02:14 08/02/2017

Giới lãnh đạo kinh tế Mỹ tìm chính sách mới thời ông Trump

Chủ nghĩa tư bản cần phải nhanh chóng thay đổi để tồn tại. Đó là vấn đề được nêu bật tại cuộc hội thảo có chủ đề "Định hướng chính sách mới cho các nhà điều hành kinh tế trong kỷ nguyên Donald Trump" diễn ra tại câu lạc bộ đại học ở thành phố New York trong ngày 7/2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong hơn suốt hơn 1 giờ thảo luận, hai diễn giả chính là các nhà kinh tế kỳ cựu Steve Odland và Joseph J. Minarik cùng khoảng 30 nhà điều hành hàng đầu trong cả giới doanh nghiệp lẫn chính trị tại Mỹ đã nhấn mạnh tới tình trạng bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng tại nước Mỹ song song với quá trình phục hồi kinh tế và sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán. Do vậy, thông điệp được các diễn giả đưa ra xuyên suốt cuộc hội thảo là cần phải có những thay đổi chính sách táo bạo để sự thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ đến được với mọi tầng lớp nhân dân.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề cuộc hội thảo, ông Minarik, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kinh tế Mỹ, nguyên nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Quản lý Ngân sách dưới thời chính quyền Bill Clinton cho biết trong một thời gian dài nhiều người dân Mỹ đã bị gạt ra khỏi xã hội và không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua đã phần nào thể hiện thông điệp mà người dân muốn gửi tới các chính trị gia và các nhà lãnh đạo giới kinh doanh rằng cần phải có sự điều chỉnh căn bản hệ thống kinh tế để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ.

Theo hai nhà kinh tế trên, để thu hẹp tình trạng bất bình đẳng, các nhà điều hành công ty cần phải chú trọng đến việc tạo ra sự bình đẳng trong cơ hội, cam kết tạo dựng giá trị lâu dài cho nhiều cổ đông khác nhau, chứ không chỉ cho những người sở hữu công ty. Trong khi đó, các chính khách cần nhổ tận gốc chủ nghĩa tư bản để khôi phục lòng tin của người dân vào chính quyền, cải thiện toàn bộ hệ thống giáo dục từ mẫu giáo tới sau đại học để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt hơn. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng cần phải cải cách các quy định về tài trợ cho tranh cử và các hoạt động vận động hành lang, thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực y tế để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt hơn với chi phí thỏa đáng hơn.

Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ đang ngày một phình to và đẩy nợ liên bang lên tới mức cao kỷ lục, cả diễn giả lẫn khách mời đều cho rằng nợ công đang là thách thức lớn nhất đối với chủ nghĩa tư bản của Mỹ. Mặc dù tân Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ nỗ lực để thu hẹp thâm hụt ngân sách, song đây sẽ là một sứ mệnh bất khả thi đối với ông. Ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ khó có thể thực thi cam kết cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở mà lại không phải lạm chi ngân sách. Đó là chưa kể đến việc thâm hụt ngân sách của nước Mỹ tới đây còn nghiêm trọng hơn nữa do chi phí chăm sóc người cao tuổi có nguy cơ tăng cao chưa từng thấy.

Về vấn đề đang gây tranh cãi nhất hiện nay tại Mỹ là chính sách nhập cư, các diễn giả thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng người nhập cư đổ vào Mỹ từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước. Người nhập cư cạnh tranh trực tiếp với những người lao động sinh ra tại Mỹ trong cả lĩnh vực tay nghề cao lẫn tay nghề thấp. Chính sự cạnh tranh này đã giúp cho toàn bộ lực lượng lao động của Mỹ trở nên có tay nghề hơn, có năng suất cao hơn và đông hơn.

Làn sóng người nhập cư cũng làm tăng đáng kể vốn con người cho nền kinh tế, những lao động mới này có thu nhập cao hơn, đóng thuế nhiều hơn và ít có nhu cầu xin trợ cấp của chính phủ hơn. Tuy nhiên, theo các diễn giả, chính sách nhập cư của Mỹ cần phải được cải tổ để tận dụng tối đa những lợi ích kinh tế này. Hiện tại hệ thống cấp thị thực của Mỹ chủ yếu mang tính tùy hứng, áp đặt những hạn chế về số lượng đối với từng quốc gia. Các nhà kinh tế kiến nghị nên phân bổ việc cấp thị thực dựa trên ưu tiên tăng nguồn lao động nhập cư cho những lĩnh vực khan hiếm nhân công nhất.

Kết thúc hội thảo, các diễn giả kêu gọi toàn thể cộng đồng kinh doanh ở tất cả các vùng miền của Mỹ thuộc mọi ngành nghề cùng với các nhà hoạch định chính sách mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc để chủ nghĩa tư bản đem lại sự thịnh vượng cho mọi người dân Mỹ.

TTXVN/Tin Tức