11:15 18/11/2011

Giới trẻ lên cơn sốt chụp ảnh

Những hoạt động bề nổi dễ thấy của các nhóm chụp ảnh đang nở rộ như nấm. Bên cạnh đó họ còn có nhiều hoạt động ý nghĩa mỗi khi xách máy lên đường.

Không kể đường xa bụi bặm, sẵn sàng đội nắng hay chịu rét với một bộ váy ngắn hoặc áo hai dây, giới trẻ cứ cuối tuần là tìm đến những đồng cải vàng ven đô Hà Nội, hay những nơi có phong cảnh đẹp để tạo dáng, làm duyên trước máy ảnh, rồi đưa lên mạng để chia sẻ. Đó mới chỉ là những hoạt động bề nổi dễ thấy của các nhóm chụp ảnh đang nở rộ như nấm. Bên cạnh đó họ còn có nhiều hoạt động ý nghĩa mỗi khi xách máy lên đường.

Thú vui này đang nhanh chóng trở thành mốt và dần được khẳng định với minh chứng là sự ra đời của hàng loạt diễn đàn ảnh trên Internet mà thành viên không chỉ là những nhiếp ảnh gia kỳ cựu.




Đi thực tế lên Y Tý, Lào Cai



Nở rộ các nhóm nhiếp ảnh

Cách đây vài ba năm, việc lập ra website, diễn đàn chuyên về ảnh không hề đơn giản bởi cần phải quy tụ nhiều tay máy có kỹ năng chụp ảnh tốt và có nguồn kinh phí hỗ trợ dồi dào. Nhưng vào thời điểm này khi mạng xã hội bùng nổ cùng các phương tiện chụp ảnh kỹ thuật số tràn lan thì các tay máy nghiệp dư cũng hoàn toàn có thể thành lập các nhóm nhỏ trên Facebook để cùng chia sẻ sở thích nhiếp ảnh.

Có thể kể đến các nhóm như: AMP (Amateur Model Photography), Hội những người thích chụp ảnh bằng máy film, Hội những người thích chụp ảnh và thích được chụp ảnh, Hội những người thích đi “phượt” và lang thang chụp ảnh, Hội những người ghiền cà phê & mê chụp ảnh... Khi tham gia vào những nhóm này, nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên vì lượng thành viên có khi lên đến gần 60.000 người và có những hoạt động mà chỉ cần nhìn qua tên hội cũng đã thấy vô cùng sôi nổi.

Trong khi các nhóm “phượt” nhắm chủ yếu tới các chuyến đi xa, chinh phục các điểm đi khó và kể lại chuyến đi bằng hình ảnh thì các nhóm khác lại chủ yếu tìm đến những địa điểm quanh thành phố để “tự thể hiện”.

Phổ biến nhất hiện nay ở Hà Nội là những khu vực có đồng cải nở rộ (vào đầu tháng 11), hoặc hoa bách nhật (tháng 8). Chia sẻ với TT&VH, anh Phùng Tuấn Hưng cho rằng, việc lập ra các nhóm ảnh nghiệp dư trên mạng của giới trẻ dù sao cũng tốt hơn là để họ tìm đến những những trò chơi vô bổ.

Trong số đó, có những nhóm ảnh được tổ chức khá bài bản do các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cầm trịch và họ đã có nhiều hoạt động rất có ý nghĩa. Điển hình là chuyến đi của nhóm nhiếp ảnh của diễn đàn nhiepanh.vn đã mang quần áo lên Y Tý, Lào Cai vào ngày 17/11. Qua những chuyến đi lên vùng cao Y Tý, các nhiếp ảnh gia không chỉ ghi lại những khoảnh khắc về sự đói nghèo của người dân nơi đây mà còn tìm cách quyên góp cứu trợ cho các em nhỏ. Và chỉ sau một thời gian kêu gọi cộng đồng tham gia, anh Lekima Hung, một nhiếp ảnh gia của nhiepanh.vn cho biết, đã quyên góp được hơn 50 triệu đồng cùng rất nhiều quần áo, sách vở và đồ dùng. Điều đó cho thấy, các hoạt động nhiếp ảnh có thể đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội chứ không đơn thuần chỉ là chuyện chụp ảnh.


Một buổi chụp ảnh dã ngoại



Chơi sao cho có ích

Không gặp mặt thường xuyên, nhưng nhóm của những người sử dụng máy ảnh Pentax được coi là nhóm hoạt động có chất lượng nhất hiện nay. Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, số người sử dụng Pentax là khá ít so với hai thương hiệu lớn là Nikon và Canon. Tuy nhiên, tiêu chí hoạt động của nhóm lại là chất lượng nên không vì thế mà nhóm này quên đi những buổi giao lưu, trao đổi và những chuyến đi thực tế.

Anh Trương Đức Thăng, một thành viên tích cực của Pentax Việt Nam cho biết, các buổi offline của nhóm thường chỉ có khoảng trên dưới 10 anh em tham gia nhưng rất chất lượng. Cả nhóm thường tìm đến làng nghề truyền thống, những nơi có những hoạt động văn hóa... để thử nghiệm các loại ống kính mới và tìm những góc cạnh đẹp để cho ra đời các tác phẩm chất lượng.

Một nhóm ảnh khác cũng thường xuyên gặp mặt và có những chuyến đi không giống ai là nhóm phóng viên ảnh của một số tờ báo như Du lịch, Tổ quốc, Tiền phong, ... Anh Đinh Tuấn Anh, phóng viên báo Du lịch cho biết, ngoài các công việc hàng ngày của một phóng viên, nhóm thường tổ chức đi các vườn quốc gia hoặc các khu vực có nhiều động vật hoang dã để săn ảnh. Ngoài việc chụp để đăng tải trên báo, nhóm thường xuyên chia sẻ ảnh trên các diễn đàn với mục đích kêu gọi mọi người bảo vệ động vật. “Những bức ảnh này thường được cộng đồng đón nhận và chia sẻ. Quan trọng hơn, nhờ những bức ảnh đó, chúng tôi đã ‘lôi kéo’ được thêm không ít người vào sở thích chụp động vật”, anh Tuấn Anh chia sẻ.



Theo thethaovanhoa.vn