08:09 30/08/2013

Giữ gìn bản sắc văn hóa Mông ở Nậm Loỏng

Nhờ vào sự quan tâm của các cấp, các ngành nên trong hai năm 2012 – 2013, dịp đầu xuân nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông ở xã Nậm Lỏng đã được tái hiện một cách sinh động trong Lễ hội “Gầu tào cha”.

Xã Nậm Lỏng nằm ở phía Tây Bắc của Thị Xã Lai Châu, có 391 hộ dân với 1.776 nhân khẩu. Trong đó dân tộc Mông chiếm 88,4%, được chia thành 2 nhóm Mông đen và Mông trắng sống tập trung tại 6 bản trên địa bàn xã. Do nằm trên địa bàn thị xã, người dân tiếp cận với văn hóa đô thị quá nhanh nên những nết nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Mông trên địa bàn đã dần bị mai một. Người dân ít mặc trang phục dân tộc mình, sinh hoạt cộng đồng không còn diễn ra. Đặc biệt, các loại nhạc cụ phục vụ cho các hoạt động văn hóa dân gian không còn được chế tạo và lưu giữ như: khèn trúc, khèn lá... Các trò chơi dân gian như: Ném pao, hát nối dây, bắn nỏ... cũng không còn tồn tại. Các lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu, lễ hội Gầu tào, Mừng lúa mới, các tín ngưỡng phồn thực như hội lễ thần Núi, thần Rừng... cũng đã không còn được người Mông tổ chức. Trước tình hình đó, Đảng Ủy, HĐND và UBND xã xây dựng đề án “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông”.


Nam thanh nữ tú đến từ các bản Mông trổ tài khéo léo, nhịp nhàng trong điệu khèn.


Bánh dày là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết, ngày lễ của đồng bào Mông nên việc bảo tồn là cấp thiết.


Môn thi đấu bắn cung đá gay cấn, thu hút đông người xem.


Đề án đã đánh giá khái quát thực trạng đời sống văn hóa của dân tộc Mông trên địa bàn và đưa ra những giải pháp nhằm khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào trong xã. Mặt khác, căn cứ thực trạng đời sống kinh tế để đưa ra các mục tiêu phù hợp cho từng năm (2012 - 2015) và đề nghị UBND thị xã Lai Châu đầu tư cho đề án. Nhờ vào sự quan tâm của các cấp, các ngành nên trong hai năm 2012 – 2013, dịp đầu xuân nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông ở xã Nậm Lỏng đã được tái hiện một cách sinh động trong Lễ hội “Gầu tào cha”. Các trò chơi truyền thống như: ném pao, ném tù lu, chơi đu, thi leo cây, giã bánh dày, thi chọi trâu, thi bắn nỏ… diễn ra hào hứng; các điệu múa, hát giao duyên ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu đất nước, con người, tiếng khèn, kèn lá, kèn môi như khơi dậy một bản nhạc của phiên chợ vùng cao đã nhóm lên tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc. Lễ hội là sân chơi bổ ích cho người dân, mỗi đội thi đến từ các bản trong xã đã mang tới những màu sắc văn hóa đa dạng của dân tộc Mông lôi cuốn người chơi hội. Các môn thi đấu dân gian đã thể hiện tính thượng võ, gắn bó chặt chẽ của cộng đồng người Mông. Các cụ già có dịp ngồi cạnh nhau để hỏi thăm sức khoẻ, gia đình con cháu và ôn lại những kỷ niệm khi còn nam thanh nữ tú.


Hội trọi trâu ở xã Nậm Loỏng khôi phục lần đầu tiên tại hội “Gầu tào cha” năm 2012 đã thu hút rất nhiều người xem.


Vận động viên quyết liệt thi tài, cổ động viên hào hứng cổ động cho các đội đến từ các bản thi đấu môn kéo co.


Xã Nậm Loỏng cũng đã xây dựng được một bản văn hóa du lịch để thu hút du khách gần xa đến với xã mình. Vì thế, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở lên quan trọng cấp thiết và cần nhân rộng ra các dân tộc khác trên địa bàn. Ông Giàng A Chảo - phó Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: Dù đề án mới đang trong thời điểm khởi đầu nhưng cũng là một tiêu điểm được đặt ra để góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã trong giai đoạn hiện nay.



Bài và ảnh: Việt Hoàng