03:17 15/03/2023

Gỡ điểm nghẽn đón khách quốc tế - Bài cuối: Đổi mới để tăng doanh thu

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành du lịch Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực để thu hút dòng khách trung - cao cấp hay cả giới siêu giàu trên thế giới nếu biết làm mới sản phẩm du lịch, thay đổi tư duy đón khách.

Chú thích ảnh
Du khách đến các tỉnh miền Tây sẽ được thưởng thức đờn ca tài tử, hái trái cây...

Thay đổi tư duy đón khách

Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết, gần đây khi đi xúc tiến, quảng bá du lịch ở một số địa phương của Trung Quốc, đơn vị nhận thấy rằng du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc chi tiêu "đáng đồng tiền bát gạo", không phải là "điểm đến giá rẻ" như trước. Do đó, người làm du lịch Việt Nam cần thay đổi tư duy để đón khách phân khúc trung - cao cấp, hạng sang từ Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này chính thức đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn sau ngày 15/3.

"Trước dịch COVID-19, phần lớn khách Trung Quốc đến Việt Nam theo tour giá rẻ, tour 0 đồng nên nhiều người nghĩ họ không có khả năng chi trả. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc ở Quảng Châu, Thượng Hải và các tỉnh lân cận, khảo sát các khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch của nước họ rồi so sánh với Việt Nam mới thấy, cảnh quan du lịch nước ta đẹp, giá cả hợp lý và hoàn toàn có thể cạnh tranh được, tại sao lại định vị tour giá rẻ? Phải chăng một số doanh nghiệp du lịch đang tự "dìm hàng" mình là "điểm đến giá rẻ" và tư duy này cần phải thay đổi để tăng lợi thế cạnh tranh, đón được khách hạng sang, khách chi tiêu cao của Trung Quốc đến Việt Nam từ ngày 15/3", bà Nguyện nói.

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới. Theo thống kê, năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đã đón tới 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế. 

"Có thể nói, đây là một thị trường không chỉ lớn về số lượng mà còn rất tiềm năng về phân khúc đa dạng khách. Tuy nhiên, thời gian qua ngành du lịch quá tập trung vào tour giá rẻ, thậm chí một số địa phương thả nổi việc quản lý dẫn đến "nhập nhèm" trong mua bán hàng hóa tại địa phương... ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch. Vì vậy, khi đón khách Trung Quốc trở lại, doanh nghiệp cũng mong có những chính sách cụ thể, kế hoạch bài bản để có thể khắc phục các hạn chế, tồn tại này", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng cho biết.

Ngoài ra, với thông tin từ ngày 15/3 Trung Quốc sẽ thí điểm đưa khách du lịch sang Việt Nam theo đoàn, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, song song với việc chuẩn bị về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đội ngũ hướng dẫn viên, cần phối hợp triển khai chiến dịch truyền thông hình ảnh mới về du lịch Việt Nam trên kênh mạng xã hội, nền tảng công nghệ thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay như Weibo, TikTok, WeChat, QQ, Baidu… để thu hút khách. Mặt khác, sau 3 năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19, đối tượng khách hàng, trong đó có du khách Trung Quốc, đã thay đổi thói quen, nhu cầu, sở thích cũng như phương thức tiếp cận, vì vậy cách tiếp cận quảng bá hình ảnh du lịch cũng cần thay đổi theo. 

"Thị trường khách Trung Quốc khá lớn với đa dạng phân khúc nên cũng có nhiều yêu cầu khác nhau về dịch vụ, từ cơ bản đến cao cấp, phức tạp và với mỗi phân khúc khách hàng, các doanh nghiệp lữ hành phải có những sản phẩm, dịch vụ tiêu chuẩn riêng để có thể đáp ứng mọi yêu cầu của du khách", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, du khách Trung Quốc thường lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, là một trong những đối tượng khách quốc tế mà ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cần sớm có giải pháp thu hút, góp phần phục vụ mục tiêu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh trong năm 2023. Đối với cơ quan quản lý, cần sớm thông báo chính sách visa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, thống nhất các quy định về kiểm soát dịch bệnh với cơ quan quản lý phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cần sớm phục hồi mạng lưới những đường bay thường lệ, charter (bay trọn chuyến) từ Trung Quốc đến các thị trường Việt Nam.

Các tỉnh phía Nam đã sẵn sàng

Hiện nay, nhiều địa phương phía Nam cũng đã chuẩn bị các phương án đón du khách Trung Quốc khá chu đáo nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, tại Mũi Né, TP Phan Thiết, sau khi có thông tin sẽ mở cửa đón khách du lịch Trung Quốc, các cơ sở du lịch tại đây chủ động lên các kế hoạch đón tiếp khá chu đáo và sẵn sàng mọi tình huống. Tuy nhiên, do đặc thù loại hình du lịch tại Mũi Né chủ yếu vận hành theo hướng nghỉ dưỡng nên chưa có nhiều khách Trung Quốc đi theo đoàn, chọn nơi đây làm điểm đến chính như Đà Nẵng, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hay Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)... Thay vào đó, khách Trung Quốc đến Bình Thuận chủ yếu đi riêng lẻ và nghỉ ngắn ngày. 

Chú thích ảnh
Du khách và người dân cùng trải nghiệm, vui chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh

Tương tự, ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, Phú Quốc được nhiều du khách Trung Quốc chọn làm điểm đến nhờ lợi thế du lịch biển, cảnh quan xinh đẹp. Dự kiến từ nay đến dịp lễ 30/4, du khách nước này đến Phú Quốc rất đông. Theo đó, nhằm tạo thiện cảm với du khách quốc tế, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, Sở đang chuẩn bị các phương án, kế hoạch trình UBND tỉnh ban hành cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện.

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn khách Trung Quốc, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất bức xúc vì khách du lịch Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chi tiêu rất nhiều, bình quân là khoảng 1.700 - 1.800 USD nhưng khi đến Việt Nam, chúng ta lại không thu được nhiều. Điều này chứng tỏ là do chúng ta quản lý khách chưa tốt, không thể đảm bảo khách đi theo tour một cách nghiêm túc, đúng lộ trình để giúp họ có thể mua được những hàng hóa họ thích như mong muốn…".

Vì vậy, theo ông Vũ Thế Bình, để khai thác hiệu quả nguồn khách này, các địa phương có lợi thế đón khách Trung Quốc cũng như doanh nghiệp lữ hành cần có chính sách quảng bá mạnh, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách Trung Quốc sau dịch, bởi xu hướng du lịch của khách có thể đã thay đổi. Ngoài ra, các địa phương, doanh nghiệp cần nâng cấp, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với khách Trung Quốc.

"Để tận dụng được cơ hội đón dòng khách tiềm năng này, chúng ta cần sớm có có sự chuẩn bị đón tiếp chu đáo và khai thác hiệu quả khách Trung Quốc nhằm tránh tình trạng xuất hiện tour giá rẻ ( tour 0 đồng), tình trạng kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa...", ông Bình cho biết thêm.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức