01:11 05/01/2011

Giới hạn nào cho “Nữ hoàng”?

Trong năm 2011, nhiệm vụ bảo vệ 2 tấm HCV ở cự ly 100 m, 200 m tại SEA Games 26 không quá khó khăn với Vũ Thị Hương. Nhưng bước chạy của “Nữ hoàng tốc độ” được chú ý hơn cả vẫn là cuộc chinh phục vòng loại Olympic 2012...

Trong năm 2011, nhiệm vụ bảo vệ 2 tấm HCV ở cự ly 100 m, 200 m tại SEA Games 26 không quá khó khăn với Vũ Thị Hương. Nhưng bước chạy của “Nữ hoàng tốc độ” được chú ý hơn cả vẫn là cuộc chinh phục vòng loại Olympic 2012, nơi mà Hương đang được kỳ vọng rất lớn là sẽ mang lại tấm vé trực tiếp cho điền kinh VN.

Tuổi tăng, thành tích không giảm

Đã có những lo ngại cho Vũ Thị Hương tại sân chơi Asian Games 16 trong việc chinh phục tấm huy chương đầu tiên cho điền kinh VN ở tuổi 25, cái tuổi chưa già, nhưng cũng không còn trẻ với bất kỳ VĐV nào.


Song Vũ Thị Hương đã chứng minh cho tất cả những nỗ lực của mình bằng 1 tấm HCĐ và 1 HCB quý giá. Dù thành tích của 2 tấm huy chương này không phải là tốt nhất, nhưng việc phải thi đấu dưới áp lực lớn, cùng sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ mạnh, thành tích của Hương thật đáng khâm phục.

Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010, VĐV Vũ Thị Hương (An Giang) đã đoạt HCV cự ly 200 m nữ với thành tích 23 giây 27, phá kỷ lục quốc gia. Ảnh: Ngọc Trường – TTXVN


Không dừng lại ở đó, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc vừa kết thúc tại Đà Nẵng, Vũ Thị Hương tiếp tục gây “sốc” khi phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 200 m. Vũ Thị Hương đã thu ngắn khoảng cách 23”74 giúp cô giành HCB Asian Games 16 (cự ly 200 m) xuống còn 23”27 và vượt qua cả người giành HCV tại Asian Games 16.


Với thành tích trên, Hương không chỉ giành HCV mà còn phá kỷ lục của chính mình lập tại SEA Games 2009 (23”31), đồng thời xô đổ kỷ lục Đông Nam Á (23’30) của Supavadee (Thái Lan) - kỷ lục mà VĐV người Thái này đã nắm giữ hơn 10 năm qua. Thành tích này của Hương cũng tiếp cận được tốp 5 VĐV nữ chạy nhanh nhất châu Á ở cự ly 200 m.

Điều đáng nói là đây không phải là sân chơi để một VĐV tầm cỡ hàng đầu châu lục như Hương nhất thiết phải thi đấu hết sức mình, nhưng Hương vẫn quyết chạy với tất cả vốn liếng. Trước đó tại Asian Games Quảng Châu, Hương đã tự tin khẳng định thành tích của mình có thể được nâng cao hơn nữa và cô quyết lập một mốc thành tích mới trong năm 2011.

Cần một lực bật thật tốt

So với Trương Thanh Hằng, người cũng đạt thành tích tốt tại Asian Games 16, Vũ Thị Hương trong năm 2010 chịu cảnh thiệt thòi hơn, thậm chí, nhiều khi không được quan tâm một cách đúng mức.


Điều đó cho thấy, nếu như Hương có một sức bật hợp lý về sự đầu tư, áp dụng phương pháp khoa học vào tập luyện, thi đấu, thì việc tranh 1 vé trực tiếp đến Luân Đôn năm 2012 không phải là nhiệm vụ quá xa vời.


Và tất cả những kế hoạch đó, phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ, khi mà chúng ta có những cơ sở để tin tưởng vào một thành công trong tương lai gần của Vũ Thị Hương.

Đáng mừng là sau thành công vang dội tại Asian Games 16, các VĐV điền kinh, trong đó có Vũ Thị Hương, đã khiến những nhà quản lý thể thao VN thay đổi hoàn toàn cách nghĩ, cách làm.


Vũ Thị Hương và các đồng đội của cô đã tạo ra một bước ngoặt lớn về tư duy làm thể thao. Đó là việc có tuyển chọn được VĐV tài năng hay không, chúng ta có đào tạo tốt không, chứ không phải cứ mặc cảm về thể hình không cao lớn của mình và không dám chơi những môn Olympic.


Tất cả đều hiểu, chỉ những môn thể thao Olympic mới mang lại niềm vui thực sự. Không có cách nào khác, TTVN phải tìm những thế mạnh, tìm những con đường để đi và sánh ngang với các bạn bè ở khu vực và châu lục.

Cơ hội đã thấy, thậm chí còn thấy rất rõ, Hương cần được sự đầu tư một cách tối đa để phát huy hết khả năng của mình. Hay nói cách khác, hành trang mà Hương mang đi chinh phục sân chơi Olympic phải có đầy đủ tất cả những gì mà cô cần, thay vì “tự thân vận động” như những lần trước đây.

Anh Chi