hồ tiêu quá lớn nên trong nhiều năm qua người dân ở vùng Tây Nguyên đã tập trung đầu tư mở rộng diện tích trồng hồ tiêu một cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch trong cơ cấu kinh tế các loại cây trồng của từng địa phương. Riêng ở tỉnh Gia Lai, theo quy hoạch từ năm 2015 - 2020 giữ nguyên diện tích 6.000 ha hồ tiêu, tuy nhiên hiện nay đã phát triển lên đến hơn 11.000 ha và đang có chiều hướng tăng trong những năm tới. Bên cạnh đó, người trồng hồ tiêu cũng không tuân thủ thực hiện nghiêm các yếu tố về khoa học kỹ thuật như khâu cải tạo đất, chọn giống cho đến khâu chăm bón và thu hoạch. Hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên thường "bội thực" về lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong những năm đầu, bởi sức ép từ việc tăng năng suất và sản lượng, bất chấp sự cảnh báo. Điều đó dẫn đến tình trạng tiêu bệnh - tiêu chết ngày càng nhiều, đó là tất yếu.

Theo thống kê của các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Tây Nguyên và trong cả nước, đến nay đã có khoảng 15.000 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên có khoảng 6.000 ha. Phần lớn diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh đều do 6 loại bệnh chủ yếu gây hại, là: Rệp sáp, bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm, tuyến trùng rễ, bệnh thán thư và bệnh đốm lá đen. Thường sau khi cây trồng bị nhiễm bệnh, bà con tự ý dùng thuốc trừ sâu "vô tội vạ" với mong muốn vực sống lại vườn cây, song việc sử dụng không đúng chủng loại thuốc, không đúng liều lượng và đã dẫn đến tình trạng "tiền mất, tật mang". Kết quả khảo sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây hồ tiêu của Cục BVTV thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong số 30 mẫu hạt tiêu (23 mẫu tiêu đen, 7 mẫu tiêu trắng) được lấy ngẫu nhiên trên thị trường và trong các kho dự trữ, có đến 12/30 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá 40% mức cho phép, chỉ một mẫu tiêu đen vượt 3,3%.

Kiểm tra tiêu bị nhiễm bệnh.Ảnh: Lang Hường

Tình trạng năng suất và sản lượng hồ tiêu trong cả nước sẽ giảm mạnh trong những năm tới do tiêu bệnh - tiêu chết đang có chiều hướng gia tăng, lượng sản phẩm tiêu hàng hóa xuất khẩu có nguy cơ giảm mạnh. Về phía những người trồng tiêu, rất nhiều hộ đang lao đao vì tiêu bệnh - tiêu chết; nhất là những hộ mới phát triển trồng hồ tiêu sau này, trong khi chưa được thu hoạch vụ nào thì đã rơi vào cảnh "trắng tay".

Liệu đã có thuốc đặc trị?

Hồ tiêu là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhiều tiềm năng, lợi thế trong xuất khẩu Việt Nam, được quan tâm hàng đầu trong định hướng của Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" .

Trước thực trạng tiêu bệnh - tiêu chết, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị bàn về "Công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu bền vững" tại tỉnh Gia Lai. Tham gia hội nghị này có các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, đại diện lãnh đạo của 16 tỉnh, thành có phát triển cây hồ tiêu trong cả nước và nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn vùng trọng điểm hồ tiêu ở vùng Chư Sê, Chư Pưh trên địa bàn. Hội nghị này bàn giải pháp và được coi là liều "thuốc đặc trị" cho cây hồ tiêu phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu và chuyên môn đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình trạng cây hồ tiêu trong những năm qua bị các loại bệnh gây hại, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của đất nước, cũng như về đời sống của nông dân. Từ thực tế đó, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân đã phân tích cụ thể và tìm ra những nguyên nhân từng loại bệnh gây hại trên cây hồ tiêu; đồng thời đề ra những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn có hiệu quả. Hội nghị cũng đã thống nhất các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong sản xuất hồ tiêu bền vững, trong đó giải pháp quan trọng hàng đầu là về khoa học kỹ thuật và khuyến nông.

Nghiên cứu chọn tạo giống hồ tiêu có năng suất, chất lượng cao và khả năng kháng bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng rễ để kịp thời cung cấp cho sản xuất. Nghiên cứu các biện pháp sinh học phòng chống sâu bệnh hại hồ tiêu theo hướng bền vững. Chủ động áp dụng kỹ thuật canh tác và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây hồ tiêu, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" để nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương có phát triển cây hồ tiêu phải vào cuộc một cách mạnh mẽ với những biện pháp quyết liệt về các yếu tố kỹ thuật, trước mắt ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh gây hại đối với những vùng tiêu hiện đang phát triển tốt. Vấn đề quan trọng hơn là, biện pháp chuyển tải thông tin về phương pháp phòng trừ các loại bệnh gây hại trên cây hồ tiêu phải đến tận hộ dân để nông dân thực hiện theo đúng hướng dẫn. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2014, các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Viện nghiên cứu khoa học phải cập nhật và ban hành quy trình trồng tiêu thống nhất; cũng như ban hành quy trình các loại bệnh gây hại hồ tiêu và cách phòng ngừa.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương có trồng và phát triển cây hồ tiêu tiến hành rà soát lại quy hoạch, kìm chế việc phá vỡ quy hoạch trên cơ sở tính toán về mặt kinh tế dài hạn. Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý về cây giống, nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tránh tình trạng hàng giả, kém chất lượng; đồng thời kiên quyết xử lý nghiên các trường hợp vi phạm. Củng cố lại các tổ chức khuyến nông đủ mạnh trên cơ sở đào tạo, tập huấn bảo đảm chuyển tại đầy đủ thông tin về chăm sóc và bảo vệ cây hồ tiêu đến tận hộ nông dân nhằm thực hiện có kết quả.

Bài và ảnh: Văn Thông