04:06 14/04/2015

Giữ đà tăng trưởng kinh tế vĩ mô

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa dự báo: GDP năm nay có khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5%, cao hơn mục tiêu đặt ra là 6,2% do cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa dự báo: GDP năm nay có khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5%, cao hơn mục tiêu đặt ra là 6,2% do cải thiện về cả tổng cầu lẫn tổng cung.

Cầu tiêu dùng “ấm”, chi phí đầu vào giảm

Theo báo cáo phân tích của NFSC, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2015 (sau khi loại trừ yếu tố giá) tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Mức tiêu thụ điện trong quý I/2015 cũng tăng nhanh hơn cùng kỳ năm ngoái, đạt mức12,7% so với cùng kỳ năm ngoái là 9,2%. Những con số này đã phản ánh cầu tiêu dùng đã khởi sắc. Chỉ số niềm tin tiêu dùng theo công bố của ngân hàng ANZ cũng tăng, từ mức 135,4 điểm trong tháng 1 lên mức 142,3 điểm trong tháng 2/2015. Điều này cho thấy người tiêu dùng lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Cầu “ấm” sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Pin Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN


Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê - TCTK) cho hay: Các yếu tố của tổng cầu quý I đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng cuối cùng tăng 8,67%, cao nhất so với các năm từ 2011- 2014 (tương ứng tăng 4,56%, 4,60%, 4,46% và 5,38%). Tích lũy tài sản gộp tăng 6,7%, các năm từ 2011 - 2014 tương ứng tăng -12,46%, 0,3%, 3,34% và 6,6%. Sản xuất kinh doanh tăng trưởng cao yêu cầu tăng tiêu dùng trung gian. Theo ông Tuyến, mặc dù quý I có thời gian nghỉ Tết dài nhưng các yếu tố đầu vào của sản xuất như tiêu thụ điện, nhập khẩu nguyên liệu đều tăng trưởng rất mạnh. Việc giá xăng dầu giảm cũng có tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng của dân cư.

Trong 3 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư cũng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/3 so với cuối năm 2014 đạt khoảng 1,5%, trong đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 2,3% (cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng tín dụng âm).

Theo NFSC, tổng cung trong quý I đã cải thiện nhờ chi phí đầu vào giảm. Điều tra chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Ngân hàng HSBC cho thấy: Giá cả đầu vào đã liên tục giảm kể từ tháng 11/2014. Chi phí đầu vào giảm một mặt do giá hàng hóa thế giới giảm, nhất là giá năng lượng, một mặt do môi trường kinh doanh được cải thiện. Hệ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc, từ 70 (năm 2013) lên 68 (2014 - 2015), trong đó có sự đóng góp của những tiến bộ về thể chế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, năng suất của nền kinh tế đã có sự chuyển biến và mức tăng trưởng dài hạn bắt đầu cải thiện từ quý I/2014.

Tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

GDP quý I tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, hứa hẹn một năm tăng trưởng khá và một thời kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế. Ngày 13/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, báo cáo bán thường niên về tình hình kinh tế của các nước đang phát triển trong khu vực. Trong đó, WB nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam từ 5,5% trong báo cáo cuối năm ngoái, lên 6%.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng thận trọng cho rằng: Không nên chủ quan vì khó khăn vẫn còn ở phía trước. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: Những tháng tới tác động của giá điện, thuế phí lên doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn. Các doanh nghiệp thép, xi măng, thủy hải sản đông lạnh đang lo lắng về giá điện tăng 7,5% kể từ ngày 16/3. Mặt hàng xăng dầu giảm được thuế này thì lại tăng phí môi trường lên bù vào. Phí đường cao tốc lại được thu làm tăng phí giao thông, vận tải, chuyên chở... Tất cả sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tổ trưởng Tổ vĩ mô liên ngành: Đầu tư, Công Thương Tài chính, Ngân hàng - ông Cao Viết Sinh cũng lưu ý: Việc tăng giá điện, xăng dầu sẽ tác động đến lạm phát quý II/2015. Theo dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II sẽ tăng 1 - 1,2%, trong đó mức tăng giá điện đóng góp 0,8%. Ông Sinh khuyến nghị: Các ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp từ 1 - 1,5% để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 15 - 17% cho cả năm 2015; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu.


Minh Phương - Hương Bằng