Nước Đức lâu nay vẫn tự hào là xã hội trọng dụng người tài, nhưng nghiên cứu mới chỉ ra rằng cơ hội vươn lên đỉnh cao tại các tập đoàn lớn vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất thân và quan hệ hơn là năng lực thực sự.
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Porsche ở Stuttgart, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo kênh DW, Giáo sư xã hội học Michael Hartmann (Đại học Công nghệ Darmstadt) đã nhiều năm nghiên cứu và chỉ ra rằng hơn 80% tầng lớp lãnh đạo doanh nghiệp tại Đức hiện nay xuất thân từ nhóm 3-4% dân số có điều kiện xã hội tốt nhất. Suốt hơn 100 năm qua, tỷ lệ người đến từ tầng lớp lao động hay hoàn cảnh khiêm tốn vươn lên các vị trí điều hành cấp cao chỉ tăng khoảng 2,5% - một con số khá khiêm tốn nếu so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của nước Đức.
Sự thay đổi tích cực từng xuất hiện trong giai đoạn công nghiệp hóa đầu thế kỷ 20, nhưng nhanh chóng chững lại. Ngày nay, bất chấp các cam kết về đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DEI) được nhiều tập đoàn lớn công bố, cơ hội thực tế để những người có xuất thân bình dân lọt vào ghế lãnh đạo vẫn rất hạn chế. Theo khảo sát của Bitkom, khoảng 2/3 doanh nghiệp quy mô lớn tại Đức đã có mục tiêu DEI chính thức, nhưng báo cáo của Tổ chức AllBright Foundation cho thấy các vị trí quyền lực vẫn gần như do nam giới chi phối. Ngay cả những phụ nữ hoặc người có gốc di cư đạt đến vị trí điều hành, họ cũng thường xuất thân từ các gia đình giàu truyền thống quyền lực.
Giáo sư Hartmann phân tích: “Nếu bạn đã mang một ‘rào cản’ như giới tính hay xuất thân di cư, bạn càng cần nền tảng xã hội thật mạnh. Khó ai có thể vượt qua hai rào cản cùng lúc”.
Giáo dục đại học vẫn được xem là "tấm vé thông hành" quan trọng. Theo PageGroup, khoảng 80% con em các gia đình tri thức tiếp tục học lên đại học, trong khi tỷ lệ này ở con em các gia đình lao động chỉ đạt khoảng 25%. Tuy nhiên, ngay cả khi có cùng bằng cấp, con cái các doanh nhân hay quan chức cấp cao vẫn dễ dàng thăng tiến nhanh hơn và xa hơn. Giáo sư Hartmann cho biết những sinh viên có cha mẹ là lãnh đạo doanh nghiệp, sở hữu bằng tiến sĩ, có khả năng lọt vào ban điều hành các tập đoàn lớn cao gấp 17 lần so với những sinh viên có bằng cấp tương đương nhưng xuất thân từ gia đình công nhân.
Không chỉ bằng cấp, yếu tố như cách giao tiếp, ngoại hình, sở thích cá nhân hay mối quan hệ xã hội cũng là “cánh cửa ngầm” mở ra cơ hội thăng tiến. Giáo sư Hartmann bình luận: “Giới tinh hoa vẫn thích tuyển dụng, làm việc và kết giao với những người giống mình, từ cách nói năng đến sở thích”.
Tuy vậy, nghiên cứu của ông cũng chỉ ra tín hiệu tích cực khi số lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp lao động đã tăng lên, dù tỷ lệ này vẫn rất thấp và phần lớn “đẩy” áp lực cạnh tranh sang nhóm trung lưu. Giáo sư Hartmann nói: “Khi một đứa trẻ từ gia đình lao động đạt được vị trí cao, nhiều khi vị trí đó lại mất đi khỏi tay con em tầng lớp trung lưu - như con của giáo viên, nhân viên văn phòng”.
Thực trạng này không chỉ tạo ra bất công xã hội mà còn kìm hãm tăng trưởng. PageGroup ước tính sự thiếu hụt cơ hội dịch chuyển xã hội khiến kinh tế Đức thiệt hại khoảng 25 tỷ euro (khoảng 27 tỷ USD) GDP mỗi năm. Một nghiên cứu của McKinsey cũng cho thấy nếu nâng cao tính công bằng trong thăng tiến, GDP toàn Liên minh châu Âu có thể tăng thêm khoảng 9%.
Một số trường hợp được coi là “huyền thoại” như Joe Kaeser - cựu CEO Siemens, xuất thân con trai một công nhân - thường được truyền thông nhắc lại như minh chứng cho “giấc mơ Đức”. Tuy nhiên, theo Giáo sư Hartmann, những câu chuyện như vậy chỉ là ngoại lệ hiếm hoi, không phản ánh bức tranh chung. “Những câu chuyện này thường được lặp đi lặp lại để mọi người tin rằng ai cũng có thể làm được điều đó, nhưng thực tế không phải vậy”, ông nhấn mạnh.
Để phá vỡ vòng lặp này, Giáo sư Hartmann cho rằng giải pháp căn cơ chỉ có thể là các hạn ngạch, quy định bắt buộc và cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo cơ hội công bằng cho mọi nhóm xã hội. “Nếu chỉ trông chờ sự tự điều chỉnh hay thiện chí, thì cả trăm năm nữa mọi thứ cũng sẽ giậm chân tại chỗ”, ông nói.