01:16 25/01/2022

Giới khoa học Trung Quốc: Omicron có thể đã tiến hóa từ chuột

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết biến thể Omicron có thể đã lây nhiễm từ chuột sang người.

Chú thích ảnh
Một số nhà khoa học cho rằng Omicron tiến hóa ở chuột trước khi lây nhiễm trở lại sang người. Ảnh: AP 

Theo trang Daily Mail (Anh), nguồn gốc của Omicron – biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 – vẫn là một bí ẩn đối với các chuyên gia. Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã tìm ra bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa Omicron với chuột trong DNA của biến thể mới.

Phân tích cho thấy Omicron mang các đột biến khiến chủng virus này có khả năng lây nhiễm sang nhóm động vật dễ dàng hơn. Omicron cũng có nhiều đột biến hơn mọi chủng virus trước đây và các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đột biến này không xuất hiện ở người.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh DNA của Omicron với chủng virus gốc ở Vũ Hán và các biến thể khác, bao gồm Alpha và Delta. Họ nhận thấy Omicron có số lượng đột biến trung bình cao hơn nhiều (với 53,3 đột biến) so với các chủng virus trước đó (chỉ có khoảng 28,4 đến 35,4 đột biến).

Các nhà khoa học cho biết những đột biến này cho thấy Omicron có thể đã tiến hóa ở một loài động vật không phải con người. Họ cũng so sánh Omicron với các đột biến ở 13 chủng SARS-CoV-2  ít được biết đến trước đây đã từng được phát hiện ở chuột. Kết quả cho thấy Omicron có cùng 5 đột biến với nhóm này. Các nhà khoa học cũng khẳng định đây là bằng chứng cho thấy Omicron đã xuất hiện ở chuột.

Giáo sư Jianguo Xu tại Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm của Trung Quốc, cho biết quá trình đột biến của Omicron cho thấy chủng virus này đã thích nghi để lây nhiễm sang các tế bào của chuột.

“Chúng tôi tin rằng virus SARS-CoV-2 đã dần tích lũy đột biến trong con vật này, trước khi nó lây nhiễm trở lại sang người bằng hình thức lây truyền ngược từ động vật sang người. Những phát hiện này cho thấy các nhà nghiên cứu nên tập trung vào các biến thể SARS-CoV-2 được phân lập từ động vật hoang dã, đặc biệt là loài gặm nhấm”, ông nói.

Giáo sư Jianguo cũng cho biết nếu Omicron có nguồn gốc từ chuột, tác động của việc biến thể mới lưu hành giữa các vật chủ, không phải là con người, sẽ đặt ra những thách thức mới trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Đây không phải là lần đầu các chuyên gia đưa ra giả thuyết Omicron xuất hiện lần đầu ở loài gặm nhấm trước khi lây nhiễm trở lại con người. Một số nhà khoa học - bao gồm Giáo sư Kristian Andersen tại Viện Nghiên cứu Scripps có trụ sở tại Mỹ - cũng đã đưa ra giả thuyết rằng Omicron có thể đã xuất hiện ở chuột. Họ lập luận rằng điều này có thể giải thích tại sao Omicron mang nhiều đột biến hoàn toàn khác với những biến thể khác.

Tuy nhiên, lập luận này vẫn chưa thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà khoa học. Nhiều người vẫn tranh luận rằng biến thể mới có thể xuất hiện ở một bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc ở một khu vực mà việc kiểm soát dịch bệnh còn hạn chế. Song hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng Omicron có thể đã xuất hiện sau một đợt lây nhiễm kéo dài ở một người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn bệnh nhân HIV.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí An toàn sinh học và An ninh sinh học.

Hải Vân/Báo Tin tức