07:06 03/07/2014

Gò Công Đông phát triển kinh tế biển

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là nơi giàu tiềm năng kinh tế, có nghề đánh bắt hải sản truyền thống thu hút nhiều ngư dân lão luyện, lành nghề đang ngày đêm bám biển quê hương.

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là nơi giàu tiềm năng kinh tế, có nghề đánh bắt hải sản truyền thống thu hút nhiều ngư dân lão luyện, lành nghề đang ngày đêm bám biển quê hương.


Nghề truyền thống


Thị trấn Vàm Láng, xã Kiểng Phước, xã Tân Phước, xã Tân Thành, xã Tân Điền, thị trấn Tân Hòa... là những cái nôi của nghề khai thác biển, nổi tiếng khắp trong, ngoài tỉnh với nghề đóng đáy song cầu, nghề cào xiêm, nghề lưới kéo đơn, kéo đôi, lưới rê, lưới vây kết hợp ánh sáng...

 

 

Hải sản được đưa xuống cảng cá Vàm Láng (Tiền Giang) để tiêu thụ ngoài thị trường. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nghề đánh bắt truyền thống của địa phương đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động miền biển. Ngoài ra, còn thu hút lao động tại chỗ trong việc phát triển ngành nghề nông thôn: làm khô mắm, cung ứng vật tư nghề cá, ngư lưới cụ, kinh doanh và tiêu thụ thủy hải sản... tạo sự phồn thịnh cho một số làng nghề truyền thống như nghề vá lưới ở Kiểng Phước, nghề làm khô mắm ở thị trấn Vàm Láng, ở Đèn Đỏ (xã Tân Thành, Gò Công Đông)... Huyện Gò Công Đông xác định các xã duyên hải: thị trấn Vàm Láng, Gia Thuận, Tân Phước, Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành khuyếch trương thế mạnh kinh tế biển làm mũi nhọn nền kinh tế trong đó thị trấn Vàm Láng được xem là đô thị biển có chức năng đa dạng: hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, làng nghề truyền thống chuyên làm khô mắm đặc sản Gò Công...


Tăng thu nhập nhờ đánh bắt xa bờ


Những năm gần đây, hưởng ứng chủ trương khai thác khơi xa, bám biển dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, ngư dân Tiền Giang đã liên kết sản xuất, hình thành các tổ, nhóm khai thác trên biển. Huyện Gò Công Đông cũng đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác từ ven bờ sang xa bờ, hình thành các tổ hợp đoàn kết sản xuất trên biển như: Tổ hợp tác Chí Tâm (ấp Xóm Lưới, xã Kiểng Phước), Tổ hợp tác khai thác thủy sản Thanh Thành Nguyên (xã Tân Phước, Gò Công Đông) nhằm tăng thời gian đánh bắt vừa hỗ trợ lẫn nhau khắc phục khó khăn, đối phó rủi ro trên biển; gắn khai thác với chế biến và dịch vụ hậu cần cũng như phòng tránh bão tố và thiên tai gây hại... Đây là mô hình mới mẻ nhưng có nhiều tính ưu việt sau khi đưa vào hoạt động, mở ra triển vọng hợp tác bền vững trong lĩnh vực khai thác biển tại địa phương. Điển hình là Tổ hợp tác khai thác thủy sản Chí Tâm ở ấp ven biển Xóm Lưới, xã Kiểng Phước.


Theo ngư dân Võ Văn Xồi, sinh năm 1954, Tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác thủy sản Chí Tâm, ấp Xóm Lưới chuyên khai thác thủy hải sản, với kinh nghiệm đi biển theo hình thức cha truyền con nối, các thế hệ ngư dân ở Gò Công Đông đều quyết tâm gắn bó với biển, bám ngư trường và hiểu lòng biển quê hương như lòng bàn tay mình. Trước đây, các hộ ngư dân đều hành nghề đơn lẻ, mỗi chủ phương tiện tự đầu tư vốn, khai thác và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả không cao. Từ khi Tổ hợp tác Chí Tâm đi vào hoạt động từ năm 2012, hiệu quả đánh bắt nâng lên rõ rệt, giảm chi phí sản xuất, lại có điều kiện hỗ trợ nhau khi gặp sự cố, có bão hay thời tiết xấu. Ngoài ra, việc phân công một phương tiện luân phiên đưa sản phẩm đánh bắt được vào bờ tiêu thụ đã tiết kiệm thời gian và chi phí toàn nhóm, kéo dài thời gian bám biển khai thác, tăng sản lượng đánh bắt và doanh thu. Chưa kể, sự trao đổi thông tin thị trường, thông tin ngư trường đánh bắt được cập nhật hàng ngày giúp sản lượng khai thác tăng mạnh, thu nhập sau chuyến đi biển của ngư dân do vậy tăng cao, bà con rất phấn khởi.


Ngoài lợi ích kinh tế, việc đánh bắt khơi xa theo mô hình tổ, nhóm sản xuất trên biển là hướng đi tích cực, bền vững, mở ra tương lai mới cho nghề đánh bắt hải sản vốn là nghề truyền thống của các huyện vùng duyên hải Gò Công của tỉnh Tiền Giang như Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công.


Minh Trí