10:07 20/10/2016

Giữ bản sắc trang phục để bảo tồn văn hóa

Hiện nay, trang phục các dân tộc thiểu số của Việt Nam nói chung, trang phục dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói riêng, đang ngày càng vắng bóng trong đời sống của đồng bào. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các bộ trang phục truyền thống đang trở thành nhu cầu cấp bách.

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.

Nguy cơ mai một bản sắc

Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, nhất là các bạn trẻ có xu hướng “ngại” mặc trang phục của dân tộc mình, vì nhiều lý do khác nhau. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến, khiến nhiều nhà nghiên cứu văn hóa không khỏi lo ngại.

Khách mua quần áo thổ cẩm tại phiên chợ Pắc Miều ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Ảnh: Quân Trang - TTXVN

Là người dân tộc Mông, nhưng bà Vàng Thị Mo (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), thường mặc áo sơ mi, hoặc áo phông, chứ không mặc áo của dân tộc mình. Váy bà mặc cũng là váy bằng vải pha nilon, có in hoa văn, chứ không không phải váy dệt bằng vải lanh, thêu hoa văn truyền thống của người Mông. Hỏi bà Vàng Thị Mo, sao không mặc váy áo người Mông, bà bảo: “Váy áo của mình chỉ có 1 – 2 cái, không có nhiều, không mặc nhiều được. Mình mua váy áo này ở chợ, không phải làm, mà cũng không mất nhiều tiền, tiện lắm”.

Em Húng Thị Thời, dân tộc Pà Thẻn (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) kể, trước đây em thường mặc trang phục dân tộc mình, nhưng bây giờ thì em chỉ mặc quần áo dân tộc vào những ngày lễ Tết, đi ăn hỏi, ăn cưới các bạn trong thôn, còn ngày thường em vẫn mặc trang phục người Kinh. Hỏi lý do, Thời bảo, quê em nhiều dân tộc cùng sinh sống, hầu hết mọi người đều mặc quần áo người Kinh cả, nên em mặc giống mọi người cho đỡ… ngại. Em Vi Thị Loan, dân tộc Thái (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ, là người Thái, nhưng chỉ thỉnh thoảng, khi nào nhà có việc hoặc đi chơi hội, chơi Tết, Loan mới mặc trang phục của người Thái, những lúc đi làm, đi chợ thì em thường mặc áo phông, áo sơ mi cho dễ làm việc, vì áo cỏm của người Thái bó quá, khi làm việc không thoải mái…

Trên thực tế, không chỉ Tây Bắc, mà ở vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… đồng bào các dân tộc cũng ngày càng ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Tại một hội thảo về trang phục truyền thống dân tộc, TS Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đưa ra một con số giật mình: Có tới 40/54 dân tộc ở Việt Nam hiện không còn mặc trang phục truyền thống đúng như những gì mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ, thay vào đó là trang phục công nghiệp bằng sợi tổng hợp, sợi nilon với nhiều chủng loại, hoa văn giống hệt nhau, được bày bán tràn ngập trên thị trường. Một số dân tộc, ngoại trừ người già mặc trang phục truyền thống, còn giới trẻ đều mặc áo sơ mi, quần âu, hoặc quần áo mua của các nước láng giềng. Những dân tộc có dân số dưới 1.000 người như Rơ Măm, Ơđu, Chứt… thì hoàn toàn không còn bóng dáng của những bộ trang phục truyền thống.

Nhiều thách thức trong bảo tồn trang phục dân tộc

Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trang phục của đồng bào không chỉ có chức năng bảo vệ sức khỏe, mà quan trọng hơn, trong mỗi bộ trang phục truyền thống, đều thể hiện những giá trị văn hóa của từng dân tộc. Người ta dùng trang phục để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Từ trang phục truyền thống, người ta có thể nhận biết xu hướng, khả năng sáng tạo thẩm mỹ của mỗi cộng đồng văn hóa. Bên cạnh đó, mỗi bộ trang phục đều có những dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc đó thông qua các hoa văn trang trí… Ví dụ, cư dân có nguồn gốc săn bắn du mục, thì trang phục có dấu vết của da ghép vải. (Hiện nay dấu vết này còn có ở một số dân tộc như tay áo người Mông, vốn là dân tộc sinh sống trên núi, thiên về săn bắn, nên trên áo đều là hoa văn ghép vải…).

