09:07 23/09/2012

Giữ gìn làn điệu Sình ca

Điều đáng chú ý, để gìn giữ làn điệu Sình ca, những năm gần đây, đồng bào dân tộc Cao Lan đã thành lập các đội văn nghệ “không chuyên” để tuyên truyền, quảng bá và truyền lại “báu vật” của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.

Đồng bào dân tộc Cao Lan (hay còn gọi là Sán Chay) chiếm tỷ lệ 13% dân số tỉnh Tuyên Quang (55.000 người), tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Điều đáng chú ý, để gìn giữ làn điệu Sình ca, những năm gần đây, đồng bào dân tộc Cao Lan đã thành lập các đội văn nghệ “không chuyên” để tuyên truyền, quảng bá và truyền lại “báu vật” của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.


Sình ca – “linh hồn” của người Cao Lan


Ông Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - người được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có công giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cho biết: Sình ca là loại hình xướng ca truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan có từ rất xa xưa. Theo truyền thuyết “Truyện tình nàng Lưu Ba (Tam)”, nữ thần thơ ca của dân tộc Cao Lan đã dày công sáng tác giai điệu và đặt lời cho các bài Sình ca. Truyện kể rằng: Nàng Lưu Tam xuất thân trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ mất sớm, phải ở với gia đình anh trai và người chị dâu ích kỷ.


Càng lớn Lưu Tam càng dịu dàng, xinh đẹp, tài hoa trong sáng tác Sình ca, đồng thời cũng là người hát Sình ca hay nhất vùng, mỗi khi nàng hát dòng sông như ngừng trôi, chim chóc như ngừng hót, gió núi như ngừng thổi. Tài hoa là vậy nhưng Lưu Tam luôn bị vùi dập. Người chị dâu độc ác, ích kỷ, luôn bắt nàng lao động cực nhọc, cấm nàng ca hát và ép buộc nàng phải lấy người mà nàng không yêu làm chồng. Nàng đã tự giải thoát cho mình, bỏ nhà chồng ra đi để được tự do, đem tiếng hát Sình ca đến với mọi người. Lưu Tam đã sáng tác, hoàn thiện bản trường ca bất diệt, đó là những bài Sình ca trữ tình sâu sắc, thể hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc Cao Lan. Sau đó, nàng Lưu Tam đã hát suốt 12 ngày đêm không nghỉ rồi kiệt sức hóa thành đá trắng.


Tiếng hát Sình ca của nàng trở thành linh hồn của người Cao Lan, được đồng bào dân tộc Cao Lan gìn giữ, ghi chép lại thành 12 tập sách – mỗi tập sách đủ cho một đêm hát từ chập tối đến sáng. “Truyện tình nàng Lưu Tam” được đồng bào Cao Lan giữ gìn như ngọn lửa trong tim, truyền tụng từ đời này sang đời khác.


Ông Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - người được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có công giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.


Cũng theo ông Dừn, Sình ca được ghi lại bằng chữ Nho (chữ Hán), hát bằng tiếng dân tộc Cao Lan sau đó sẽ hát tiếp lời dịch bằng tiếng phổ thông. Triết lý trong Sình ca vô cùng sâu sắc, với những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, hát về con người, vũ trụ… Còn ông Hoàng Văn Quý, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn - người đã có hơn 40 năm gắn bó với làn điệu Sình ca cho biết: Giai điệu của Sình ca ngân nga lúc bổng lúc trầm, khi ngân, âm thanh chủ yếu được phát ra từ lồng ngực lên cổ họng và vòm họng.


Người hát phải sở hữu một chất giọng khỏe, phải biết lấy hơi và xử lý hơi phát ra sao cho vang, cho đều. Hát Sình ca bao giờ cũng đi kèm với những điệu múa uyển chuyển, sinh động mô phỏng lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân như: Đi tra lúa (trong múa Khai đèn), đi xúc tép hay đi nương… mỗi cảnh sinh hoạt được tái hiện một cách đầy đủ, có hồn. Chính vì thế đã tạo cho người xem một cảm giác vừa thực tại, gần gũi lại phảng phất những ý nghĩa sâu lắng về tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa… trong mỗi câu hát. Sự kết hợp nhuần nhuyễn và ăn khớp trong hát Sình ca đã hấp dẫn nhiều người xem.


Phát huy vai trò các đội văn nghệ


Thôn 15, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn có 87 hộ, 100% là người dân tộc Cao Lan. Hơn 6 năm qua, đội văn nghệ “không chuyên” trong thôn không chỉ góp phần bảo tồn mà còn quảng bá những câu hát Sình ca mượt mà say đắm lòng người đến với du khách thập phương.


Đội văn nghệ “không chuyên” thôn 15 (xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang).


Anh Tiêu Văn Sang, Phó Trưởng đội văn nghệ thôn 15, cho biết: Đội có 15 thành viên và trước khi đội được thành lập số người biết và hát được Sình ca chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhưng đến nay không chỉ các thành viên trong đội mà rất nhiều người trong thôn có thể hát và múa thạo nhiều điệu Sình ca. Cũng theo anh Sang, nhận thấy việc cần thiết phải bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc nên khi mới thành lập các thành viên trong đội đều luyện tập rất chăm chỉ. Ngày đi đồng vất vả, nhưng tối đến mọi người lại tập trung lại rồi mời những người cao tuổi trong thôn biết hát Sình ca đến truyền dạy.


Và sau mỗi buổi tập mọi người lại cùng nhau ôn lại, kể cho con cháu nghe “Truyện tình nàng Lưu Tam”- người sáng tác nên những câu hát Sình ca mượt mà, chuyện các cụ nhờ hát Sình Ca mà nên duyên vợ chồng... Theo ông Hoàng Liên Sơn, Trưởng thôn 15 thì mục đích của việc thành lập đội văn nghệ nhằm giúp bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Cao Lan đồng thời chọn lựa ra những nòng cốt văn nghệ tiêu biểu có khả năng hát và múa tốt để tham gia tại các liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Không chỉ bảo tồn làn điệu Sình ca, các thành viên đội văn nghệ thôn 15 (xã Kim Phú) còn thường xuyên tham gia các liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh để quảng bá rộng rãi hát Sình ca.


Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Do nhiều nguyên nhân, bản sắc văn hóa các dân tộc đang bị mai một, việc đồng bào dân tộc Cao Lan thành lập đội văn nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị hát Sình ca là việc làm rất đáng trân trọng. Hiện tỉnh Tuyên Quang đang khuyến khích đồng bào các dân tộc trong tỉnh thành lập đội văn nghệ quần chúng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc.



Bài và ảnh:Vũ Quang Đán