04:08 08/04/2014

Giovanni Aldini - nguyên mẫu của Frankentstein

Đầu thế kỷ 19, khoa học không chỉ mới mẻ mà còn có khả năng giải mã những bí mật của tự nhiên... Tuy nhiên đối với nhiều người, khoa học vẫn bị coi là báng bổ thần thánh. Vì thế, nhiều phát minh đã được đưa ra như một cách giải trí để được công chúng dễ dàng chấp nhận hơn.

Đầu thế kỷ 19, khoa học không chỉ mới mẻ mà còn có khả năng giải mã những bí mật của tự nhiên và làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên đối với nhiều người, khoa học vẫn bị coi là báng bổ thần thánh. Vì thế, nhiều phát minh đã được đưa ra như một cách giải trí để được công chúng dễ dàng chấp nhận hơn.

 

Một trong những sự trình diễn ngoạn mục nhất trong số đó là của nhà vật lý người Italy Giovanni Aldini (1762 - 1834). Aldini là cháu trai của Luigi Galvani, nhà tiên phong về điện nổi tiếng toàn cầu. Galvani đã cho thấy rằng chân ếch chết có thể co giật không chủ đích khi một dòng điện chạy qua các cơ, và ông cùng đồng nghiệp Alessandro Volta đã tạo ra chiếc pin đầu tiên. Aldini tin rằng điện có những sức mạnh chưa được khám phá, trong đó có khả năng tác động đến chính cuộc sống.

 

Giovanni Aldini.


Năm 1802, Aldini thực hiện một buổi biểu diễn kỳ thú, sử dụng sức mạnh kinh ngạc của điện trước các khán giả là những đồng nghiệp thuộc Đại học Phẫu thuật Hoàng gia ở London, Anh. Một nhân chứng kể lại: “Aldini, sau khi cắt đầu một con chó, đã cho dòng điện của một chiếc pin mạnh chạy qua. Sự tiếp xúc gây ra các cơn chấn động khiến hàm răng của con chó nhe ra, răng va lạch cạch, mắt đảo trong hốc mắt... Người ta gần như tin chiếc đầu chó đã sống lại”.


Màn trình diễn của Aldini được ca ngợi đến mức ông đã đưa sô diễn của mình đi khắp các trường đại học ở châu Âu, nơi ông tạo ra các chuyển động co thắt của bò, ngựa và cừu chết khiến khán giả kinh ngạc. Không lâu sau, Aldini bắt đầu nghĩ về việc cơ thể người chết sẽ phản ứng thế nào với dòng điện.

 

Aldini “làm sống lại” xác người chết.

 


Vì khai quật xác người từ trong mộ vì mục đích khoa học được coi là bất hợp pháp (mặc dù trước đó một số nhà khoa học và bác sĩ đã đem những xác người như vậy đi nghiên cứu) nên Aldini đã quyết định sử dụng xác một tội phạm đã bị xử tử. Tháng 1/1803, xác của một kẻ sát nhân có tên George Foster được rút khỏi giá treo cổ ở nhà tù Newgate tại London và đưa đến Đại học Phẫu thuật Hoàng gia. Lúc này, Aldini đã hoàn thiện kĩ năng trình diễn, và ông cùng các trợ lý đã phát các tấm áp phích công bố rằng ông sẽ “làm hồi sinh” một xác chết trước mắt khán giả.


Aldini vờn tay trên xác chết và diễn giải thật to về phép màu của điện và khả năng nó cho con người những sức mạnh siêu nhiên - những sức mạnh có thể đưa người chết sống lại. Khán giả như bị thôi miên. Sự hồi hộp chờ đợi chiếm trọn khán phòng trước sự vui sướng của Aldini. Tấm chăn phủ xác chết được kéo ra và Aldini đề nghị một nhà vật lý tình nguyện lên xác nhận cái xác thực sự là của người chết. Sau khi đã được xác nhận, Aldini lắp các thanh dẫn điện lấy từ một tấm pin lớn và ấn vào mặt của Foster.

 

 

Thí nghiệm trên động vật.

 

Hàm răng bắt đầu rung lên, cơ má nhăn nhó và mắt trái mở ra. Đỉnh điểm của màn trình diễn là khi Aldini đưa một thanh dẫn điện vào bụng Foster, đôi tay của xác chết bắt đầu vung lên không trung, chân đá lên và lưng uốn mạnh, giống như hít thở sâu. Aldini thừa nhận rằng ông không thể hoàn toàn làm hồi sinh xác chết nhưng tuyên bố ông có thể “điều khiển các sức mạnh sống còn”, và thí nghiệm này một ngày nào đó có thể đưa đến cách làm người chết sống lại.


Ấn tượng đối với các màn trình diễn của Aldini lớn đến nỗi cảnh sát London đã có kế hoạch hành hình lại Foster nếu hắn ta được hồi sinh.


Aldini tiếp tục đi trình diễn khắp châu Âu, gây ra những cơn sốt ở “lục địa già” và cả ở Mỹ. Dù tận hưởng sự nổi tiếng của mình nhưng Aldini dần tin rằng điện không thể làm hồi sinh. Ông không thể làm tim hay phổi hoạt động lại. Ông bắt đầu nghĩ lại như một nhà khoa học - liệu có cách thực tế nào có thể dùng điện gây sốc cho cơ thể người?


Aldini đã quyết định thực hiện thí nghiệm trên người sống. Các tình nguyện viên được trả tiền và có lẽ được Aldini thuyết phục rằng họ có thể sẽ nổi tiếng nếu ông tìm ra cách sử dụng hữu ích dòng diện (ông không đề cập việc họ có chịu được các cú sốc điện hay không). Ông khám phá ra rằng sau khi gây sốc các thùy thái dương của một người, người đó sẽ có cảm giác khỏe hơn và thấy trong người lâng lâng. Sau đó ông chọn các tình nguyện viên bị trầm cảm kinh niên, và sững sờ khi nhận thấy họ cảm thấy khá hơn hẳn sau khi bị gây sốc bằng điện. Aldini cũng phát hiện ra các cú sốc điện tạm thời làm giảm cơn đau của bệnh thấp khớp, và ông đã tiên đoán chính xác rằng một ngày nào đó điện sẽ được dùng để chữa liệt và làm tim hoạt động trở lại sau khi đã ngừng đập. Lịch sử hiện đại công nhận Giovanni Aldini là cha đẻ của liệu pháp sốc điện, ngày nay vẫn đang được sử dụng.


Nữ nhà văn Mary Shelley biết rõ các thí nghiệm của Aldini khi bà viết “Frankenstein”, tiểu thuyết kinh dị giả tưởng nói về một nhà khoa học tìm cách lắp ghép các bộ phận của người chết để tạo ra một người mới. Mục đích của bà không phải là tạo ra một câu chuyện viễn tưởng hay kinh dị, mà là để cho thấy điều gì xảy ra khi người ta coi mình là Chúa và tin vào khoa học. Chồng bà, nhà văn nổi tiếng Percy Bysshe Shelley, quá đam mê câu chuyện của vợ mình đến mức khi chú mèo của gia đình chết, ông đã thử làm nó sống lại bằng sốc điện. Ông đã thất bại, nhưng nỗ lực của ông hẳn đã khiến Aldini vui mừng.


Trần Anh