Trang phục của phụ nữ Thái trắng ở Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng cho rằng, trang phục không chỉ là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết, phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác, mà nó còn là sản phẩm sáng tạo của dân tộc từ quá khứ tới hiện tại, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Sắc thái vùng miền, sắc thái tộc người thể hiện qua trang phục được biểu đạt ở kiểu dáng cắt may, hoa văn trang trí, cách mặc, cách kết hợp giữa y phục với đồ trang sức… Một số trang phục còn đi kèm với dấu hiệu phân biệt thứ bậc trong xã hội của từng người như trang phục của thầy mo, trang phục của già làng, trưởng bản…

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một thực tế, trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo tồn trang phục truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Bởi trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới. Đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Qua đó, người dân ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào dân tộc. Trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi nhanh chóng, nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có dân số ít, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp dệt may, quần áo may sẵn tràn ngập thị trường, thì trang phục truyền thống các dân tộc không thể không thay đổi.

Từ điều kiện kinh tế, xã hội, từ sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa dẫn đến một thách thức không nhỏ, là nhận thức, tâm lý của người dân đang thay đổi. Nhiều người không nhận thấy nét hay, nét đẹp trong trang phục của dân tộc mình, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên có tâm lý mặc cảm, tự ti khi sử dụng trang phục của dân tộc mình trong giao tiếp xã hội…

Một thách thức nữa là từ cơ chế chính sách. Trên thực tế, hiện nay, hầu hết các chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc mới chỉ tập trung vào việc bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống; bảo tồn làng bản, buôn truyền thống; bảo tồn làng nghề truyền thống; bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca dân vũ; bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết... nhưng lại chưa có một chính sách cụ thể nào để khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một thiếu sót cần nhanh chóng được khắc phục, bổ sung trong thời gian tới. Nếu không có nhận thức đúng đắn và giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó, có giữ gìn phát huy trang phục truyền thống, mỗi dân tộc sẽ tự đánh mất bản sắc văn hóa của chính mình.

Bảo tồn bằng nhiều cách

Các nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra nhiều ý kiến về việc bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc, như: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân đang nắm giữ cách làm trang phục truyền thống, mở các lớp đào tạo, truyền nghề cho bà con dân tộc mình, đặc biệt là các bạn trẻ; ghi hình vào đĩa DVD để lưu lại những hình ảnh trang phục mà đồng bào các dân tộc sử dụng trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, như khi lên nương rẫy, khi ra đồng hay trong dịp lễ hội, nghi lễ tâm linh… để lấy đó làm tư liệu cho công tác khôi phục những bộ trang phục sau này; thường xuyên tổ chức các cuộc thi trang phục dân tộc nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của trang phục…

TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, muốn bảo tồn được trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung, trước hết, cần nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Làm sao để đồng bào nhận thức được việc giữ gìn trang phục chính là giữ gìn bản sắc, dấu ấn văn hóa và là niềm tự hào của dân tộc mình. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các làng nghề thủ công, làm nguyên vật liệu để dệt vải, thêu thùa, vừa có chính sách bắt buộc để thể hiện bản sắc văn hóa.

