07:22 02/07/2015

Giữ bình yên cho vùng biên giới Lai Châu

Xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có địa bàn rộng. Tình trạng di cư ngoài kế hoạch và tuyên truyền đạo trái pháp luật là hai vấn đề nổi cộm của địa phương... Công tác tuyên truyền vận động của Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ đội biên phòng Lai Châu vì thế gặp nhiều khó khăn.

Xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có địa bàn rộng. Tình trạng di cư ngoài kế hoạch và tuyên truyền đạo trái pháp luật là hai vấn đề nổi cộm của địa phương... Công tác tuyên truyền vận động của Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ đội biên phòng Lai Châu vì thế gặp nhiều khó khăn.

Đại úy Phạm Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: Đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 13,1km biên giới với 9 cột mốc. Làm tốt công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Đồn biên phòng đã tham mưu, lựa chọn đưa cán bộ đủ năng lực và trình độ về tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, đồng thời trực tiếp tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản và giúp địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Bộ đội biên phòng cùng đồng bào lên nương.


Nhằm tạo nguồn cán bộ xã, bản cho địa phương, đồn Huổi Luông còn tham mưu cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lựa chọn và tổ chức các lớp đào tạo cho quân nhân đang làm nghĩa vụ quân sự trong tỉnh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở các xã biên giới. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ về địa phương tiếp tục phấn đấu để trở thành những cán bộ nguồn, nòng cốt cho cơ sở.

Là xã biên giới rộng với 23 bản, chủ yếu là dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, để giảm bớt tình trạng di cư ngoài kế hoạch, việc giúp đồng bào yên tâm phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định luôn được Đồn Biên phòng Huổi Luông quan tâm. Đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế qua các nguồn vốn, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thấy rõ tiềm năng phát triển trồng cây chuối, cán bộ, chiến sĩ đồn đã tích cực xuống tận các bản, giúp người dân khai hoang diện tích, hướng dẫn cách trồng, cách bón phân tỉa tán đến thu hoạch... Đồn lựa chọn 11 gia đình trong địa bàn xã để thí điểm trồng chuối thương phẩm xuất khẩu, qua đó tạo việc làm cho 800 lao động. Đến nay, diện tích trồng chuối của xã đã tăng lên hàng trăm ha, số hộ gia đình khá giả ngày càng nhiều, với mức thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha từ cây chuối...

Tuyên truyền cho đồng bào về chủ quyền biên giới.


Cán bộ, chiến sĩ của đồn còn tham gia giúp dân lao động sản xuất, tu sửa đường giao thông nông thôn, đường nhựa liên xã, xây bể nước sinh hoạt, vận động nhân dân khai hoang sửa chữa kênh mương thủy lợi... Qua đó, nhân dân trong xã từng bước thay đổi được cách nghĩ, cách làm, hình thành tư duy kinh tế, dần xóa bỏ những tập quán làm kinh tế lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất lao động.

Trong công tác chính sách, đơn vị thường xuyên tổ chức và phối hợp với Trạm y tế xã tiến hành nhiều đợt khám, chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương. Đặc biệt, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, những năm qua, đơn vị đã phối hợp với các nhà trường tại địa bàn sửa chữa nhiều phòng học, vận động các học sinh bỏ học trở lại lớp; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác tặng quà, dụng cụ học tập cho các học sinh hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 200 triệu đồng. Đồn còn nhận đỡ đầu các học sinh bán trú có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập với mức trợ cấp 500.000 đồng/em.

Nguyễn Duy