04:10 18/04/2017

Giúp người khuyết tật ổn định sinh kế

Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh nấm Phong Mỹ (Công ty nấm Phong Mỹ) trực thuộc HTX nông nghiệp Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), những năm qua đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người khuyết tật, giúp họ tự tin vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Công ty nấm Phong Mỹ đóng tại thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, được xây dựng trên diện tích 2.000 m2, với hệ thống cơ sở vật chất khang trang gồm nhà xưởng, nhà chứa nấm, nhà ủ men, văn phòng làm việc và hệ thống trang thiết bị hiện đại với lò hơi, hệ thống tưới nước tự động...

Ông Đỗ Đình Khang, Giám đốc công ty cho biết: Công ty được hình thành từ cơ sở làm nấm Tân Mỹ của Dự án “hòa nhập xã hội cho người gặp khó khăn huyện Phong Điền”, do Chính phủ Cộng hòa Séc tài trợ năm 2008. Với mục tiêu giúp mọi người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập xã hội, cơ sở đã tổ chức hỗ trợ đào tạo, tập huấn nghề làm nấm và giải quyết việc làm. Đến năm 2016, cơ sở đã “bắt tay” với Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam thuộc Trường Đại học Nông lâm Huế, thành lập công ty với hình thức doanh nghiệp xã hội chuyên cung ứng các sản phẩm nấm có nguồn gốc hữu cơ.

Kiểm tra sinh trưởng của cây nấm tại trại sản xuất nấm của công ty. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Sản phẩm của công ty chủ yếu là nấm sò trắng, sò xám, nấm meo... Đến nay, công ty đã xây dựng được thương hiệu, các sản phẩm của công ty chỗ đứng trên thị trường. Công ty đã trở thành mái nhà chung cho những người thiếu may mắn, trong đó chủ yếu là người khuyết tật, giúp họ không chỉ có thu nhập nuôi sống bản thân mà còn có thể giúp đỡ gia đình.

Bà Trần Thị Chiến, 60 tuổi, thuộc diện hộ neo đơn, trú tại thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, là một trong những công nhân đã gắn bó với công ty từ ngày thành lập. Năm 20 tuổi, khi đi làm đồng, chẳng may bà bị tai nạn do bom mìn nên phải cưa mất một chân. Mất một chân, cuộc sống của bà gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Chiến chia sẻ: "Hoàn cảnh của tôi, vừa mất một chân, sức khỏe không được tốt nên rất khó có công việc ổn định. Trước đây, tôi chỉ ở nhà nuôi gà và trồng ít rau trong vườn đem bán để sống tạm qua ngày. Khi công ty nấm thành lập, tôi xin vào làm ở đây. Công việc này, rất phù hợp với tình trạng sức khỏe và tuổi tác của tôi, mỗi ngày tôi cũng kiếm được 60.000 đồng. Mỗi tháng tôi cũng làm được trên 20 ngày công nên cuộc sống đã tạm ổn".

Cũng như bà Chiến, bà Nguyễn Thị Minh Khai, có chồng là người khuyết tật, một mình bà làm mấy sào ruộng để nuôi 4 con ăn học. Gánh nặng kinh tế đổ lên vai bà Khai nên gia đình bà lúc nào cũng trong cảnh “giật gấu vá vai”. Bà Khai cho biết: Từ ngày vào làm ở công ty nấm, cuộc sống của gia đình bà đã không còn bấp bênh như trước. Mỗi tháng bà làm được gần 30 công, cộng thêm các khoản khác như đưa nấm vô lò, ra lò, cấy nấm ... cũng thu được 2 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình bà có thêm chi phí để nuôi con ăn học, con gái út của tôi bây giờ cũng đã lên cấp trung học phổ thông.

Công ty nấm Phong Mỹ tạo việc làm ổn định cho nhiều người khuyết tật, thân nhân người khuyết tật... Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Hiện nay, Công ty nấm Phong Mỹ giải quyết việc làm cho 15 lao động là người khuyết tật, nạn nhân chiến tranh, nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu; thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, họ còn được trả thêm tiền công đối với một số công đoạn làm thêm khác như hái nấm, cấy meo vào bịch... Đây là nguồn thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ giúp người yếu thế, nhất là người khuyết tật có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Có những thời điểm công ty gặp rất nhiều khó khăn như năm 2015, trong vụ nấm vào dịp Tết, công ty bị hư hỏng hơn 6.000 bịch nấm do bị dịch bệnh, mốc xanh gây thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Công ty phải nợ lương nhân công trong khi đã đến thời điểm cận Tết. Thế nhưng, công nhân đã gắn bó, đồng hành cùng ban giám đốc tháo gỡ khó khăn, tiếp tục sản xuất. Hiện, công ty đã xây dựng được uy tín, với quy mô sản xuất hơn 60.000 bịch nấm/năm, thu nhập bình quân của đơn vị đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Để mở rộng hướng sản xuất, thông qua sự hỗ trợ vốn và kỹ thuật của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung và một số dơn vị, tổ chức, công ty đã trồng thử nghiệm 10.000 bịch nấm linh chi. Bước đầu mô hình đã thành công, với doanh thu khoảng 200 triệu đồng, mở ra một hướng đi mới cho công ty. Mặt khác, công ty cũng đang trồng thêm 0,6 ha ngô để làm nguyên liệu sản xuất nấm, nhằm giảm bớt chi phí trong sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho biết: Công ty nấm Phong Mỹ là doanh nghiệp xã hội, cũng là địa chỉ tin cậy giúp nhiều người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định, góp phần giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Xã Phong Mỹ hiện có gần 200 người khuyết tật, nạn nhân chiến tranh, nhiễm chất độc da cam. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi như tiếp cận các chính sách, nguồn vốn ưu đãi để công ty có thể phát triển tốt đồng thời nhân rộng mô hình này để để những người kém may mắn có thêm nhiều cơ hội ổn định sinh kế.

Là một doanh nghiệp hoạt động vì cộng đồng, lao động chủ yếu là người gặp khó khăn, người khuyết tật nên công ty gặp rất nhiều khó khăn như năng suất lao động chưa cao vì hạn chế về sức khỏe, tác phong làm việc; nguồn vốn lưu động không có do phải tái đầu tư sản xuất hàng tháng; biến đổi khí hậu, thời tiết hưởng đến việc phát triển của nấm...

Ông Đỗ Đình Khang, Giám đốc công ty cho biết thêm, công ty sẽ trang bị thêm máy móc, lò hơi, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật đưa nguyên liệu đến các gia đình có người khuyết tật, khó khăn, không có điều kiện đến công ty làm để họ làm ở nhà rồi bao tiêu thu mua sản phẩm nấm cho người lao động.

Bên cạnh đó, công ty cũng nghiên cứu sản xuất nấm rơm, vì địa phương hiện có trên 300 ha diện tích trồng lúa, việc tận thu nguồn rơm rạ để sản xuất nấm sẽ giúp nông dân có thêm thu nhập cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Công ty cũng sẽ mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, tận dụng quỹ đất để đa dạng hóa sản phẩm, trồng thêm các loại củ như gừng, nghệ để sản xuất tinh bột nghệ, tinh dầu gừng, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

Tường Vi (TTXVN)