Ví dụ, cần phải bảo tồn nghề trồng bông, trồng lanh dệt vải. Dù công nghiệp có phát triển đến mấy, mỗi gia đình cũng cần dành một diện tích nhỏ để trồng bông dệt vải và phải giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có kế hoạch tổ chức quảng bá thu hút khách tham quan, bán hàng ngay tại làng nghề, tạo thu nhập cho đồng bào. Chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, bảo hộ thương hiệu cho những bộ trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc để không lai tạp, không làm đồ giả, đồ nhái…

TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích mặc trang phục truyền thống rất cụ thể. Ví dụ, có thể quy định, mỗi một người dân tộc thiểu số phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống và mặc trang phục trong tất cả các ngày lễ Tết, ngày khai giảng, trong các phiên chợ… Nếu có thể cần kết hợp cả tuyên truyền, cả cơ chế chính sách, cả ý thức tự hào dân tộc thì mới có thể bảo tồn được, nếu chỉ hô hào thì sẽ rất khó.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Vi Hồng Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc: Bảo tồn “tĩnh” và bảo tồn trong cuộc sống

Việc bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số là việc cần làm ngay. Có thể bảo tồn bằng nhiều cách: Bảo tồn tĩnh trong bảo tàng, thư viện là cần và cũng đã khó, song bảo tồn trong cuộc sống là bảo tồn có phát huy, phát triển còn khó hơn, nhưng việc làm đó đáp ứng được nguyện vọng chung của cộng đồng các dân tộc. Để làm được điều đó, cần tạo điều kiện, tạo môi trường văn hóa, không gian phù hợp để đồng bào thường xuyên có dịp mặc trang phục truyền thống. Không gian, môi trường văn hóa giúp trang phục truyền thống có “đất sống” chính là lễ hội truyền thống, những ngày văn hóa dân tộc, những câu lạc bộ giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng với nhau…

PGS. TS Đoàn Thị Tình, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc: Tuyên truyền và khuyến khích

Để bảo tồn, trước hết cần nâng cao nhận thức yêu cái đẹp, tự hào về trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc, nhất là giới trẻ. Các làng, bản có thể xây dựng quy ước việc mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ Tết, ngày hội… Song song với đó cần khuyến khích khôi phục phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm và mỹ nghệ trang sức...

Nghệ nhân Vàng Thị Mai, dân tộc Mông (huyện Quản Bạ, Hà Giang): Đồng bào phải được hưởng lợi

Những nghệ nhân đang nắm giữ cách làm trang phục truyền thống như chúng tôi sẵn sàng đào tạo, truyền nghề cho bà con dân tộc mình, đặc biệt là các bạn trẻ, để mọi người vừa có thể tự làm ra những bộ quần áo đẹp của dân tộc mình, vừa có sản phẩm hàng hóa bán trên thị trường. Theo tôi, để gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc thì cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các tổ chức cần hỗ trợ cơ chế, chính sách, làm sao để bà con dân tộc chúng tôi được hưởng lợi từ việc gìn giữ trang phục truyền thống, sản phẩm chúng tôi làm ra phải có nơi tiêu thụ, được giới thiệu, quảng bá rộng rãi… Khi đồng bào thấy mình được hưởng lợi, tự khắc họ sẽ gìn giữ được trang phục của dân tộc mình.

Lò Mai Nguy, dân tộc Thái, huyện Văn Chấn, Yên Bái: Mở lớp dạy làm trang phục truyền thống

Em rất thích học cách làm trang phục truyền thống của dân tộc mình, nhưng không biết học ở đâu, ai dạy cho mình. Theo em, địa phương nên mở những lớp dạy dệt, dạy thêu cho các bạn trẻ, để mọi người có cơ hội học và làm ra những bộ trang phục của dân tộc mình. Cùng với việc mở các lớp dạy làm trang phục truyền thống, trong những buổi sinh hoạt văn hóa thôn, bản, trong những buổi sinh hoạt đoàn thanh niên, địa phương nên thường xuyên tổ chức để cho người già, người có uy tín nói chuyện về ý nghĩa của trang phục truyền thống của dân tộc mình cho lớp trẻ hiểu hơn, biết trân trọng và gìn giữ trang phục của dân tộc mình hơn.

P.H




Phương Hà