01:11 24/01/2021

Giữ cảnh giác với dịch COVID-19 để đón Tết an toàn

Tết Nguyên đán Tân Sửu đang tới gần với nhu cầu dịch chuyển, thăm thân của nhiều cá nhân, trong đó có cả những trường hơp nhập cảnh trái phép. Điều này tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch COVID-19. Trong thời điểm này, mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác để được an toàn đón Tết.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai báo tình hình người nhập cảnh trái phép để phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Dễ bùng dịch từ người nhập cảnh trái phép

Tính đến sáng 24/1, Việt Nam đã ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 1.548 ca; đã 53 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; những ngày gần đây chủ yếu ghi nhận các ca mắc nhập cảnh, được cách ly ngay.

Hiện dịch bệnh COVID-19 tại nước ta đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên thành quả trên vẫn có thể bị đe doạ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời điểm này, với mong muốn về nước đón Tết, nhiều người nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở. Nếu không kiểm soát chặt, để xảy ra ca bệnh trong cộng đồng thì sẽ khó có thể đón Tết an toàn.

Đơn cử như gần đây, có ngày lực lượng biên phòng phát hiện tới 500 trường hợp nhập cảnh trái phép. Nhiều trường hợp nhập cành trái phép đã bị phát hiện, bắt giữ; nếu không sẽ rất nguy hiểm. Đáng lo nhất là các trường hợp không được phát hiện hoặc phát hiện muộn.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo: “Nhiều người nhập cảnh trái phép do trước đó đã vượt biên trái phép,  không có giấy tờ tùy thân. Cũng có trường hợp cố tình đi đường mòn, lối  mở để trốn, không phải cách ly tế. Trong thời điểm dịch đang bùng phát khắp thế giới với các biến chủng mới, nếu có người nhập cảnh trái phép nhiễm virus biến chủng gây lây trong cộng đồng thì sẽ là mối nguy hiểm rất lớn.

Trong khi đó, hiện nay, một số nước trong khu vực vẫn mở các chuyến bay thương mại với các châu lục, nơi diễn biến dịch đang phức tạp. Nhiều bà con người Việt ở nước ngoài đi các chuyến bay này về các quốc gia trong khu vực, rồi theo đi đường bộ về Việt Nam qua đường mòn, lỗi mở. Dù đã được khuyến cáo nên đi đường chính ngạch để thực hiện cách ly y tế nhưng tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra.

Đặc biệt,  công tác theo dõi, giám sát cho thấy, tất cả các trường hợp vượt biên trái phép đều có sự liên kết với các nhà xe, đường dây đưa người nhập cảnh “chui”... Các đối tượng này thường sử dụng mạng xã hội để trao đổi, tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam.

Cần sự tự giác và phối hợp giám sát của mỗi người dân

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, thời điểm này, nếu để dịch lây lan trong cộng đồng thì sẽ rất khó kiểm soát. Hiện nay việc giám sát người nhập cảnh trái phép là rất quan trọng để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc điều tra, truy vết khi có các ca nghi ngờ là công việc rất phức tạp, tốn kém tiền của và gây khó khăn cho cả hệ thống y tế và chính quyền các địa phương. Vì vậy, ngoài việc kiểm soát chặt tình trạng nhập cảnh, cần nhanh chóng cách ly y tế đúng quy định với những trường hợp nhập cảnh trái phép phát hiện được.  Bên cạnh đó, cần triển khai thật nhanh các biện pháp điều tra dịch tễ, lịch sử di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân và phối hợp lực lượng công an tìm những người tiếp xúc gần để cách ly cả F1 và F2.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay, vai trò tự giác, phối hợp giám sát của người dân là vô cùng quan trọng. Hiện Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường triệt phá các đường dây, các nhà xe nhận chở khách qua biên giới; đồng thời phát động toàn dân phát giác, báo cáo với chính quyền các trường hợp nhập cảnh trái phép; đề nghị những người có người thân ở nước ngoài cam kết với chính quyền về khai báo và giám sát người nhập cảnh.

Khi người dân phát hiện có người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về địa phương, cần chủ động báo ngay cho chính quyền để có biện pháp kịp thời. Đặc biệt, hiện có nguy cơ người nhập cảnh trái phép từ đường thuỷ, các địa phương cần tuyên truyền cho bà con ngư dân để khi phát hiện trường hợp chở người ở nước ngoài về hay có người đi nhờ thuyền về thì lập tức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và thông tin ngay cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương từ trên thuyền.

Theo đó, phòng chống dịch là trách nhiệm của toàn cộng đồng, chỉ một vài người lơ là có thể sẽ tiếp tay cho việc nhập cảnh trái phép và phát tán mầm bệnh trong cộng đồng.

Bên cạnh việc phát hiện, giám sát người nhập cảnh trái phép, việc mỗi người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cũng rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế gần đây đã xuất hiện tình trạng không ít người dân mất cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với các biểu hiện như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, khi ra khỏi nhà; không rửa tay sát khuẩn trước khi vào cơ quan, đơn vị; tập trung đông người và không giữ khoảng cách Đây là những vấn đề cần phải sốc lại, tăng cường thực hiện để đảm bảo an toàn cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo: “Trong điều kiện hiện nay, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các thông điệp phòng chống dịch của Bộ Y tế, đặc biệt là tuân thủ đeo khẩu trang. Đây là biện pháp rất quan trọng cùng với các biện pháp khác đã làm nên thành công trong việc khống chế dịch COVID-19 vừa qua. Hiện việc đeo khẩu trang là quy định bắt buộc khi đi đến nơi đông người, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn khi nào đeo khẩu trang, đeo như thế nào;  người dân cần thực hiện tốt, nâng cao tinh thần cảnh giác để giữ vững thành quả chống dịch.

Thông điêp 5K gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế mà Bộ Y tế đã đưa ra để khuyến cáo người dân là hoàn toàn có những bằng chứng khoa học dựa theo cơ chế nguồn lây của virus SARS-CoV-2. Khẩu trang để hạn chế việc virus bắn ra từ người mang nguồn bệnh không phát tán ra ngoài không khí, sang người lành. Người lành đeo khẩu trang cũng có thể hạn chế virus lơ lửng ngoài không khí không thể xâm nhập vào cơ thể.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức