11:16 18/11/2021

‘Giữ chân’ giáo viên mầm non dân lập, tư thục

Sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng trăm cơ sở giáo dục mầm non tư thục, dân lập phải giải thể; hàng nghìn giáo viên ở lĩnh vực này phải bỏ nghề.

Trường đóng cửa, giáo viên xoay đủ nghề

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, cơ sở mầm non Toàn Cầu (Đông Anh, Hà Nội) buộc phải đóng cửa, giáo viên không có việc làm. Nhiều giáo viên của ngôi trường này chuyển sang làm công việc khác. Những công việc kiếm được trong mùa dịch chỉ bó hẹp vào việc như bán hàng online, công nhân thời vụ. Cũng trong mùa dịch, giáo viên của một số trường mầm non nội thành không đủ tiền thuê nhà trọ đành chọn hướng về quê làm công nhân các khu công nghiệp.

Chú thích ảnh
Giáo viên trường Mầm non Quốc tế Trung Kiên hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Cô giáo Huyền Thanh (công tác tại hệ thống mầm non tư thục có tiếng ở quận Cầu Giấy) cho biết: “Trở về quê là giải pháp an toàn nhất với giáo viên như chúng em. Đợt giãn cách vừa qua ở Hà Nội, gần như các cửa hàng dịch vụ đều đóng cửa, tiền thuê nhà vẫn phải trả và thực phẩm lại đắt đỏ, em cũng như nhiều đồng nghiệp không duy trì được”.

Tại Hà Nội, chưa có thống kê cụ thể về các cơ sở giáo dục mầm non giải thể, còn con số này ở TP Hồ Chí Minh là 151 (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ). Vừa qua, gần 100 trường mầm non tư thục ở TP Hồ Chí Minh với hơn 200 cơ sở đã có thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng thời gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh; đề xuất: Với áp lực từ tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ giáo viên, nhân viên, nếu tình hình ngưng hoạt động tiếp tục kéo dài thì sẽ có nhiều hơn cơ sở giáo dục mầm non tư thục buộc phải đóng cửa. Các trường kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non khi dịch bệnh kéo dài. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước dịch bệnh, hệ thống các trường tư thục, đặc biệt bậc mầm non, đang đảm nhận việc nuôi dạy 22,3% số trẻ trong độ tuổi đến trường, có 90.500 người lao động trong hệ thống này, với hơn 9.000 cơ sở. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, người lao động chuyển việc. 1,2 triệu trẻ mầm non có nguy cơ không có chỗ học. Trong khi đó, phụ huynh phải ở nhà trông con, không đi làm, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực.

Chính sách là cần thiết

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Điều tôi trăn trở nhất trong thời điểm này là một bộ phận những nhà giáo ngoài công lập, nhất là những cô giáo mầm non ở các cơ sở mầm non dân lập, tư thục, nhóm trẻ. Bởi hàng trăm các cơ sở này đã phải đóng cửa vì dịch COVID-19. Cô giáo mầm non không dạy trực tuyến được đã mất việc. Rõ ràng đây là lực lượng lao động đặc thù, họ có mức lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn, nhưng họ không đủ điều kiện nuôi dưỡng mãi tình yêu nghề, để gắn bó với nghề. Qua các phiên làm việc giữa Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội với các tỉnh thành, tôi thấy nguy cơ số giáo viên mầm non nghỉ việc có thể rất khó kéo trở lại nghề nếu họ đã tìm được công việc khác có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập ổn định hơn. Đây là thách thức của ngành giáo dục khi đã thiếu giáo viên mầm non, thời gian tới còn thiếu hơn”.

Đến nay, việc triển khai gói hỗ trợ cho giáo viên mầm non tư thục mới chỉ dừng lại ở một vài địa phương. Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, với những kiến nghị của các trường mầm non dân lập, tư thục, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở GD&ĐT chủ trì. Sở đang tiến hành kiểm tra chế độ chính sách mà các trường có thể được hưởng. Đồng thời, Sở cũng sẽ có những kiến nghị như lãi suất vay vốn ngân hàng để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Trước đó, TP Hồ Chí Minh triển khai các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non thông qua các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất...; quan tâm đến các chính sách để hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập...

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ đã tính toán, có cơ sở dữ liệu và đề xuất gói hỗ trợ hơn 800 tỉ đồng cho các cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trình Chính phủ xem xét. Trong đó, đề xuất cơ chế vay vốn, thuế cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.... Tuy nhiên, theo các chuyên gia mức hỗ trợ này vẫn còn thấp so với kỳ vọng. Câu chuyện giữ chân giáo viên ở lĩnh vực này không chỉ ở ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của địa phương.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khoá XV cho rằng, chính sách này cần được triển khai sớm, giúp các nhà giáo phần nào vượt qua đợt dịch khó khăn này.

Lê Vân/Báo Tin tức