05:08 26/05/2011

Giữ rừng

Rừng giữ nước và chống xói mòn, vì thế muốn đất đai, đồi núi màu mỡ, muốn những con suối dòng sông không bao giờ cạn, muốn không có lũ ống, lũ quét thì phải giữ rừng.

Rừng giữ nước và chống xói mòn, vì thế muốn đất đai, đồi núi màu mỡ, muốn những con suối dòng sông không bao giờ cạn, muốn không có lũ ống, lũ quét thì phải giữ rừng. Đó là những kiến thức "nằm lòng" của tất cả mọi người từ khi mới chập chững cắp sách đến trường; và hiện tại lại là một vấn đề mang tính phổ quát của cả nhân loại trong cuộc sinh tồn trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Rừng và nước ngọt đang là trung tâm của những hoạch định chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia.

Ở Việt Nam chúng ta, từ lâu Đảng và Chính phủ đã có những hoạch định chiến lược về bảo vệ, phát triển rừng; đầu tư lớn cho các chương trình trồng và bảo vệ rừng như rừng phòng hộ, rừng bảo tồn, rừng sinh thái... Và đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Tuy nhiên nạn chặt phá rừng vẫn diễn ra, "lâm tặc" vẫn còn đất sống; theo đó, rừng vẫn đang ngày một nghèo đi và ở nhiều nơi nhiều cánh rừng đã mất trắng.

Nhiều nhà quản lý, các chuyên gia, những người trực tiếp làm nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng đã có những ý kiến xác đáng chỉ ra những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp. Rằng, ở nơi này là lỗi của chính quyền địa phương khi giao rừng cho dân đã quản lý không chặt chẽ nên rừng biến mất mà không hay. Hoặc ở nơi kia là những người di cư tự do đến chặt phá rừng làm nương rẫy; thậm chí có nơi dân còn kết hợp với doanh nghiệp biến rừng giàu thành rừng nghèo để có cớ khai thác trắng rừng lấy đất trồng cây công nghiệp. Những năm gần đây có nhiều ý kiến "qui" cho các công trình thủy điện đã "ngốn" hàng trăm ngàn hécta rừng... Vì thế mà những cánh rừng đại ngàn một thời là "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" đã biến thành nương lúa, nương ngô, đồi cà phê, và trong nhiều khu vực là những vùng đồi trọc bạc màu. Những cánh rừng đại ngàn còn sót lại không nhiều nhưng hàng ngày vẫn bị tàn phá. Điều đáng lo ngại là ngay khu rừng bảo tồn Mường Nhé tỉnh Điện Biên, lớn nhất miền Bắc, nhiều người đang lo ngại rằng, với tốc độ tăng dân số cơ học như hiện nay thì nguy cơ mất trắng rừng đã là báo động đỏ chứ không chỉ là sự cảnh báo xa xôi nữa.

Một khi mất rừng thì cũng không giữ được nguồn nước; ví dụ các hồ thủy lợi ở Tây Nguyên đã trơ đáy vào mùa khô hay các hồ thủy điện đã xuống dưới mực nước chết. Rừng là cái nôi giữ gìn và nuôi dưỡng nguồn nước, là lá chắn thiên nhiên vững chắc chặn đứng các dòng lũ hung dữ. Nhưng với độ mong manh của những cánh rừng phòng hộ, sự nghèo nàn của các cánh rừng đại ngàn, rừng đã không còn khả năng thực hiện các "chức năng" đó.
Giữ rừng là người. Phá rừng cũng là người. Do vậy một khi người dân nghèo còn sống nhờ vào rừng thì rừng còn bị phá. Rừng thực sự là vàng, mà đó là khối vàng lộ thiên không thể cất giữ trong két sắt, vì thế không có lực lượng nào có thể bảo đảm "an toàn" cho hàng chục ngàn hécta rừng suốt ngày đêm. Làm kinh tế lâm nghiệp cần có thời gian và vốn lớn, do vậy những người dân nghèo không thể làm nghề rừng theo ý nghĩa đầy đủ của nghề này; có chăng chỉ là sự khai thác lâm sản theo kiểu "mạnh ai nấy làm" một cách tự nhiên như muôn đời nay.

Muốn rừng an toàn chỉ có cách lập qui hoạch khu dân cư ngoài vùng rừng; đồng thời tạo cho dân sản xuất hoặc kinh doanh những ngành nghề không gây hại cho rừng và đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng đệm. Như vậy, chính những người dân này sẽ là vành đai bảo vệ rừng.

Nguyễn Quang Vinh