12:09 25/12/2012

Giới trẻ nói không với thực phẩm không an toàn

Tết đến, Xuân về không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy mà cũng là dịp để giới trẻ “lấy cớ” tổ chức những buổi liên hoan thân mật cuối năm.

Tết đến, Xuân về không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy mà cũng là dịp để giới trẻ “lấy cớ” tổ chức những buổi liên hoan thân mật cuối năm.


 

Vì vậy, những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thường tăng từ 25 - 30% và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều nhất trong năm. Việc đảm bảo chất lượng thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán do đó luôn là vấn đề “nóng” được người dân và nhiều ngành chức năng quan tâm.

 

Nối vòng tay lớn


Tết dân tộc và các dịp lễ hội là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bùng phát và gia tăng. Dịch vụ ăn, uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội thường là hoạt động kinh doanh thời vụ, tự phát, nên rất khó tránh khỏi hành vi vi phạm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).


Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các Lễ hội trong thời gian trước và sau Tết Quý Tỵ, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã lên kế hoạch thành lập nhiều đoàn thanh tra liên ngành nhằm “thị sát” tại các địa phương về công tác đảm bảo ATVSTP. Đặc biệt, điểm mới của công tác đảm bảo ATVSTP năm nay là lần đầu tiên, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Chương trình Sinh viên tham gia công tác bảo đảm An toàn thực phẩm vào ngày 15/12, tại Trường ĐH Y Hà Nội.


Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm: “Các hoạt động đảm bảo ATVSTP là hoạt động mang tính chất liên ngành luôn cần sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, của nhiều tầng lớp nhân dân. Vì thế, việc huy động các bạn sinh viên tham gia vào công tác ATVSTP thông qua Chương trình "Sinh viên tham gia công tác ATVSTP" không chỉ là hoạt động hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước và nâng cao sức khỏe nhân dân mà còn nhằm phát huy được những lợi thế của tuổi trẻ cho công tác ATVSTP".


Với tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt tình của tuổi trẻ thì giới trẻ, nhất là đội ngũ sinh viên hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành những người tiêu dùng thông thái, là tấm gương trong gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các nguyên tắc ATVSTP. Nếu được cung cấp đầy đủ kiến thức ATVSTP, các bạn trẻ chắc chắn sẽ nói không với những thực phẩm, những quán ăn không đảm bảo ATVSTP.

 

Mỗi thanh niên là một người tiêu dùng thông thái


Có mặt tại lễ phát động Chương trình sinh viên tham gia công tác bảo đảm An toàn thực phẩm tại Trường Đại học Y Hà Nội, bạn Nguyễn Thu Hương, sinh viên năm thứ 4 hồ hởi cho biết: “Sinh viên tụi em chỉ chú ý đến học hành nên nhiều bạn cũng thiếu kiến thức về ATVSTP. Lắm khi mải vui là cứ sà vào quán bún đậu, bún ốc, hàng bánh chuối ven đường… dù cho nhìn qua cũng thấy không được đảm bảo vệ sinh. Do đó, Chương trình này rất hữu ích đối với sinh viên, cung cấp cho chúng em nhiều kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp chúng em phòng ngừa nhiều bệnh có thể lây qua đường ăn uống”.


Rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bạn Hoàng Lan, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin những hành vi vi phạm ATVSTP, gần đây nhất là vụ gà nhập lậu có tồn dư nhiều loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Em và người thân gia đình cũng lo lắm. Nói thực, người dân nói chung và sinh viên nói riêng đang rất “đói” thông tin về cách lựa chọn, nơi mua thực phẩm an toàn và cả những cảnh báo về thực phẩm kém chất lượng. Giờ đi chợ, chủ yếu là dựa vào sự quan sát bằng mắt chứ chẳng biết thế nào là gà đảm bảo an toàn chất lượng hay rau, củ quả nào sạch…”.


Thành lập 8 -10 đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết: Cuối tháng 12 này, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Y tế “chủ trì” sẽ thành lập 8 - 10 đoàn đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra ATVSTP tại những tỉnh, thành phố trọng điểm nhằm đảm bảo VSATTP trong dịp Tết Quý Tỵ. Các đoàn sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo ATVSTP tại địa phương; đồng thời xuống cả những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kiểm tra về điều kiện ATVSTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm, nhãn mác sản phẩm. Trong đó, các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, giò chả, thịt gia súc, gia cầm… sẽ được tập trung kiểm tra. Đặc biệt, từ ngày 25/12, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực. Do đó, các hành vi vi phạm ATVSTP dịp cuối năm này bị xử phạt rất nặng, mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng hoặc hơn (mức phạt cao nhất hiện nay là khoảng 40 triệu đồng).

Theo Lan, việc tuyên truyền các nguyên tắc đảm bảo ATVSTP cần tuyên truyền sâu, rộng hơn. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể phối hợp với những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm uy tín, nhất là các doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn về chất lượng như ISO, HACCP để cung cấp cho người dân những thông tin về thực phẩm “sạch”, thậm chí cả những địa chỉ tin cậy để người dân dễ dàng mua được những thực phẩm an toàn.


“Người dân cần trở thành những người tiêu dùng thông thái” là khẩu hiệu vẫn thường nghe thấy. Nhưng muốn vậy thì các cơ quan chức năng cần phải đổi mới phương thức tuyên truyền. Chúng em cần những hướng dẫn cụ thể để biết cách giữ ATVSTP trong công việc nội trợ hàng ngày chứ không phải những khẩu hiệu chung chung. Chẳng hạn như sắp Tết, nhà nào cũng trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh nên việc làm thế nào đảm bảo ATVSTP khi trữ thực phẩm trong tủ lạnh là rất quan trọng. Hay dịp Tết này, người dân sử dụng gia cầm rất nhiều. Cơ quan chức năng cần kịp thời cung cấp thông tin để người tiêu dùng có thể phân biệt thế nào là gà “sạch” thế nào là gà thải loại, kém chất lượng…”, Hoàng Lan chia sẻ.


Chia sẻ vấn đề này, một đại diện của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho biết, việc tăng cường cung cấp thông tin nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề đảm bảo ATVSTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới. Riêng Chương trình Sinh viên tham gia công tác ATVSTP sẽ tiếp tục triển khai tại nhiều trường đại học, cao đẳng ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau đó, chương trình sẽ mở rộng ra các trường đại học, cao đẳng khác trong cả nước nhằm nhân lên phong trào sinh viên chủ động tham gia đảm bảo ATVSTP. Hy vọng với Chương trình đặc biệt này, mỗi sinh viên sẽ trở thành một người tiêu dùng thông thái và sẽ trở thành những tuyên truyền viên, giám sát viên tích cực trong công tác đảm bảo ATVSTP, góp phần vận động, đẩy mạnh phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trong cả nước. Chương trình có sự góp phần tài trợ của tập đoàn Tân Hiệp Phát.